Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Phân tích tác phẩm Cõi lá của Đỗ Phấn Những bài văn hay lớp 11 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 11: Phân tích tản văn Cõi lá của Đỗ Phấn mang đến dàn ý và bài văn mẫu siêu hay. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 11 có thêm nhiều nguồn tư liệu tham khảo củng cố kiến thức rèn kỹ năng viết văn ngày một tốt hơn.
Phân tích Cõi lá giúp chúng ta cảm nhận về vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên Hà Nội khi thời tiết giao mùa. Vậy sau đây là dàn ý và bài văn mẫu phân tích Cõi lá hay nhất mời các bạn cùng đón đọc và tải tại đây nhé.
Dàn ý phân tích Cõi lá
I. Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về tác phẩm, tác giả
II. Thân bài
– Tác giả Đỗ Phấn
+ Ông sinh năm 1956 tại Hà Nội
+ Bằng bút pháp nghệ thuật tài hoa, độc đáo cùng những màu sắc khác lạ qua việc khắc họa hình ảnh đời sống sinh hoạt của người dân Thủ đô.
– Tác phẩm Cõi lá: Nhà văn đã bằng tình yêu thương của mình, mà khắc họa nên vẻ đẹp của mùa xuân nơi mảnh đất Thủ đô, thật thơ mộng, thật dịu dàng, khiến cho bao trái tim bạn đọc phải xao xuyến về Hà Nội thương
– Tổng kết giá trị nội dung, giá trị của tác phẩm
– Nhận xét tình cảm của nhà thơ dành cho mảnh đất Hà Nội
III. Kết bài
Cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm “Cõi lá”
Phân tích Cõi lá
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”
Những câu thơ ấy của nhà thơ Chế Lan Viên đã cho thấy sự gắn bó sâu sắc giữa con người với mảnh đất nơi ta sinh sống. Từ nơi ta sinh ra, lớn lên đến từng vùng đất ta đặt chân tới trong hành trình của cuộc đời, tất cả đều trở thành một mảnh ghép sống động của tâm hồn. Hiểu được tình cảm ấy, nhà văn – họa sĩ Đỗ Phấn – một người con của Hà Nội đã gửi gắm tình yêu với Thủ đô nghìn năm văn hiến qua tản văn “Cõi lá”.
Đỗ Phấn bén duyên với văn chương khá muộn bởi ông vốn là một họa sĩ. Nhà văn tự nhận mình là một kẻ “tay ngang” trong văn chương bởi ông không học qua một trường lớp chuyên nghiệp nào. Ông viết về Hà Nội bằng một tình yêu tự nhiên và tha thiết. Đỗ Phấn quan niệm rằng tất cả những điều đẹp đẽ và xấu xí của nơi mình đang sống đều “trở thành ký ức theo ta suốt đời. Lớn hơn, có thể là tiền đề cho việc sáng tạo văn học nghệ thuật”. Những tác phẩm như “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”, “Hà Nội thì không có tuyết”, “Bâng quơ một thời Hà Nội”,… đều cho thấy con mắt quan sát tinh tường, những cảm nhận tinh tế cùng sự gắn bó của Đỗ Phấn với Hà Nội. Tác phẩm “Cõi lá” được sáng tác vào năm 2008, là một trong những tản văn được yêu thích nhất của Đỗ Phấn, thể hiện rõ đặc trưng phong cách của nhà văn.
Mở đầu tản văn là cảm xúc mãnh liệt của tác giả khi mùa xuân tới: “Bẽ bàng mùa xuân đến muộn. Khi cái nắng đã chao chát trên những lộc non báo hiệu mùa hè, chẳng hiểu vì sao lòng người bỗng rộn ràng đến thế. Oà thức cùng với xôn xao lá cành”. Từ láy “Bẽ bàng” được đảo lên đầu câu, nhấn mạnh tâm trạng của con người. Mùa xuân năm nay tới hơi muộn nên lòng người có chút giận hờn chăng? Nàng xuân đến khi cái nắng đã tràn lên những mầm non mơn mởn. Từ láy “chao chát” diễn tả cái nắng có phần gay gắt mà vẫn rực rỡ tươi sáng. Đứng trước khung cảnh ấy, lòng người bỗng rộn ràng náo nức. Những niềm vui trong tâm hồn bỗng “Òa thức”, xáo động không ngừng. “Òa thức” là sự sáng tạo từ rất riêng của Đỗ Phấn diễn tả trạng thái bừng tỉnh đầy bất ngờ và mạnh mẽ. Tác giả ngắt câu văn một cách đột ngột, để động từ “Òa thức” ở đầu câu càng nhấn mạnh sự khoan khoái, tràn đầy sức sống của con người và thiên nhiên.
