Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận Bài ca ngất ngưởng hay nhất Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 11 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Cảm nhận Bài ca ngất ngưởng để thấy được lối sống và cái nhìn của Nguyễn Công Trứ trước cuộc đời. Đọc bài thơ, ta thấy thêm cảm phục những người nam nhi đã cống hiến hết mình cho đất nước trong thời kì phong kiến, cũng thấy trân trọng thêm thái độ và tinh thần của tác giả đối với cuộc đời.
Cảm nghĩ Bài ca ngất ngưởng gồm dàn ý chi tiết kèm theo 2 bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh lớp 11 trên toàn quốc. Ngoài ra bạn đọc tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác tại chuyên mục Văn 11. Chúc các bạn học tốt.
Dàn ý cảm nhận Bài ca ngất ngưởng
1. Mở bài
– Giới thiệu sơ lược về tác giả:
+ Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), là một người ham học từ nhỏ nhưng con đường thi cử không được hanh thông, mãi đến năm bốn mươi tuổi ông mới đỗ đạt và làm quan.
– Giới thiệu sơ lược về Bài ca ngất ngưởng: Đây là bài thơ được tác giả viết sau năm 1848, năm ông cáo quan về hưu.
2. Thân bài
* Ngất ngưởng trên hành trình hoạn lộ
– Đề cao vai trò và ý thức trách nhiệm, bổn phận cá nhân “vũ trụ nội mạc phi phận sự”.
– “Ông Hi Văn”: thái độ tự trào, tự tôn độc đáo.
– Tự ý thức được ra làm quan là sẽ mất tự do (vào lồng) nhưng đây là phương tiện để ông thể hiện tài năng và hoài bão được cống hiến sức mình phục vụ nhân dân.
– Nghệ thuật: điệp từ “khi” kết hợp với thủ pháp liệt kê nhằm nêu khẳng định tài thao lược, văn chương của tác giả.
– “Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông”, “Lúc bình Tây”, “Phủ doãn Thừa Thiên” ⇒ sự thay đổi chức vụ liên tục, không chịu ở yên một vị trí nhất định.
⇒ Ngất ngưởng là lời tự khẳng định, sự đánh giá cao tài năng, nhân cách và phong cách tài tử, phóng túng.
* Ngất ngưởng khi về hưu
– Tự hào khi đã trả xong món nợ với nhân dân để về quê “giả tổ chi niên”.
– Thái độ của Nguyễn Công Trứ khi về hưu:
– Cưỡi bò vàng có đeo đạc rời khỏi kinh đô ⇒ ngạo nghễ, trêu ngươi, coi thường dư luận, đạt đến độ cao của phẩm cách và tài trí.
– Từ một “tay kiếm cung” nay trở về với dáng dấp của một nhà tu hành “dạng từ bi”.
– Tâm trạng từ sự thanh thản, nhẹ nhỏm thành sự ngậm ngùi.
– Lối ống khi về hưu
– Lên chùa cùng đào hát ⇒ khác người, khác đời.
– Hưởng lạc: ca, tửu, cắc, tùng.
– Coi thường được mất và sự khen chê của miệng đời.
⇒Thái độ thanh lạc, thỏa thích, phóng túng, tự do, coi nhẹ được mất, hơn thua ở đời.
⇒ Cuộc sống tự do, tự tại vượt lên mọi thói tục của một bậc phong lưu, không ngại khẳng định cá tính của mình.
* Khẳng định cá tính của bản thân
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
– Đặt mình ngang hàng với các bậc công thần, danh tướng Trung Hoa thời xưa ⇒ tự hào về sự nghiệp cống hiến cho đất nước.
– Nghĩa vua – tôi ⇒ khẳng định tấm lòng trung quân, ái quốc, một lòng vì nước vì dân.
⇒ Tự hào, sảng khoái, tự tin thể hiện cái tôi cá nhân
3. Kết bài
– Nội dung: Trên cơ sở ý thức về tài năng và nhân cách của bản thân, bài thơ còn là sự tổng kết về cuộc đời của chính tác giả.
– Nghệ thuật:
- Cách ngắt nhịp tạo tính nhạc cho tác phẩm, đồng thời thể hiện phong thái ung dung.
- Sử dụng nhiều từ Hán Việt, điển cố thể hiện tài hoa, trí tuệ của tác giả.
- Bài hát nói mang đậm chât thơ và bộc lộ tính cách phóng khoáng, tự do, bản lĩnh.
Cảm nhận Bài ca ngất ngưởng – Mẫu 1
Nguyễn Công Trứ được mệnh danh là nhà thơ ngất ngưởng của Việt Nam với những phong cách rất riêng biệt, nó tạo nên một tính ngông trong phong cách sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật của ông, đặc biệt chúng ta bắt gặp phong cách đó trong tác phẩm Bài ca ngất ngưởng.
