Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi (Sơ đồ tư duy) Dàn ý & 12 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
TOP 12 bài Cảm nhận về Phương Định SIÊU HAY, kèm theo dàn ý chi tiết và sơ đồ tư duy, giúp các em học sinh lớp 9 cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp trong tâm hồn nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp Phương Định.
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của Phương Định. Mời các em cùng tải miễn phí để ngày càng học tốt môn Văn 9.
Cảm nhận về nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi
- Sơ đồ tư duy Cảm nhận về nhân vật Phương Định
- Dàn ý Cảm nhận về nhân vật Phương Định
- Cảm nhận về nhân vật Phương Định hay nhất (8 mẫu)
- Cảm nhận nhân vật Phương Định chi tiết nhất
- Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Phương Định
- Cảm nghĩ của em về nhân vật Phương Định
- Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Phương Định
Sơ đồ tư duy Cảm nhận về nhân vật Phương Định
Dàn ý Cảm nhận về nhân vật Phương Định
I. Mở bài
- Giới thiệu sơ lược về tác giả , tác phẩm Những ngôi sao xa xôi
- Giới thiệu nhân vật Phương Định, nêu cảm nhận chung về nhân vật.
II. Thân bài:
1. Giới thiệu tác phẩm Những ngôi sao xa xôi:
- Tác phẩm nói về 3 cô thanh niên xung phong
- Nhiệm vụ của các cô là phá bom trong thời kì chống Mỹ
- Dù công việc của họ rất khó khăn nguy hiểm nhưng họ vẫn lạc quan và yêu đời
- Nêu cao tình thần đồng đội và yêu nước
2. Nhân vật Phương Định trong truyện:
a. Trước khi đi làm nhiệm vụ:
- Cô là một cô gái thành phố nhưng mong muốn mặc quân phục vì cho đó là bộ đồ đẹp nhất
- Cô thuộc rất nhiều bài hát và hay hát
- Cô rất hay mơ mộng và nghĩ vẩn vơ
b. Khi vào quân ngũ:
- Cô làm quen với quân ngũ và và sự căng thẳng hằng ngày
- Cô cho rằng mỗi ngày là một thử thách
- Cô làm công việc của mình một cách thuần thục và nhanh chóng, nhanh gọn
- Cô không quan tâm đến tính mạng của mình, chỉ nghĩ đến có gỡ được bom không
c. Tình cảm của cô đối với đồng đội:
- Cô yêu thương Nho
- Dành tình cảm quý mến và tôn trọng chị Thao
- Cô chăm sóc đồng đội rất nhiệt tình và chu đáo
- Cô thích mưa và trở nên trẻ con khi gặp mưa
⇒ Một người sống tình cảm
III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Phương Định
- Một cô gái lạc quan yêu đời và yêu nước
- Có tâm hồn trong trắng, hồn nhiên
Cảm nhận về nhân vật Phương Định hay nhất
Cảm nhận về nhân vật Phương Định – Mẫu 1
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
mà lòng phơi phới dậy tương lai”
Một thời mà cả nước lên đường phơi phới bước chân trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại. Trường Sơn ơi, rầm rập bước quân hành. Hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đầu lửa đạn đã trở thành đề tài văn học, nguồn cảm hứng bất tận của các nhà văn, nhà thơ. Đó là hình ảnh những người lính lái xe trong “Bài thơ tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật hay những cô gái mở đường trong “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ,.. đó là những con người có tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, dũng cảm đầy ý chí chiến đấu. Và thật xót nếu chúng ta không nhắc đến tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Nó đã đem đến cho người đọc những cảm xúc vô cùng mới mẻ về hình ảnh những người nữ thanh niên xung phong trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Họ vừa mang vẻ đẹp của những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi hồn nhiên giàu mộng mơ, lại vừa mang vẻ đẹp của người lính giữa chiến trường gan dạ, dũng cảm không sợ hi sinh.
Lê Minh Khuê là nữ nhà văn đã từng có năm tháng tuổi trẻ gắn bó với những con đường Trường Sơn mưa bom, bão đạn, từng chứng kiến, trải qua và chia sẻ những gian khổ, hi sinh của người lính giữa chiến trường. Bà hay viết về cuộc sống, chiến đấu của thanh niên xung phong, bộ đội trên đường Trường Sơn. Bởi vậy truyện của bà diễn tả đầy chân thật và xúc động vô cùng. Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm đầu tay của nhà văn, được viết vào năm 1971 lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Tác phẩm là một bức tranh sinh động nói về cuộc kháng chiến với những ngôi sao sáng ánh sáng của lý tưởng cách mạng. Đó là những cô trinh sát mặt đường trên tuyến đường Trường Sơn, hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam.
Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê có cốt truyện khá đơn giản. Truyện kể về ba cô thanh niên xung phong tên là Thao, Nho và Phương Định trong đó Thao là tổ trưởng. Họ làm thành một tổ trinh sát mặt đường trên cao điểm tại một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Đây là nơi tập trung nhiều bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. Mở đầu truyện ngắn, nhà văn Lê Minh Khuê đã giới thiệu với chúng ta điều kiện sống của ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường: hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba cô gái đặc biệt gian khổ nguy hiểm và công việc của họ cũng đầy khó khăn hi sinh. Ngay giữa ban ngày, họ phải phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá bom của máy bay địch thả xuống. Sau mỗi trận bom họ phải lao ra trọng điểm, đo ước tính khối lượng đất đá lấp hố bom địch đào xới, đếm bom chưa nổ và phá bom. Đây là công việc hằng ngày của ba cô gái – một công việc hết sức mạo hiểm, luôn phải đối mặt với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi họ phải hết sức dũng cảm và bình tĩnh. Nhưng với họ công việc nguy hiểm ấy đã trở thành quen thuộc, bình thường: “Có nơi đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ầm ì xa dần. Thần kinh căng như dây chão, tim đập bất kể nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào chạy về hang.” Cái chết luôn rình rập, bủa vây từ ba bên bốn bề. Nhiệm vụ của họ thật quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức.