Mùa xuân, chẳng phải là đề tài hiếm gặp của văn chương từ cổ chí kim. Xuân Hà Nội cũng đã được nhiều cây bút miêu tả. Nhưng với Đỗ Phấn, cảm thức về xuân gắn chặt với những màu lá. Tác giả quan sát chín cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông và chìm đắm vào “khoảng trời trong veo màu thạch lựu” mà hàng cây tạo nên. Dường như đứng dưới những tán cây ấy, con người được bước vào một không gian riêng, tách biệt với thế giới bên ngoài. Thạch lựu chính là màu đỏ nhưng trong trẻo và lấp lánh tựa những viên ngọc quý. Tác giả dùng màu thạch lựu để miêu tả sắc đỏ của lá, gợi ra khung cảnh những cành lá đỏ đan cài vào nhau san sát, được ánh nắng chiếu vào bỗng trở nên lung linh huyền diệu. Từ cái nhìn bao quát, tác giả ngắm nghía kĩ càng hơn từng chiếc lá và nhận ra sự chuyển động nhẹ nhàng của những chiếc lá non. Chúng “đu đưa trong gió tưởng như có tiếng chuông chùa huyền hoặc vọng về từ cõi thanh cao u tịch”. Câu văn vừa tả cảnh lại vừa tả âm thanh. Phải là con người yêu Hà Nội, có trái tim nhạy cảm trước thiên nhiên mới có thể viết nên những câu văn tinh tế như vậy! Chỉ một tiếng xao động nhẹ nhàng mà nay gợi cảm, nên thơ đến thế! Cách miêu tả “thanh cao u tịch” còn gợi ra chiều cao chót vót của những hàng cây. Con người nhỏ bé đứng từ mặt đất ngước nhìn lên chỉ thấy một vùng trời đỏ xa xăm vời vợi. Những gốc cây ấy đã gắn bó mật thiết với đời sống con người Hà Nội nên mới có khung cảnh “Những đứa trẻ tan trường ríu rít dưới gốc cây như những thiên thần bước ra từ lá”. Hàng bồ đề khiến người ta yêu thương, nhung nhớ, xuyến xao đến mức nhiều người chẳng có việc gì cũng vòng xe qua đoạn phố đông mà chật chội [..] này chỉ để ngắm nhìn một chút sắc lá ngọt ngào như mật chảy tháng Giêng.” Cách so sánh “như mật chảy tháng Giêng” thật độc đáo, khiến đoạn văn mang đậm chất trữ tình mượt mà như thi ca. Màu thạch lựu óng ánh chảy tràn trên hè phố, bao trùm lấy không gian, khiến người ta đê mê say đắm đến mức muốn “nếm” thử sắc hương. Đó chính là món quà quý giá mà tháng Giêng đã ban tặng cho Hà Nội.
Sau hình ảnh về hàng cây bồ đề trên đường Trần Nhân Tông, nhà văn bày tỏ những chiêm nghiệm sâu sắc: “Nhìn chung thì vòng đời của một chiếc lá bồ đề dù được mọc ra từ Hà Nội hay ở nơi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp cũng chỉ kéo dài không đến một năm. Có rất nhiều loài cây trong phố có một vòng đời như vậy. Và hình như đó cũng là một đặc trưng của cây Hà Nội. Làm nên mùa lá rụng kéo dài suốt từ thu sang đông”. Đoạn văn tả thực một đặc trưng rất riêng của Hà Nội – quanh năm lá rụng. Dù là mùa nào ở Thủ đô, ta cũng có thể bắt gặp khung cảnh những hàng cây đổ lá, những góc phố xào xạc lá bay. Dắt xe dạo quanh Hà Nội một vòng, người du khách bỗng cảm thấy lạ lùng và phải thốt lên: “Ồ, một ngày ở đây có tất cả các mùa?”. Với nhà văn, lá rụng, lá mọc không còn là một hiện tượng tự nhiên thuần túy mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong trái tim những người con xa quê. Lá vỗ về, lá ủi an tâm hồn con người giữa những bộn bề của đời sống. Chính vì thế mà tác giả nhắc đến người em gái: “Cô em gái của tôi sống xa Tổ quốc đã hai chục năm có lẻ. Mỗi lần gọi điện về, nó lại hỏi con đường ven Hồ Gươm mùa này lá đã rụng? Lạ thế! Mùa nào cũng hỏi như vậy.” Đếm ngày đếm tháng, chi bằng đếm mùa lá rụng. Con số làm sao hữu tình bằng sắc lá. Nhưng hình như muốn con người quên đi năm tháng nên lá cây Hà Nội cũng… khó hiểu vô cùng. Đỗ Phấn chỉ biết trả lời “đang ngổn ngang vàng rượi sắc lá ven hồ”. Nào lá của những cây sấu cổ thụ ở đường Đinh Tiên Hoàng, nào lá bằng lăng, lá bàng đỏ chói trên đường Lê Thái Tổ chứ thực ra chúng chẳng bao giờ rụng cùng một lúc với nhau. Bằng chứng là “Cây cơm nguội vàng và cây bàng lá đỏ… nhiều khi rụng lá cách nhau cả đến… một mùa thu!”. Câu văn được ngắt ra thành nhiều nhịp với các dấu “…” diễn tả sự kéo dài của thời gian và cảm xúc bất ngờ, lí thú của nhà văn.
