Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Phân tích nghệ thuật ẩn dụ trong bài thơ Viếng lăng Bác (3 mẫu) Bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 9: Phân tích nghệ thuật ẩn dụ trong bài thơ Viếng lăng Bác gồm 4 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu sâu sắc hơn, để hoàn thiện bài viết của mình thật hay.
Bài thơ Viếng Lăng Bác cho ta thấy tác giả đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ hết sức tài tình, tuân theo quy luật thời gian. Nhờ đó, giúp ta cảm nhận được những tình cảm thiêng liêng, sự biết ơn, lòng thành kính vô hạn. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây:
Phân tích nghệ thuật ẩn dụ trong Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương được sáng tác trong không khí xúc động của nhân dân cả nước trước sự kiện to lớn là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là một thành viên trong đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, nhà thơ được vào lăng viếng Bác. Tình cảm yêu thương, kính phục cùng nỗi tiếc thương vô hạn vị lãnh tụ anh minh – Người Cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã trở thành nguồn thi hứng dạt dào, thôi thúc Viễn Phương viết nên bài thơ được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất về Bác Hồ.
Cảm hứng bao trùm bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi tác giả vào lăng viếng Bác. Cảm hứng ấy chi phối giọng điệu và âm hưởng chung của toàn bài. Nhà thơ đã đem hết tâm huyết của mình để quan sát, chọn lọc và sáng tạo ra những hình ảnh có tính chất tượng trưng sâu sắc để thể hiện phẩm chất cao quý tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ hình ảnh quen thuộc là hàng tre xanh xanh san sát bên nhau dọc lối vào lăng – biểu tượng của sức sống bền bỉ, dẻo dai, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, đến những hình ảnh giàu ý nghĩa triết lí như “mặt trời, vầng trăng, trời xanh” trong và quanh lăng Bác.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Mặt trời trong câu thơ trên là hình ảnh thực của vầng thái dương ngày ngày tỏa ánh sáng ấm áp xuống mặt đất – duy trì sự sống cho muôn loài. Mặt trời trong câu thơ dưới là một ẩn dụ nghệ thuật đẹp đẽ và đầy sáng tạo của nhà thơ, thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với Bác Hồ – Người đốt ngọn đuốc giữa đêm trường thực dân phong kiến, dẫn đường chỉ lối cho dân tộc đứng lên thực hiện cuộc cách mạng giải phóng rung trời chuyển đất, làm nên chiến thắng vinh quang, khẳng định tên tuổi Việt Nam trước toàn thế giới. Bác Hồ mãi mãi là vầng mặt trời soi sáng và sưởi ấm, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta trên con đường đi tới tương lai.
Trong khổ thơ thứ ba có một ẩn dụ nghệ thuật mang một vẻ đẹp khác một ý nghĩa khác:
Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Câu thơ diễn tả tinh tế không khí yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ trong lăng Bác. Hình ảnh vầng trăng gợi người đọc liên tưởng đến tâm hồn thanh cao cùng đời sống giản dị, trong sáng, thuần khiết của Bác. Đồng thời, nó cũng gợi cho chúng ta nhớ đến những bài thơ tràn ngập ánh trăng mà thi sĩ Hồ Chí Minh sáng tác trong hoàn cảnh tù đày hoặc trong kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược. Suốt đời, Bác coi trăng là bạn tri âm, tri kỉ. Giờ đây, Bác đã an giấc ngàn thu, giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.
Để thể hiện tâm trạng xúc động của mình, nhà thơ Viễn Phương đã mượn hình ảnh tượng trưng có ý nghĩa sâu xa:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Sinh tử là quy luật của Tạo hóa, không ai tránh khỏi. Bác Hồ của chúng ta cũng đã giã biệt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân để đi vào cõi vĩnh hằng. Tuy vậy, trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ đời đời sống mãi. Nhà thơ cũng như cả dân tộc nhận thức rõ điều đó nhưng vẫn không tránh khỏi niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Bác. Bác đã hóa thân thành trời xanh – bầu trời hòa bình, hạnh phúc – vẫn hằng ngày hiện diện trong cuộc sống của dân tộc và nhân loại.
Phân tích nghệ thuật ẩn dụ trong Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Qua bài thơ “Viếng Lăng Bác” của tác giả Viễn Phương cho ta thấy tác giả đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ hết sức tài tình, tuân theo quy luật thời gian.