Những cô gái làm trinh sát mặt đường ấy, có cùng xuất thân là những cô gái Hà Nội. Tuy ba cô gái mỗi người có một cá tính và hoàn cảnh riêng khác nhau nhưng ba cô đều có phẩm chất chung của thanh niên xung phong ở chiến trường, đó là có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, không sợ hy sinh, có tình đồng đội gắn bó. Cũng chính vì hoàn cảnh sống gian khổ ấy ta mới thấy được rõ những phẩm chất đáng quý của các cô gái. Các cô gái thanh niên xung phong trong “Những ngôi sao xa xôi” là những người có lòng yêu nước sâu sắc, có lí tưởng cao đẹp, sống, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Họ đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà phải tạm xa gia đình mà cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, sự sống rất mỏng manh có thể bị đứt gãy lúc nào không hay. Họ xung phong ra chiến trường phá bom, nối liền mạch giao thông để bộ đội ta tiếp tế lương thực tải đạn ra chiến trường. Mặc dù còn rất trẻ, luôn phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ. Có những lúc họ nghĩ đến cái chết khi nguy hiểm kề bên, nhưng điều ấy chỉ thoáng qua rất mờ nhạt nhường chỗ cho ý nghĩ làm thế nào để những quả bom kia phải nổ. Đặt nhiệm vụ lên trên cả tính mạng chiến đấu hi sinh vì nghĩa lớn. Có lệnh là lên đường bất kể trong tình huống nào. Họ làm việc một cách tự nguyện, luôn nhận khó khăn, nguy hiểm về mình: “Tôi một quả bom trên đồi. Nho hai quả dưới lòng đường. Chị Thao một quả dưới cái chân hầm ba – ri – e cũ”. Họ sẵn sàng nhận việc phá bom mà không cần sự trợ giúp của đơn vị, dám đối mặt với thần chết mà không hề run sợ. Sau mỗi đợt bom đánh họ lại lao lên mặt đường làm nhiệm vụ. Không biết bao nhiêu lần họ bị bom vùi từ cõi chết trở về, họ tự vẽ chân dung ngộ nghĩnh của mình để vui cười: “Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng loá lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen””. Hình ảnh này làm ta liên tưởng đến đến câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, hay là sự ngỡ ngàng trong câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Ơi này anh xung phong
Ơi này o du kích
Có nghe thấy gì không
Chuyện chi mà rúc rích.
Đó là tinh thần ngạo nghễ trước chiến trường đầy khói lửa. Chúng ta cảm kích cốt cách kiên cường, lòng lạc quan chiến đấu của họ. Trong ba người thì hai người đã từng bị thương đó là Nho và Phương Định. Họ nói về cái chết nhẹ nhàng. Để rồi sau mỗi trận bom vượt qua cái chết họ lại hát say sưa những bài hát tươi vui.
Ở những cô gái ấy còn có tình đồng đội gắn bó, thân thiết: hiểu được tính tình, sở thích của nhau, quan tâm chăm sóc nhau rất chu đáo. Phương Định bồn chồn, lo lắng khi chờ chị Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm. Khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã lo lắng, băng bó chăm sóc Nho cẩn thận với niềm xót xa như chị em ruột thịt và cảm thấy “đau hơn người bị thương”. Cũng giống như hai người đồng đội của mình, Phương Định yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình. Đặc biệt, cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận. Có thể nói, giữa nơi cái sống cận kề cái chết, sự yêu thương, đùm bọc nhau giữa những cô gái thanh niên xung phong thật không gì sánh nổi. Chính tình đồng đội sâu nặng đã giúp cho những con người giản dị, bình thường vượt lên đạn bom của kẻ thù. Lê Minh Khuê đã miêu tả chân thật cụ thể đến từng chi tiết khi tạo nên sức gợi tả trong từng câu, từng chữ về cảm giác căng thăng, sắc nhọn rợn người khi kề cận cái chết “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom đang nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Tiếp đó là cảm giác căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom. Sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm yếu đuối thành bản lĩnh kiên cường của người anh hùng cách mạng. Bên cạnh lý tưởng cùng tinh thần chiến đấu quả cảm họ còn có những nét tính cách chung của các cô gái trẻ là dễ xúc cảm, nhiều ước mơ, hay mơ mộng, dễ vui mà cũng dễ trầm tư và thích làm đẹp cho cuộc sống của mình dù đang sống ở chiến trường. Cụ thể là chị Thao rất thích chép bài hát, chép cả lời hát bịa của Phương Định. Còn Nho thích thêu thùa và Phương Định, những lúc rảnh rỗi lại thích ngắm mình trong gương hay ngồi bó gối mơ màng. Đó là nét đẹp lãng mạn trong khói lửa chiến tranh, là sức sống dâng tràn mặc mưa bom bão đạn như Bùi Minh Quốc cũng từng viết:
“Trong một góc vườn cháy khét lửa napan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc.”
(Bài thơ về hạnh phúc)
Nho, Thao, Phương Định sống trong một tập thể, họ hết sức gắn bó yêu thương nhau, nhưng ba cô gái vẫn có những nét tính cách riêng không ai giống ai. Chị Thao thì ít nhiều từng trải hơn, không dễ dàng hồn nhiên, mơ mộng và dự tính tương lai có vẻ thiết thực hơn nhưng cũng không thiếu những khát khao và rung động của tuổi trẻ. “Áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu”. Chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm. Nhưng trong công việc, ai cũng gờm chị. Chị chiến đấu rất dũng cảm, bình tĩnh nhưng lại rất sợ khi nhìn thấy máu chảy và sợ cả vắt nữa. Ở chị, ta cảm nhận được vẻ của một người chị, một người chị nông thôn, đầy tinh thần trách nhiệm, dám quyết đoán, biết hi sinh và nhường nhịn, biết vượt lên chính mình để tỏ ra mạnh mẽ làm chỗ dựa cho hai người đồng đội nhỏ tuổi hơn. Còn Nho là người nhỏ tuổi nhất, tính cô lại càng trẻ con. Nho thích mút kẹo. Hàng ngày cô được cưng chiều và luôn nhận phần việc nhẹ hơn. Nhưng không phải vì thế mà cô ỷ lại công việc cho Thao và Phương Định. Cô vẫn dũng cảm, cứng rắn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Phương Định là nhân vật chính của truyện được Lê Minh Khuê tập trung ngòi bút để miêu tả. Cô vốn là con gái Hà Nội vào chiến trường. Cô có thời học sinh nhạy cảm và hồn nhiên vô tư bên người mẹ, thích mơ mộng và hay sống với những kỷ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố trào lên và xoáy mạnh như sống trong tâm trí cô gái. Cô có một căn buồng nhỏ ở một đường phố yên tĩnh của thủ đô trong những ngày thanh bình trước chiến tranh. Những kỉ niệm ấy, luôn sống trong lòng cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khát khao, vừa là dòng suối làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến tranh. Mỗi người có một cá tính riêng nhưng ở họ đều ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam. Viết về ba cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trở thành những anh hùng –những ngôi sao trên bầu trời Trường Sơn.Hình ảnh họ khiến ta nhớ đến ý thơ của Lâm Thị Mĩ Dạ trong “Khoảng trời hố bom”:
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh.
