Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 12: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí Những bài văn mẫu lớp 12 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 12: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí là tài liệu tham khảo hữu ích.
Nội dung chi tiết sẽ được chúng tôi giới thiệu gồm dàn ý và bài văn mẫu. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây.
Dàn ý nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí
1. Mở bài
Giới thiệu hai tác phẩm kí được xác định là đối tượng của sự so sánh, đánh giá, nêu mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá này.
2. Thân bài
– Thông tin chung về từng tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học,..
– Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm kí và nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng ấy.
– Những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm kí và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy.
– Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm kí khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm.
3. Kết bài
Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm kí khi đặt chúng trong tương quan so sánh.
Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí – Mẫu 1
Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là hai cây bút đều thuộc phong cách lãng mạn. Tuy nhiên, mỗi nhà văn vẫn có phong cách riêng được thể hiện qua hai tác phẩm “Người lái đò sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, mà cụ thể hơn là qua hình tượng sông Đà và sông Hương.
“Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân là thành quả của chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Tác phẩm được in trong tập “Sông Đà” (1960). Còn “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường được viết tại Huế vào ngày 4 tháng 1 năm 1981, sau đó được in trong tập sách cùng tên. Nổi bật trong hai tác phẩm là hình tượng sông Đà và sông Hương được khắc họa vô cùng độc đáo.
Nét tương đồng của sông Đà và sông Hương trước hết đều được miêu tả như một nhân vật trữ tình có tính cách với những vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt. Qua đó, hai nhà văn muốn thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước. Tiếp đến, sông Đà và sông Hương hiện lên với nét đẹp hùng vĩ, dữ dội cũng như nét thơ mộng, trữ tình. Qua hình ảnh hai con sông, ngòi bút của hai nhà văn hiện lên với sự tài hoa, uyên bác. Điều đó thể hiện qua việc hai dòng sông đều được miêu tả trên phương diện văn hóa, thẩm mĩ. Sông Đà là nơi hội tụ của hai nét tiêu biểu, đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, uy nghiêm, dữ dội lại vừa trữ tình, thơ mộng. Sông Hương là dòng sông của âm nhạc, dòng sông của thơ ca, của lịch sử gắn liền với những nét đặc sắc về văn hóa, với vẻ đẹp của người dân xứ Huế. Đồng thời, hai tác giả đều vận dụng cái nhìn đa ngành, vận dụng kiến thức trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật để khắc họa hình tượng hai con sông.
Về nét khác biệt, mỗi dòng sông đều hiện lên với vẻ rất riêng. Với con sông Đà, Nguyễn Tuân tập trung tô đậm nét hung bạo, dữ dội của sông Đà. Nó mang diện mạo và tâm địa của một con thủy quái, kẻ thù số một của con người. Hùng vĩ của sông Đà không chỉ có thác đá mà còn có “đá bờ sông, dựng vách thành”, có “vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”. Tiếng thác nước sông Đà được so sánh “như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo…”. Đến đá trên sông cũng đầy mưu mẹo “nhăn nhúm”, “méo mó”, “”hất hàm”, “oai phong”, “bệ vệ”, có những hành động như “mai phục”, “chặn ngang”, “canh”, “đánh tan”, “tiêu diệt”, sóng: “đánh khuýp quật vu hồi”, “đánh giáp lá cà”, “đòn tỉa”… Sự biến hóa linh hoạt của trùng vi thạch trận. Nguyễn Tuân miêu tả sự hung bạo của sông Đà để làm nổi bật sự tài hoa, tài trí của người lái đò. Mỗi lần vượt thác của người lái đò giống như là đang phải chiến đấu với thần sông, thần đá…
Còn với con sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường tô đậm vẻ đẹp trữ tình. Khi ở thượng nguồn, nó là cô gái Di gan phóng khoáng, man dại. Khi ở cánh đồng Châu Hóa, nó là cô thiếu nữ ngủ mơ màng. Có khi sông Hương giống như người tài nữ đánh đàn giữa đêm khuya, hay là nàng Kiều tài hoa, đa tình mà lại chung tình, là người con gái dịu dàng của đất nước. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn sông Hương qua chiều sâu văn hóa xứ Huế, nó như người mẹ phù sa bồi đắp cho vùng đất giàu truyền thống văn hóa này từ bao đời nay. Ngoài ra, sông Hương còn được cảm nhận qua lăng kính của tình yêu. Thủy trình của sông Hương giống như thủy trình có ý thức tìm về người tình mong đợi. Khi chảy giữa Huế, sông Hương mềm hẳn đi như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Trước khi đổ ra cửa biển, sông Hương như người con gái dùng dằng chia tay người yêu, thể hiện một nỗi niềm vương vấn với một chút lẳng lơ kín đáo.
Tóm lại, hình ảnh sông Đà và sông Hương đều có những nét chung và riêng, làm nên đặc sắc của hai tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường với những nét phong cách riêng nhưng đã rất thành công trong tác phẩm của mình.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 12: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm kí Những bài văn mẫu lớp 12 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.