Tình cảm của nhân dân đối với Hồ Chí Minh như thế nào, điều này không mới. Tình cảm đó vô cùng đặc biệt và sâu sắc. Hồ Chí Minh vừa lớn lao vừa bình dị biết nhường nào.
Chính vì vậy, trong thơ ta đã cảm nhận được bao nhiêu tình cảm thiêng liêng, bao nhiêu sự biết ơn, lòng tôn kính của các nhà thơ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung dành cho Bác. Bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương là một ví dụ tiêu biểu. Mạch cảm hứng toàn bài dựa trên trục thời gian hình thành một thứ nhật kí, một cuộc viếng thăm và cũng là một cuộc hành hương của nhà thơ về cội nguồn.
“Viếng Lăng Bác” là nỗi niềm dồn nét kết tinh tình cảm chân thành thương nhớ Bác không chỉ riêng của nhà thơ Viễn Phương mà còn là tình cảm lớn lao của Đồng bào, chiến sĩ, của nhân dân – những người giống như nhà thơ tuy chưa từng một lần gặp Bác.
Nhưng đã nghìn lần thấy Bác trong mơ, trong hoài vọng và lí tưởng cao đẹp nhất đời mình.
Câu mở đầu bài rất giản dị, chân chất đã nói lên hoàn cảnh đến viếng thăm Bác của tác giả đồng thời cũng mở ra không khí trang nghiêm.
“Con ở miền nam ra thăm lăng Bác”
Miền Nam – mảnh đất quê hương mà sinh thời Bác Hồ đã đặc biệt giành tình yêu thương vô bờ bến. Bác đã nói “miền Nam luôn ở trong tim tôi”, là miền đất gian khổ “đi trước về sau”. Cách xưng hô con – Bác của nhà thơ Viễn Phương gợi lên sự gần gũi, thành kính. và điều đầu tiên nhà thơ bắt gặp là:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”
Cây tre tự bao đời nay chính là biểu tượng của đất nước, của con người Việt Nam ngay thẳng, thật thà. Hàng tre trùm bóng mát rượi bao thế hệ cuộc đời, hàng tre mang bao nhiêu sự chất phác:
“Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi”
Từ thời bình minh lịch sử nước nhà, có biết bao bị anh hùng đã lấy tre làm vũ khí đánh giặc như Thánh Gióng,… trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, nhân dân Việt Nam đã làm gậy tầm vông cũng từ họ nhà tre.
Khởi nghĩa đã chiến thắng làm vang dội cả địa cầu. Bởi vậy, tre là hình ảnh tiêu biểu, sinh động cho tinh thần bất khuất, chí khí anh hùng của dân tộc ta.
“Ôi! hàng tre xanh Việt Nam
Báo táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Hàng tre xanh là hình ảnh ẩn dụ, là biểu tượng cho con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn bên Bác và đứng canh giấc ngủ của Bác,… Trên cái nền hàng tre trong sương, nhà thơ miêu tả lăng Bác với những đoàn người nườm nượp đến viếng thăm mỗi ngày cùng lòng tôn kính đặc biệt:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Điệp từ “mặt trời” đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ cho ta thấy sự ca ngợi ĩ đại, công lao to lớn của Bác Hồ với dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Mặt trời trên lăng là mặt trời của trời đất, tự nhiên còn mặt trời trong lăng là trái tim của Bác, người đã dành trọn cuộc đời cho dân, cho nước.
Cách so sánh rất sinh động, tự nhiên và nhuần nhuyễn. Nhà thơ Viễn Phương đã khẳng định Bác Hồ là vầng thái dương rực rỡ soi lối đường chúng ta đi mà còn sưởi ấm trái tim mỗi người.
Bác Hồ là đại diện cho con người Việt Nam. Ở Bác, chúng ta cảm nhận được tất cả vẻ đẹp tinh túy và sâu sa. Đến với Bác không phải là đi mà là trở về, trở về với cội nguồn quê hương, với những tháng ngày thanh bình nào đó của dân tộc muôn đời, trở về với giấc mơ nào đó mà tuổi thành bình ấp ủ.