Lê Minh Khuê đã tỏ ra rất sắc sảo trong việc thể hiện khung cảnh và không khí sôi sục ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn bằng một vài nét điển hình. Thành công hơn cả là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Bằng cách để cho Phương Định đứng ra kể chuyện, tác giả đã phản ánh một cách tự nhiên và tinh tế tâm trạng của những cô gái ở chiến trường, luôn đối mặt với cái chết mà vẫn sống hồn nhiên, lạc quan và không kém phần lãng mạn. Chiến tranh làm cho họ dày dặn và cứng cỏi hơn, nhưng vẫn không thể làm mất đi nét hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ. Ngôi kể này tạo điều kiện thuận lợi để tác giả tập trung miêu tả thế giới tâm hồn của nhân vật hiện lên phong phú, đậm nét.
Khép lại “Những ngôi sao xa xôi” Lê Minh Khuê đã làm nổi bật lên chủ nghĩa anh hùng và vẻ đẹp tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh. Mạnh mẽ, dũng cảm, bất khuất trong chiến đấu hồn nhiên trong cuộc sống. Hình ảnh ba cô gái phá bom với những cống hiến thầm lặng đã đi vào lòng người. đọc xong câu chuyện, chúng ta nhất là những thế hệ trẻ mới thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc quan trọng biết nhường nào! Chiến tranh đã đi qua nhưng vẫn còn đó một con đường Trường Sơn, thấp thoáng bức chân dung về hình ảnh nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Hình ảnh của họ mãi là niềm tự hào vô bờ bến đối với thế hệ trẻ ngày nay sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
Yêu biết mấy, những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ các loài sên!
Cảm nhận về nhân vật Phương Định – Mẫu 2
Lê Minh Khuê là nhà văn trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Một trong những truyện ngắn tiêu biểu của bà là “Những ngôi sao xa xôi”, trong đó nhân vật Phương Định – cô gái mang vẻ đẹp của thế hệ thanh niên xung phong dũng cảm, ngoan cường cùng vẻ đẹp tâm hồn trân quý trong cuộc đấu tranh bất khuất của dân tộc.
Phương Định có một ngoại hình trẻ trung, xinh đẹp của tuổi mới lớn gây thiện cảm cho mọi người ngay từ lần gặp đầu tiên. Ở tuổi mới lớn, cô chăm chút và để ý đến ngoại hình của mình và cũng khá nhạy cảm tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các lái xe bảo: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Phương Định tự hào vì vẻ đẹp ấy đã hấp dẫn bao chàng trai: các anh pháo thủ, nhưng cô vẫn chưa dành tình cảm cho ai. Những kỉ niệm về ngày tháng yên bình sống cùng mẹ trên đường phố Hà Nội yên tĩnh luôn sống lại trong cô giữa chiến trường dữ dội như một niềm khao khát, động lực động viên cô dũng cảm làm việc giữa chiến trường khốc liệt. Có thể nói, Phương Định dù vào chiến trường đã ba năm nhưng vẫn giữ được nét tươi tắn hồn nhiên, nhạy cảm và những mơ ước tương lai của người con gái Hà Nội.
Ở Phương Định còn có một mặt tính cách khác, đó là sự dũng cảm bình tĩnh đối mặt và vươn lên mọi khó khăn nguy hiểm. Cô là một trong ba cô gái thuộc tổ trinh sát mặt đường. Các cô gái cùng sống và chiến đấu trên một cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của các cô là đánh phá máy bay địch, sau mỗi trận bom, cô cùng đồng đội phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ để phá. Đó là công việc mạo hiểm không hề thích hợp với một cô gái trẻ khi mà cái chết luôn gần kề và có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Tính chất của công việc quan trọng và nguy hiểm đồng nghĩa với áp lực cũng luôn tăng cao khiến thần kinh vô cùng căng thẳng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Phương Định phải bình tĩnh và ung dung một cách lạ thường trong mọi hoàn cảnh. Nhìn cô gái xinh xắn nhỏ nhắn ấy có ai tưởng tượng được công việc bình thường hàng ngày của cô là đối diện với tử thần để góp sức vào cuộc kháng chiến của dân tộc.
Tuy vậy sâu thẳm trong con người Phương Định vẫn còn vương chút gì mềm yếu của một người con gái. Công việc nguy hiểm làm nhiều thành quen, thậm chí một ngày có thể phải phá tới năm quả bom nhưng mỗi lần thực hiện với Phương Định vẫn là một sự thử thách tột độ. Lòng dũng cảm ở cô như được kích thích bởi lòng tự trọng khi thực hiện công việc căng thẳng luôn đi kèm là ánh mắt dõi theo của các anh cao xạ. Giây phút đối mặt sinh tử cảm giác của con người cũng trở nên nhạy bén và sắc nhọn hơn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”.
Phương Định rất giàu tình cảm với đồng chí, đồng đội, quê hương và luôn yêu mến mọi người. Cô chân thành cảm phục tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của những con đường vào mặt trận. Cô lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về. Cô yêu thương bạn bè như những người chị em và gắn bó hàng ngày với họ. Cô phát hiện ra vẻ đẹp dễ thương của Nho “nhẹ, mát như một que kem trắng”. Cô hiểu những sở thích và tâm trạng của chị Thao. Chỉ có tâm hồn tinh tế và sự yêu thương gắn bó chân thành mới có thể nhìn ra những vẻ đẹp và tâm trạng thầm kín ấy của người bạn, người đồng đội của Phương Định.