Nhà văn miêu tả đến những cây xà cừ. Nói về loài cây này, nhà văn dành cho nó những lời “giận hờn”: “Những tưởng vô duyên đến như cây xà cừ là cùng. Cứ như người đàn bà phổng phao nhạt hoét. Chỉ được mỗi ưu điểm về kích thước. Và cũng lại là nhược điểm. Mùa mưa bão rất mất công cắt tỉa bớt cành phòng khi bị đổ”. Lối so sánh “như người đàn bà phổng phao nhạt hoét” khiến câu văn trở nên đậm tính khẩu ngữ đời thường. Chi tiết này cho thấy sự am hiểu tường tận, vốn sống phong phú của nhà văn về thiên nhiên và con người Hà Nội. Cây xà cừ đem lại cho Đỗ Phấn ấn tượng về kích thước to lớn, khiến mùa mưa bão con người trở nên vất vả vì phải tỉa bớt cành lá. Thế nhưng, “Thân hình cường tráng và lá cành rậm rạp đến thế của cây lại vô cùng yếu mềm trước một heo may đến sớm. Ngập cả lối đi những lá xanh chen lẫn lá vàng làm nên một mùa thu quyến rũ từng bước chân người”. Nhà văn dành cho thiên nhiên cái nhìn trân trọng, yêu thương, tinh tế phát hiện những vẻ đẹp nên thơ ở cây cối như người ta kĩ càng soi chiếu tâm hồn con người.
Cuối cùng, kết thúc tản văn, nhà văn nhấn mạnh tình cảm của mình dành cho “Cõi lá” mộng mơ của Hà Nội: “Miên man trong cõi lá mùa xuân thành phố, gương mặt ai ai cũng như có phần trẻ lại. Hay tự nhận rằng mình như thế?”. Quả thực, đối với nhà văn cũng như rất nhiều người con Hà Nội, những hàng cây, vòm lá đã trở thành một nét văn hóa mang đậm bản sắc của Thủ đô. Hà Nội luôn chộn rộn, luôn hối hả nhưng ngay giữa những phố phường đông đúc, ta vẫn luôn có những “Cõi lá” để ghé vào nghỉ ngơi, trẻ hóa tâm hồn.
Tản văn “Cõi lá” đậm chất trữ tình nên thơ, thể hiện rõ đặc trưng văn phong tài hoa, nhẹ nhàng, thanh lịch, tinh tế cùng tình yêu thiên nhiên, con người Hà Nội tràn đầy của Đỗ Phấn. Những từ láy giàu sức gợi hình, những lối so sánh và liên tưởng phong phú, ngôn ngữ trong sáng mà gần gũi, giọng văn tràn đầy cảm xúc đã góp phần giúp nhà văn miêu tả khung cảnh Hà Nội mùa xuân.
Cái tôi Đỗ Phấn thực sự là một cái tôi lãng mạn. Viết về Hà Nội có Thạch Lam, Vũ Bằng và nay ta có thêm Đỗ Phấn – “người sống đầy, nhớ dai. Nhiều thứ người ta quên, đọc văn Đỗ Phấn lập tức nhớ lại, nhớ tường tận và tỉ mỉ, thậm chí nhớ cả một quãng đời”.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Phân tích tác phẩm Cõi lá của Đỗ Phấn Những bài văn hay lớp 11 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.