“Ngày ngày” là điệp từ chỉ thời gian, đó là sự việc trong đời sống luôn tiếp diễn ra và giường như đã trở thành quy luật. Hình ảnh những dòng người đi trong thương nhớ, kết tràng hoa vừa tả thực, vừa có ý nghĩa tượng trưng. Đó là hình ảnh đẹp thể hiện tấm lòng thành kính của người dân đối với Bác.
Không chỉ vậy, phép tu từ ẩn dụ “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” thể hiện cuộc đời vì dân vì nước của vị lãnh tụ kính yêu. Và để đền đáp công lao vĩ đại ấy là những bông hoa tươi thắm hiến dâng lên người.
Từ bên ngoài đi vào trong lăng ta cùng nhà thơ với những giây phút nghẹn ngào. Ta không còn nhớ đến hình ảnh hàng tre hay mặt trời nào nhà thơ lúc này đã bộc lộ trong ta chỉ có Bác, Bác là người nằm trong giấc ngủ vĩnh hằng.
Phân tích nghệ thuật ẩn dụ trong Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Mở đầu của bài thơ Viếng Lăng Bác là cái cảm nhân bỡ ngỡ vừa lạ vừa quen.
“Con ở miền nam ra thăm lăng Bác”
Câu thơ không nói điều gì nhiều, nhưng vì sao đọc lên cứ rưng rưng. Miền nao trong hai cuộc chiến tranh là một bức thành đồng, nửa thế kỉ chiến đấu và hi sinh phải chăng không ngoài mục đích duy nhất hai miền nam bắc thống nhất một nhà.
Vì vậy, khi đã đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, cảm thấy mình là một đại diện cho những đứa con ở xa không khỏi xúc động khi bước vào lăng Bác.
Một cái gì kìm nén bấy lâu nay bỗng òa ra tức tưởi. Hai mảnh đất hai địa đầu đất nước đã được nối liền bằng cuộc hành hương.
Hình ảnh nhà thơ gặp đầu tiên là hàng tre quen thuộc đến nao lòng, Một chữ “đã” trong câu “đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. “Đã” là cái cử chỉ thân yêu một hành động vội vã dù được thực hiện bằng một thứ tiếng nói vô ngần.
Chất suy tưởng trong thơ từ cảm xúc rất thực này, khổ thơ tiếp theo là sự chiêm ngưỡng vị Chủ tịch kính yêu người có thể so sánh với trăng sao, nghĩa là thuộc về vũ trụ.
Nhưng cái sáng trắng ấy không thể tạo ra sức sống cho muôn loài được nhưng với sự tinh tế của tác giả đã kịp thời làm xuất hiện với cảm nghĩ của nhà thơ.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Phép đối ấy đã toát lên một mặt trời vĩnh hằng nhưng im lặng vô hồn với một tuổi xuân ngắn ngủi là “bảy mươi chín mùa xuân”. Khổ thơ đã nói lên những hòa kiệt anh linh không thể chết nếu lấy tiêu chí về sự bất tử của linh hồn.
“Bắc nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
Từ gam màu chói lọi chuyển về dịu dàng mềm mại đã mở ra một tầng cảm nghĩ mới.
Ý thơ của Viễn Phương gợi về bao câu thơ đẹp về trăng của Bác. Nhưng ngay sau đó ý nghĩ cảm thương xuất hiện.
“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Câu thơ nói lên Bác đã đi vào lịch sử là một người vĩ đại nhưng người vẫn là một con người bình thường, vẫn phải đi về cõi vĩnh hằng.
Vì thế mà tác giả thấy nhói ở trong tim. Còn khổ thơ cuối là sự tiếc nuối với điệp từ “muốn”, tác giả ước gì mình được làm “con chim hót, đóa hoa tỏa hương, câu tre trung hiếu” để mãi bên cạnh Bác.
Qua bài thơ, với lòng tôn kính đến nghiêm trang và đầy xúc động và những nghệ thuật độc đáo như: ẩn dụ, so sánh, phép đối, tác giả tạo nên một bài thơ khác biệt nhưng cũng không kém phần ấn tượng mà xúc động.
Đồng thời cũng nhận nhiệm vụ hoàn tất với niềm tiếc thương và kính yêu vô hạn đối với Bác. Có thể nói bài thơ là một thứ tiếng giản đơn, hồn nhiên mà âm vang lòng, nó còn làm thổn thức lòng người mãi mãi.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Phân tích nghệ thuật ẩn dụ trong bài thơ Viếng lăng Bác (3 mẫu) Bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.