Hình ảnh cô thanh niên xung phong trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn những ngày kháng chiến chống Mỹ Phương Định tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam cống hiến và hy sinh cho đất nước trong những năm tháng hào hùng. Họ sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn cho Tổ quốc những gì quý giá nhất mà không tiếc tuổi thanh xuân, không tiếc hy sinh bản thân mình. Qua nhân vật Phương Định ta thêm yêu mến và cảm phục hơn những thế hệ trẻ Việt Nam với tinh thần quật cường bất khuất ấy để ngày nay tiếp nối, noi gương và tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
qua “Những ngôi sao xa xôi” đã miêu tả một cách chân thực nội tâm nhân vật Phương Định, qua đó khắc họa nên một thế giới nội tâm sinh động cùng những đức tính cao quý tiêu biểu cho thế hệ trẻ trong thời kì kháng chiến thông qua hình tượng người con gái xinh xắn và luôn lạc quan yêu đời. Phương Định đã mang đến cho người đọc vô vàn cảm xúc và đánh thức tình yêu quê hương đất nước trong mỗi con người.
…..
Cảm nhận nhân vật Phương Định chi tiết nhất
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Đó là tinh thần của cả thời đại chống Mĩ. Đó là hình ảnh những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã đi vào văn chương và trở thành mạch nguồn cảm xúc xuyên suốt văn học một thời. Đó là những người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật; “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu; những cô gái mở đường trong “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mĩ Dạ…Cũng được khơi nguồn từ cảm hứng ấy, truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê lại đem đến cho người đọc những cảm xúc mới mẻ về hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Họ vừa mang vẻ đẹp của những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi hồn nhiên giàu mộng mơ, lại vừa mang vẻ đẹp của người lính giữa chiến trường gan dạ, dũng cảm không sợ hi sinh. In đậm nhất trong tâm trí bạn đọc là hình ảnh nhân vật chính, cô thanh niên xung phong, cô “hoa hậu” trong lòng bom đạn – Phương Định.
Lê Minh Khuê là nữ nhà văn đã từng có năm tháng tuổi trẻ gắn bó với những con đường Trường Sơn mưa bom, bão đạn, từng chứng kiến, trải qua và chia sẻ những gian khổ, hi sinh của người lính giữa chiến trường. Bởi vậy những trang viết của bà về con người và cuộc sống nơi đây thật chân thực và xúc động vô cùng. Ở “Những ngôi sao xa xôi” cũng vậy, hiện thực cuộc sống giữa chiến trường và hình ảnh những nữ thanh niên xung phong với cuộc sống gian khổ một thời cứ hiện lên sống động sau từng câu chữ.
Ấn tượng sâu đậm nhất mà Lê Minh Khuê để lại trong lòng bạn đọc ở “Những ngôi sao xa xôi” là hình ảnh những con người dũng cảm, có tinh thần trách nhiệm cao, có tình đồng chí, đồng đội sáng ngời, có tâm hồn trong trẻo, giàu mơ mộng, và nhạy cảm. Tất cả những vẻ đẹp ấy được thể hiện tập trung nhất ở nhân vật Phương Định, và chủ yếu qua đời sống nội tâm của cô.
Phương Định cùng những người đồng đội của mình ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhiều nhất bom đạn, sự nguy hiểm và ác liệt, từng ngày từng giờ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ. Có biết bao thương tích vì bom đạn giặc: “Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất”. Đó là hiện thực đầy mùi chiến tranh, không có màu xanh của sự sống, chỉ thấy thần chết luôn rình rập.
Công việc của các cô đặc biệt nguy hiểm. Họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Nhiệm vụ của họ thật quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức.
Cuộc sống gian khổ giữa chiến trường ác liệt, công việc đầy nguy hiểm và luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng Phương Định vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ, luôn thể hiện tinh thần dũng cảm không sợ hi sinh, lòng lạc quan và tình đồng đội gắn bó sâu sắc. Cô ngời sáng lên vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.
Vẻ đẹp của nhân vật Phương Định được tỏa sáng ở lí tưởng sống cao đẹp và tinh thần dũng cảm, không sợ gian khổ, hi sinh. Rời ghế nhà trường phổ thông, Phương Định xung phong ra mặt trận, cùng thể hệ của mình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” để giành độc lập, tự do của Tổ quốc. Cô ra đi mà không tiếc tuổi thanh xuân, nguyện dâng hiến hết mình cho đất nước:
“Ôi Tổ quốc!Nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”.
Đối mặt với nguy hiểm, cô và những người đồng đội của mình thật sự là những anh hùng. Phương Định nghĩ về hoàn cảnh sống nơi đây một cách giản dị và cho là có cái thú riêng: “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ…”. Công việc phá bom đầy nguy hiểm và phải luôn đối mặt với thần chết được cô kể với giọng điệu bình thản, pha sự hóm hỉnh: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần”. Thật là biết đùa trước gian khó.
Đặc biệt, hi sinh mất mát của bản thân cũng được Phương Định coi hết sức nhẹ nhàng: “Tôi bây giờ vẫn còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi. Tất nhiên Tôi không vào viện quân y”. Nếu không có cái nhìn lạc quan và một tinh thần dũng cảm thì Phương Định không thể có cách nói bình thản như thế.
Cuộc sống nơi chiến trường luôn đối mặt với thử thách, nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Phương Định lòng quả cảm, không sợ hi sinh. Tâm lí Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác. Khung cảnh và không khí chứa đầy sự căng thẳng nhưng Phương Định vẫn có nét tâm lí rất con gái, cảm giác: “Có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình” để rồi sự dũng cảm ở cô như được kích thích bởi lòng tự trọng: “Tôi đến gần quả bom,… tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đường hoàng mà bước tới”. Ở bên quả bom, cận kề với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người cũng trở nên sắc nhọn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Tiếp đó, là cái giây phút căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom. Phương Định có nghĩ đến cái chết nhưng là “một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”, còn cái chính vẫn là: “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”. Đây là một trách nhiệm rất cao trong công việc, là lòng dũng cảm vô song. Có thể khẳng định rằng: Phương Định và những đồng đội của cô thực sự là những người anh hùng, nhưng là những anh hùng mà không tự biết. Chính điều đó, khiến cho nhân vật Phương Định trở nên đáng mến.
Phương Định là nữ sinh của thủ đô thanh lịch bước vào chiến trường. Cô có một thời học sinh – cái thời áo trắng ngây thơ, hồn nhiên và vô tư sống bên mẹ trong một căn buồm nhỏ ở một đường phố yên tĩnh. Những hoài niệm của cô về thời học trò thật đáng yêu, luôn sống trong cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến tranh.
