Bạn đang xem bài viết Ý nghĩa Tết Nguyên Tiêu – Cách cúng rằm tháng Giêng tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Rằm tháng giêng hay còn gọi là tết Nguyên Tiêu là 1 trong những ngày lễ lớn, lễ hội cổ truyền của người Việt, là lễ tết Thượng Nguyên tại Trung Quốc và cũng là ngày cuối trong cả dịp Tết Xuân. Ngoài ra, tết Nguyên Tiêu cũng còn gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ, Tết Trạng Nguyên, Tết Đoàn Viên, Tết Hoa Đăng… theo ý nghĩa là đêm trăng tròn đầu tiên trong năm mới theo Âm lịch. Chính vì thế, ít ai biết được nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này!
Ý nghĩa Tết Nguyên Tiêu – Ngày Rằm Tháng Giêng
Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái Phật, có gia đình cúng Thổ Công, Thần Tài hoặc cúng Âm Hồn các đẳng… Nhưng bao giờ cũng có cúng Gia Tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm tạ ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn thuận lợi.
Theo lời các bô lão, thời xưa, rằm tháng giêng vốn là ngày tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, vua cho mở đại yến tại vườn thượng uyển, vời các Trạng Nguyên đến dự hội, ngắm cảnh xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ca tụng ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị.
Dần dần những buổi họp mặt tương tự vào đêm rằm tháng giêng được các văn nhân thi sĩ tổ chức, không chỉ trong vườn thượng uyển với nghi lễ vua tôi mà ở nhiều nơi, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những vần thơ xướng họa, đối đáp phong phú và sinh động hơn.
Văn nhân thi sĩ, nhất là các cụ cao niên thưởng trăng thù tạc với nhau bằng chén trà, chung rượu, bàn cờ. Các cụ ăn uống ít, chỉ ngâm nga bàn tán những câu tâm đắc.
Tết Nguyên Tiêu trở thành một sinh hoạt tao nhã mang nhiều ý nghĩa trong khung cảnh tuyệt vời thơ mộng:Trong ngày tết Nguyên Tiêu, ngoài ngắm đèn, ăn bánh trôi, còn có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác như diễu hành, múa lân sư rồng…
Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của Việt. Rằm tháng giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp.
Tết Nguyên Tiêu là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.
Cúng Rằm Tháng Giêng – Tết Nguyên Tiêu
Người Việt Nam có câu “Lễ Phật cả năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngày Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) trong đời sống tâm linh của người Việt.
Chính vì vậy mà vào ngày lễ này, các gia đình thường rất cẩn thận trong việc sắm lễ cúng. Nhiều người còn lên chùa cầu may mắn, bình an rồi mới làm lễ tại nhà.
Phần lễ tại nhà cũng thường được chuẩn bị chu đáo gồm: lễ cúng Phật, thần linh và gia tiên.
1/ Cúng Phật, thần linh và gia tiên
Ngày Tết Nguyên tiêu các gia đình thường sắm hai lễ: 1/ cúng Phật, cúng thần linh và 2/ cúng gia tiên.
Cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến. Nếu là Phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo.
Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài lễ bái Tam Bảo (chữ đậm) dưới đây:
Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương.( 3 lần, mỗi lần lạy 1 lạy )
(Cầm 3 nén hương quỳ đọc tiếp)
Nguyện mây hương lành này,
Biến khắp mười phương giới,
Trong có vô biên Phật,
Vô lượng hương trang nghiêm,
Viên mãn đạo Bồ Tát,
Thành tựu hương Như Lai. (1 lạy, và cắm hương vào bát hương)
Dâng hương cúng dàng rồi, dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. ( 1 lạy)
(Thành kính chấp tay thành búp sen đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật)
Phật thân rực rỡ tựa kim san
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại Chân Như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang
Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật
Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.
Án phạ nhật ra hồng. (3 lần)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. ( 1 lạy )
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát ( 1 lạy )
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. ( 1 lạy )
Con nay đều vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ, dốc lòng sám hối. (1 lạy)
(Quỳ đọc) Chí tâm sám hối:
Xưa kia gây nên bao ác nghiệp
Đều vì ba độc: tham, sân, si
Bởi thân, miệng, ý phát sinh ra
Hết thảy con nay xin sám hối.
Như vậy tất thảy bao nghiệp chướng
Ắt hẳn tiêu diệt không tàn dư
Niệm niệm âm vang tận pháp giới
Độ khắp chúng sinh nhập Bất Thoái. (1 lạy)
Sám hối phát nguyện rồi, chúng con kính lễ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và chư Phật ở khắp mười phương. (1 lạy )
Cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.
Khi cúng đọc bài khấn Tết Nguyên tiêu dưới đây.
2/ Văn khấn Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng) tại nhà
Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật,Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ………………………………………..
Ngụ tại:………………………………………………………………
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm… gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Với mong muốn để mọi người hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày Rằm Tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, mọi thông tin trong bài đăng có tính chất tham khảo cho những ai quan tâm.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Ý nghĩa Tết Nguyên Tiêu – Cách cúng rằm tháng Giêng tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.