Sau những giây phút căng thẳng ở cao điểm, xong việc là thở phào chạy vào hàng, là sà ngay vào một thế giới khác – thế giới con gái với những mơ mộng: nằm dài trên nền ẩm, lười biếng nheo mắt nghe ca nhạc từ cái đài bán dẫn nhỏ, có thể nghe, có thể nghĩ ngợi lung tung… Phương Định mê hát và thích nhiều bài hát: những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận; thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng; thích Ca-chiu-sa của hồng quân Liên Xô; thích ngồi bó gối mơ màng trước lời bài hát dân ca Ý trữ tình… Thích hát, Phương Định còn bịa ra lời mà hát, ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Rõ ràng, thích hát là nét tâm lí của thời đại – cái thời tiếng hát át tiếng bom, nhưng đây cũng là nét cá tính ở Phương Định hé lộ vẻ đẹp phong phú của tâm hồn. Trong tiếng hát, có ý thức về lý tưởng, có khao khát về quê hương, tình yêu của tuổi trẻ và có cả khát vọng được trở về cuộc sống thanh bình.
Cũng như bao cô gái mới lớn, Phương Định rất nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Phương Định đẹp với “hai bím tóc dày tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn” và “đôi mắt nâu nâu dài dài hay nheo lại như chói năng, hay có cái nhìn xa xăm”. Biết mình đẹp, cô thích ngắm mình trong gương, có chút kiêu ngầm khi biết mình được các anh pháo thủ và lái xe thăm hỏi. Cô vui và tự hào về điều đó nhưng không hay biểu lộ tình cảm của mình mà thường rỏ ra kín đáo giữa đám đông. Lê Minh Khuê đã rất tinh tế khi phát hiện ra cái nét tâm lí kiêu ngầm ấy ở Phương Định. Đó là cái kiêu ngầm của một cô gái trẻ có ý thức sâu sắc về vẻ đẹp cuộc sống. Chính nét tâm lí rất đời thường, rất con gái này khiến nhân vật Phương Định càng trở nên gần gũi, chân thực và đáng yêu.
Vẻ đẹp tâm hồn Phương Định ngời sáng nhất khi cơn mưa đá bất ngờ ập đến. Chỉ một cơn mưa đá mà bao ngột ngạt, căng thẳng, hiểm nguy của chiến trường tan biến, để nhường chỗ cho niềm vui con trẻ òa nở, cuống cuồng:” Mưa đá!Cha mẹ ơi!Mưa đá!”. Chỉ một trận mưa đá vụt đi qua cũng đánh thức ở Phương Định rất nhiều kỉ niệm và nỗi nhớ về thành phố, quê hương, về gia đình, về tuổi thơ thanh bình của mình. Sau cái say sưa của niềm vui con trẻ là nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Nhớ rất nhiều: người mẹ, cái cửa sổ ngôi nhà, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, cái cây, vòm trời của nhà hát, bà bán kém và đám trẻ háo hức vây quanh; con đường nhựa sau cơn mưa, những ngọn đèn trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong truyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên… Tất cả vừa rõ ràng, vừa mờ ảo; vừa đồng hiện, vừa vụt hiện trong tâm trí; vừa gần gũi, vừa xa xôi. Những hoài niệm làm dịu cơn khát, những cơn khát cháy lòng, những hi vọng xa xôi. Tất cả ào đến, xoáy mạnh cũng mãnh liệt, dữ dội như cơn mưa đá. Tất cả làm thành hành trang tâm hồn của cô thanh niên xung phong, tiếp cho cô sức mạnh, thắp cho cô niềm tin và tỏa sáng vẻ đẹp của người chiến sĩ Trường Sơn, của những ngôi sao xa xôi.
Ở Phương Định nét đẹp còn được ngời sáng trong tình đồng đội thắm thiết. Cô luôn yêu thương trìu mến và quan tâm đến đồng đội. Cô lo lắng cho chị Thao và Nho lên cao điểm chưa về đến nỗi “nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Cô hiểu chị Thao và Nho như biết về những chị em ruột thịt. Đó là chị Thao sợ máu và vắt nhưng khi chiến đấu lại rất dũng cảm. Trong cuộc việc, ai cũng gờm chị bởi sự bình tĩnh, cương quyết, táo bạo. Với Nho, cô em út của tổ trinh sát thì Phương Định rất muốn bế trên tay. “trông nói nhẹ mát như một que kem trắng. Biết bao trìu mến, yêu thương trong cái nhìn ấy. Khi Nho bị thương, cô vỗ về và chăm sóc như một người y tá: “moi đất, bế Nho đặt lên đùi”,”rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”,”tiêm cho Nho” rồi “pha sữa trong cái ca sắt…”. Đặc biệt, cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những chiến sĩ mà cô gặp ngày đêm trên con đường ra mặt trận. Với cô “những người đẹp nhất, thông minh, cam đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ”.
Có thể nói, xây dựng nhân vật Phương Định, Lê Minh Khuê đã chọn được những phương thức trần thuật hợp lí khi nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Nhờ vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật – tâm lí Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất. Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính. Lời kể linh hoạt, cùng câu ngắn dài, nhịp nhanh tạo không khí chiến trường, nhịp kể chậm lại khi hồi tưởng như gợi nhớ kỉ niệm của tuổi thơ êm đềm… Tất cả góp phần tạo nên một nhân vật chính- một Phương Định thật như ở ngoài đời và một Phương Định rất Hà Nội.
Qua dòng suy nghĩ và tâm trạng của nhân vật Phương Định, cuộc sống chiến đấu của các cô thanh niên xung phong được tái hiện đầy đủ, chân thực và sinh động với vẻ đẹp tỏa sáng. Hình tượng về những nữ thanh niên xung phong Trường Sơn không hiếm trong văn học chống Mĩ, song với những sáng tạo riêng của mình, Lê Minh Khuê trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng giàu mơ mộng, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, sự hi sinh và rất lạc quan của họ. Đó là hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam đã sống và chiến đấu, hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc thân yêu:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.
(“Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm).
Đọc truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” khám phá vẻ đẹp nhân vật Phương Định, ta yêu mến, tự hào về các cô thanh niên xung phong, Phương Định, Nho,chị Thao, mười cô gái ngã ba Đồng Lộc và bao nhiêu cô gái mở đường khác trên tuyến lửa Trường Sơn đã “Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng” (Tố Hữu). Vẻ đẹp của họ mãi mãi tỏa sáng như vì sao lấp lánh trên bầu trời, trong sự cảm phục và lòng biết ơn của cả dân tộc:
“Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh”
(“Khoảng trời hố bom” – Lâm Thị Mĩ Dạ).
Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Phương Định
Con đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mĩ được coi là biểu tượng anh hùng của cuộc chiến đấu giành độc lập tự do. Nhà văn đã từng là thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Những tác phẩm của chị viết về cuộc sống chiến đấu của bộ đội và thanh niên xung phong ở đây đã gây được sự chú ý của bạn đọc mà truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm ấy.
Truyện viết về 3 cô gái trong một tổ trinh sát mặt đường làm nhiệm vụ phá bom trên tuyến đường Trường Sơn đạn bom khốc liệt. Phương Định, nhân vật kể chuyện cũng là nhân vật chính để lại nhiều ấn tượng đẹp và tình cảm sâu sắc trong lòng người đọc.
Trước hết, ở nhân vật Phương Định ta thấy, cô là một cô gái hồn nhiên, ngây thơ, tinh nghịch. Cô vốn là nữ sinh của thủ đô thanh lịch bước vào chiến trường. Phương Định có một thời học sinh- cái thời áo trắng ngây thơ, hồn nhiên và vô tư lự của cô thật vui sướng! Những hoài niệm của cô về thời học sinh thật đáng yêu luôn sống trong cô ngay giữa chiến trường.
Cơn mưa đá ngắn ngủi đột ngột xuất hiện ở cuối truyện, ngay sau trận phá bom đầy nguy hiểm cũng thức dậy trong cô bao niềm vui thơ trẻ : cô nhớ về mẹ, cái cửa sổ căn nhà, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố… Nó thức dậy những kỉ niệm và nỗi nhớ về thành phố, gia đình, về tuổi thơ thanh bình của mình. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh, khốc liệt và nóng bỏng của chiến trường.
Những thử thách và nguy hiểm ở chiến trường, thậm chí cả cái chết không làm mất đi ở cô sự hồn nhiên trong sáng và những ước mơ về tương lai. Phương Định vẫn là người con gái nhạy cảm, hồn nhiên, hay mơ mộng và thích hát. Cô đem cả lòng say mê ca hát vào chiến trường Trường Sơn ác liệt. Cô thích hát những hành khúc bộ đội, những bài dân ca quan họ, dân ca Nga, dân ca Ý. Giọng của Phương Định chắc là hay lắm nên “chị Thao thường yêu cầu cô hát đấy sao”? Định còn có tài bịa ra lời bài hát nữa. Chị Thao đã ghi cả vào sổ những lời hát cô bịa ra….
Phương Định là một cô gái xinh xắn. Cũng như các cô gái mới lớn, cô nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Chiến trường khốc liệt nhưng không đốt cháy nổi tâm hồn nhạy cảm của cô. Cô biết mình đẹp và được nhiều người để ý: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá…” ; còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm.” Điều đó làm cô thấy vui và tự hào.
Cô luôn yêu mến đồng đội của mình, yêu mến và cảm phục tất cả các chiến sĩ mà cô gặp trên tuyến đường Trường Sơn. Biết mình được cánh lính trẻ để ý nhưng cô ‘không săn sóc, vồn vã’, không biểu lộ tình cảm của mình, nhưng chưa để lòng mình xao động vì ai: “thường đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt.” Đó là cái vẻ kiêu kì đáng yêu của các cô gái Hà Nội như chính cô đã thú nhận: “chẳng qua là tôi điệu đấy thôi”.
Phương Định còn là một chiến sĩ gan dạ, dũng cảm đến phi thường. Phẩm chất ấy được minh chứng rõ ràng trong mỗi lần phá bom. Lúc đến gần quả bom, trong không khí căng thẳng và vắng lặng đến rợn người, nhưng rồi một cảm giác bỗng đến với cô làm cô không sợ nữa: “tôi đến gần quả bom”. Cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới. Lòng dũng cảm của cô như được kích thích bởi sự tự trọng.
Và khi đã ở bên quả bom, kề sát với cái chết có thể đến tức khắc, từng cảm giác của cô như cũng trở nên sắc nhọn hơn và căng như dây đàn: “thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi, tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí ! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Thần chết nằm chực ở đó chờ phút ra tay. Cô phải nhanh hơn, mạnh hơn nó, không được phép chậm trễ một giây.
Tiếp đó là cảm giác căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom. Thật đáng sợ cái công việc chọc giận Thần Chết đó. Ai dám chắc là quả bom sẽ không nổ ngay bây giờ, lúc Phương định đang lúi húi đào đào, bới bới ấy. Thế mà cô vẫn không run tay, vẫn tiếp tục cái công việc đáng sợ: “tôi cẩn thận bỏ gói thuốc mình xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi. Tôi khoả đất rồi chạy lại chỗ ẩn nấp của mình: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai.
Nhưng quả bom nổ. Một thứ tiếng kì quái đến váng óc. Ngực tôi nhói, mắt cay mãi mới mở ra được. Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thanh trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khí, lao và rít vô hình trên đầu. Bốn quả bom đã nổ. Thắng rồi! Nhưng một đồng đội đã bị bom vùi! Máu túa ra từ cánh tay Nho, túa ra, ngấm vào đất. Da xanh, mắt nhắm nghiền, quần áo đầy bụi”… Nhưng không ai được khóc trong giờ phút rất cần sự cứng cỏi của mỗi người.
Cái công việc khủng khiếp bóp nghẹt trái tim ấy không chỉ đến một lần trong đời mà đến hàng ngày: “Quen rồi. Một ngày tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”. Cảm xúc và suy nghĩ chân thực của cô đã truyền sang cho người đọc nỗi niềm đồng cảm yêu mến và sự kính phục. Một cô nữ sinh nhỏ bé, hồn nhiên, giàu mơ mộng và nhạy cảm mà cũng thật anh hùng, thật xứng đáng với những kì tích khắc ghi trên những tuyến đường Trường Sơn bi tráng. Một ngày trong những năm tháng Trường Sơn của cô là như vậy. Những trang lịch sử Trường Sơn không thể quên ghi một ngày như thế.
Phương Định là hình ảnh tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam anh hùng. Là một nữ sinh, Phương Định xung phong ra mặt trận, cùng thế hệ của mình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai” để giành độc lập tự do cho Tổ Quốc. Cô ra đi mà không tiếc tuổi thanh xuân, nguyện dâng hiến hết mình cho Tổ quốc. Cô kể: “chúng tôi có ba người. Ba cô gái. Chúng tôi ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Con đường đi qua trước hang bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có thân cây bị tước khô cháy”. Trên cao điểm trống trơn, cô và các bạn phải chạy giữa ban ngày phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch.
Cô nói về công việc của mình gọn gàng khô khốc, tĩnh nhẹ như không: “việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Phương Định nghĩ về công việc của mình quá giản dị, cô cho là cái thú riêng: “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ĩ xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn không hay biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ”. Giản dị mà cũng thật anh hùng. Chiến tranh và đạn bom đã làm cô lớn lên, trở thành dũng sĩ mạnh mẽ mà cô không hề biết. Thật đáng phục.
Chúng ta luôn tự hào về những chiến sĩ, những thanh niên xung phong như Phương Định và đồng đội của cô. Lịch sử những cuộc kháng chiến và chiến thắng hào hùng của dân tộc không thể thiếu những tấm gương như cô và thế hệ những người đã đổ máu cho nền độc lập của Tổ Quốc. Chúng ta càng yêu mến tự hào về cô, càng biết ơn và học tập tinh thần của những người như cô trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Cảm nghĩ của em về nhân vật Phương Định
Trong truyện, nhân vật Phương Định – nhân vật chính và cũng là người kể chuyện. Cô tượng trưng cho hình ảnh tiêu biểu cho cho vẻ đẹp giản dị trong tinh thần, tính cách và phẩm chất anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam nói chung,của thanh niên xung phong nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phương Định vốn là một cô gái Hà Thành mộng mơ, trong sáng giống như lứa tuổi 18, đôi mươi của mình, vào chiến trường đã được ba năm. Đó là một khoảng thời gian ngắn của cuộc đời; nhưng đối với người ra chiến trường, ở giữa vùng trọng điểm nơi tập trung nhiều bom đạn nhất trên tuyến đường Trường Sơn, hằng ngày phải phơi mình trên cao điểm bị địch bắn phá kinh hoàng, ba năm thật dài và đầy gian lao, khốc liệt.
Giữa hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đến vậy, lời văn của Lê Minh Khuê vẫn tràn đầy lạc quan, bà đã để cho Phương Định tự nhận xét về mình: “Nói một cách khiêm tốn,tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”; còn đôi mắt cô thì dài, nâu, “có cái nhìn sao mà xa xăm”,nheo lại như chói nắng.
Về sở thích, cô thích ngắm mình trong gương, thích ngồi bó gối mơ màng; thích những bài hành khúc bộ đội, dân ca quan họ dịu dàng,thích“Ca-chiu-sa” của Nga, dân ca Ý… Phương Định mê hát đến nỗi bịa cả lời ra mà hát. Đối với đồng đội, cô luôn yêu mến họ; cảm phục các anh bộ đội nhưng không phải cái kiểu “săn sóc, vồn vã” mà trong thâm tâm, cô luôn nhủ rằng: “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”.
Khi Nho bị thương, cô đã bế Nho lên rồi nhanh chóng băng bó vết thương, pha sữa cho Nho uống. Phương Định quả là một cô gái Hà Nội trẻ trung, xinh xắn, luôn quan tâm, chăm sóc và yêu thương đồng đội như chị em;tâm hồn mơ mộng, nhạy cảm và trong sáng, hồn nhiên, có cả chút “kiêu” duyên dáng và đầy nữ tính…
Bên cạnh tâm hồn mơ mộng hồn nhiên, trong một lần phá bom, tính cách của Phương Định tiếp tục được Lê Minh Khuê miêu tả sinh động và rõ nét. Lúc đến gần chỗ có bom, cô cũng sợ, nhưng “cảm thấy có ánh mắt các anh chiến sĩ dõi theo”,lòng dũng cảm được kích thích sự tự trọng nên cô không sợ nữa, đàng hoàng bước tới chứ không đi khom.
Khi lưỡi xẻng chạm vào quả bom, một tiếng động sắc “gai người”, Phương Định rùng mình và cố gắng thực hiện các động tác nhanh, chắc chạy đua với thời gian nhưng vẫn cẩn trọng, nhẹ nhàng; chỉ cần sai sót nhỏ thôi là bom sẽ nổ ngay lập tức. Xong nhiệm vụ, cô chạy tới chỗ ẩn nấp, hồi hộp chờ đợi, lo lắng, “tim đập không rõ”, thần kinh căng thẳng cao độ.
Cô có nghĩ đến cái chết,nhưng mờ nhạt; tâm trí Phương Định chỉ còn băn khoăn việc bom có nổ không. Cô không ngần ngại hi sinh; cái công việc khủng khiếp bóp nghẹt trái tim này đâu chỉ diễn ra hôm nay, những nguy hiểm không kể xiết ấy diễn ra từng ngày, trở thành một điều quen thuộc. Cô chỉ sợ đường không thông, không hoàn thành nhiệm vụ.
Rồi khi bom nổ – một thức tiếng kì quái váng óc – ngực nhói, mắt cay, cô vẫn phủ áo và chạy xuống ngay nơi nổ. Trong truyện, có lẽ đây là đoạn xuất sắc nhất; tâm lí nhân vật được miêu tả vô cùng chi tiết. Khi cái chết im lìm và đáng sợ kề bên, mọi cảm giác của Phương Định đều trở nên sắc nhọn. Chính sự khốc liệt của chiến trường đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm của một nữ sinh thành bản lĩnh của người thanh niên xung phong kiên cường, bất khuất…
Trận mưa đá cuối đoạn trích đã góp phần tô đậm thêm nét tính cách độc đáo của. Phương Định. Mưa đá bất ngờ ập đến, cô vui thích cuống cuồng, chạy ra nhặt đá; những niềm vui con trẻ lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy. Sau khi mưa tạnh, là cả một dòng sông kí ức cùng nỗi nhớ da diết về gia đình và thành phố thân thương, tất cả như trào dâng, xoáy mạnh trong tâm trí cô.
Đến đây, giọng kể chậm lại, nhịp điệu câu văn như giãn ra phù hợp với lời hồi tưởng. Nỗi nhớ đó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn cô ngay giữa hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh. Giữa chiến trường mịt mù khói lửa, tâm hồn Phương Định vẫn luôn tỏa sáng mộng mơ,lạc quan yêu đời. Đó chính là một nét đáng yêu của của tuổi trẻ Hà Nội, đặc biệt là của những sinh viên Hà Nội xung phong vào chiến trường gian khổ…
Lê Minh Khuê đã thành công trong việc lựa chọn ngôi kể thứ nhất, góp phần làm nổi bật thế giới nội tâm của Phương Định nói chung, của những cô gái thanh niên xung phong nói riêng. Vai kể là nhân vật chính, có cách kể linh hoạt, tự nhiên,ngôn ngữ trẻ trung, sinh động. Đặc biệt, nhà văn sử dụng nhiều câu ngắn, câu rút gọn, câu đặc biệt phù hợp với không khí căng thẳng, khẩn trương của chiến trường. Nghệ thuật đồng hiện, bút pháp miêu tả, biểu cảm hợp lí. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế và sinh động.
Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Phương Định
Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là một trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Truyện cho thấy tâm hồn trong sáng, sự dũng cảm, hồn nhiên và cuộc sống chiến đấu nhiều gian khổ, hi sinh nhưng vẫn lạc quan của các nhân vật nữ thanh niên xung phong. Đặc biệt, nhân vật Phương Định đã được tác giả miêu tả chân thực, sinh động bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo.
“Những ngôi sao xa xôi” viết về một tổ nữ thanh niên xung phong có nhiệm vụ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, gồm hai cô gái trẻ là Phương Định, Nho và tổ trường là Thao. Nhiệm vụ cụ thể của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom, thậm chí mấy lần trong một ngày.
Cuộc sống giữa chiến trường dù khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng họ vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là rất gắn bó, yêu thương nhau. Phần cuối, truyện tập trung miêu tả hành động và tâm trạng của các nhân vật, chủ yếu là của Phương Định trong một lần phá bom, Nho bị thương và sự lo lắng, săn sóc của hai đồng đội.
Vào chiến trường được ba năm, đã quen với những thử thách và nguy hiểm, giáp mặt hàng ngày với cái chát, nhưng cô vẫn không đánh mất sự hồn nhiên, trong sáng và những mơ ước về tương lai. Nét cá tính ở nhân vật được thể hiện khá rõ là nhạy cảm, hay mơ mộng và có sở thích là ưa hát và hát rất hay. Cô là người lạc quan, yêu đời đến cuồng nhiệt. Dưới cơn mưa đá, cô “vui thích cuống cuồng”, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ.
Cũng giống như hai người bạn trong tổ trinh sát, Phương Định yêu mến những đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình. Hơn nữa, cô cũng mến yêu và cảm phục những người chiến sĩ mà cô gặp hàng đêm trên trọng điểm của con đường vào mặt trận.
Trong phần đầu truyện, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Các anh lái xe thường khen: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Cô biết mình được nhiều người, nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô thấy vui và tự hào, nhưng chưa dành riêng tình cảm cho một ai.
Nhạy cảm, nhưng cô lại khá kín đáo, không hay biểu lộ tình cảm của mình, thường giữ khoảng cách giữa đám đông, dường như là kiêu kì. Cô cũng là người có tinh thần trách nhiệm với công việc, hết sức dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh, tự tin và rất tự trọng. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp, nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn
Ở đoạn hồi tưởng của nhân vật về tuổi học trò, tác giá làm nổi rõ nét tính cách hồn nhiên; vô tư với một chút tinh nghịch và mơ mộng của một thiếu nữ. Chẳng hạn, chỉ một trận mưa đá vụt qua cũng đánh thức dậy ở nhân vật này rất nhiều kỉ niệm và nỗi nhớ về thành phố quê hương, gia đình và tuổi thơ thanh bình của minh.
Tâm lí nhân vật Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ, dù chỉ thoáng qua trong giây lát. Mặc dù đã rất quen với công việc nguy hiểm này, nhưng mỗi lần vần là một thử thách đối với thần kinh. Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người như cùng trở nên sắc nhọn hơn. “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cửa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bóng thấy tại sao mình làm quả chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành “. Tiếp đó là cảm giác căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom.
Tóm lại, ngòi bút của Lê Minh Khuê đã miêu tả sinh động, chân thực tâm lí nhân vật, làm hiện lên một thế giới nội tâm phong phú. Cách nhìn và thể hiện con người thiên về ngợi ca cái tốt đẹp, trong sáng, cao thượng. Qua nhân vật Phương Định và các cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã có cái nhìn thật đẹp, thật lãng mạn về cuộc sống chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Chiến tranh là đau thương mất mát song chiến tranh không thể hủy diệt được vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của con người. Chính từ những nơi gian lao, quyết liệt ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ, của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.
Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện – cô gái thanh niên xung phong người Hà Nội – tạo cho truyện có giọng tự nhiên, thoải mái, trẻ trung và có chất nữ tính. Lời kể thường dùng những câu ngắt, nhịp nhanh, tạo được không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến trường, ở những đoạn hồi tưởng, nhịp kề chậm lại, gợi nhớ những kỉ niệm tuổi niên thiếu hồn nhiên, nhạy cảm của một cô học sinh thành phố thích mơ mộng.
Truyện kể theo ngôi thứ nhất đã tạo một điểm nhìn phù hợp dễ dàng tái hiện hiện thực khốc liệt của chiến tranh, khắc họa thế giới tâm hồn, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật một cách chân thực giàu sức thuyết phục, làm hiện lên vẻ đẹp của con người trong chiến tranh.
Truyện viết về chiến tranh, có những chi tiết, sự việc về bom đạn, chiến đấu, hi sinh, nhưng chủ yếu vẫn hướng vào thế giới nội, tâm, làm hiện lên vẻ đẹp tâm hồn của con người trong chiến tranh.
Viết về cuộc sống và chiến đấu của những cô gái thanh niên xung phong trên một cao điểm ở tuyến đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Những ngôi sao xa xôi đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống, chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của họ. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu vẻ thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.
…
>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi (Sơ đồ tư duy) Dàn ý & 12 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.