Trong bài thơ tác giả đã thể hiện đúng thái độ tâm trạng và phong cách của chính mình, với những cách xưng hô mang một cái nhìn đầy chất ngông, vũ trụ ở đây đã chỉ một không gian vô cùng rộng lớn và mênh mông, nhưng lại dường như không có một chút phận sự nào, ở đây tác giả dường như đang chê trách những đấng nam nhi trong đất nước, tác giả mở đầu cũng để thể hiện một nỗi lòng muốn thể hiện quan niệm về vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước, đó là những việc làm cần thiết và vô cùng xứng đáng đối với những đấng nam nhi được sinh ra trong đất nước:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Nhà thơ với một quan niệm vô cùng ngông nghênh, nó thể hiện luôn phong cách của ông, ông là một người thích tự do, chính vì vậy ông cho rằng làm quan là một việc trói buộc chính vì vậy, ông luôn luôn cương quyết thích sống một cuộc sống tự do, tự tại, không muốn điều gì cản trở sự tự do của chính bản thân mình, từ “vào lồng” trong câu thơ đã thể hiện một thái độ không thích với chốn quan trường, đây là một nơi đấu đá và không được sống tự do, chính vì vậy, từ khi ông đỗ đạt làm quan, ông cảm thấy cuộc đời mình đã bị bó buộc vào nơi đây, ông không thích và muốn sống tự tại, do con người và bản tính ngông nghênh của ông.
Tất cả những điều mà ông thể hiện trong tác phẩm đó đều thể hiện tính cách của ông khi làm quan, tính cách của ông không chỉ thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật, mà nó còn được thể hiện trong lúc ông là quan, ông liệt kê các chức tước trong triều đình như thủ khoa, tham tán, tổng đốc… đây đều là những vị trí mà họ đã phải cố gắng để có được, chính vì vậy về địa vị họ đã hơn rất nhiều người, đây là điều mà tác giả thể hiện sự ngất ngưởng của mình không chỉ riêng trong cuộc sống, mà trong rất nhiều việc khác, ông cũng luôn thể hiện một thái độ tích cực và mang lại cho người đọc nhiều suy ngẫm và có nhiều ý nghĩa to lớn, ông đã thể hiện sự ngất ngưởng của mình qua địa vị. Và đây không chỉ là điều để ông thể hiện được tài năng của chính bản thân mình, mà còn cho người đọc biết được con người của ông:
Lúc bình Tây, cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Khi tuổi trẻ luôn phấn đấu để trở thành một vị quan, và ông cũng luôn thể hiện sự ngất ngưởng trong con đường làm quan của mình, nhưng ông còn thể hiện sự ngất ngưởng đó qua cả thái độ của mình khi về quê, ông từ bỏ cuộc sống chốn quan trường và từ quan ở ẩn, ông không những đã thoát khỏi cái lồng đã chôn chân ở đó, mà ông luôn mong ước mình sống một cuộc sống tự tại, tự do, đó là những điều mà ông luôn luôn mong muốn để đạt được, những điều đó nó thể hiện ngay trong thái độ và cảm quan của ông trong khi sáng tác nên chính tác phẩm này, giá trị của nó không chỉ để lại cho con người nhiều cái nhìn mới mẻ mà nó còn để cho người đọc thấy được thái độ ngông cuồng và tự tại của ông:
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Từ khi ông trút bỏ áo quan để về nhà ở ẩn, ông đã thể hiện một thái độ khác người, phong cách của ông không giống ai, ông bình dân mà thể hiện một con người vô cùng bình dị và thể hiện một thái độ vô cùng gần gũi với tất cả mọi người, ông đã dùng những hình ảnh rất đỗi gần gũi, đó là một cuộc sống tự tại và cũng được hưởng lạc từ thiên nhiên, ông trở về sống bên cạnh những núi sông, mây trắng. Thái độ của ông khiến cho người đọc có một cái nhìn lạ, bởi nó khác thường so với những người khác, nhưng chính điều đó lại làm nên cuộc đời của ông khác lạ và mang lại cho ông một phong cách riêng, nó đặc trưng cho cá nhân và con người của ông. Ông không quan tâm đến những lời khen chê của người khác đối với ông đó đều là những chuyện nhỏ mà ông không quan tâm tới, ông say mê trong những cuộc chơi lạ kì và những vui thú của hát nói, có rượu ngon, có ca nhạc… Một cuộc sống đúng chất của an nhàn và hạnh phúc mỹ mãn, đây mới chính là cuộc sống tự do mà ông luôn mong muốn hướng tới, đó chính là một cuộc sống an nhàn, cuộc sống chỉ có ông, không có những điều gì làm cho cuộc đời của ông bị vướng bận cả, tất cả nó đều thể hiện một quan niệm sống đầy tự do của ông, với một lối sống tự tại, ông không thích bó buộc, mà ông đang sống một cuộc sống hòa nhập với thiên nhiên, đó là một điều có ý nghĩa vô cùng tốt đẹp, nó đem đến cho ông một cái nhìn đầy thiện cảm với cuộc sống của mình.
Tiếp theo đó là những lời mà ông tự cho rằng đó là cả cuộc đời của mình tuổi trẻ đã làm quan, ông không còn vướng bận điều gì, khi đã làm tròn trách nhiệm của mình với dân với nước, đó là những điều mà ông luôn trăn trở nhưng nay ông đã làm được và ông không còn điều gì phải hổ thẹn nữa:
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
Trong triều đình ông là duy nhất, và không ai có một thái độ ngất ngưởng như ông, đó là những điều mà ông đã nói đến trong tác phẩm của mình, thái độ đó đã mang lại cho người đọc cái nhìn bao quát nhất, về con người cũng như toàn bộ cuộc sống của ông, ông đã phải sống trọn tình nghĩa và giờ ông đang muốn hưởng một cuộc sống tự do và thoải mái nhất.
Cảm nhận về bài thơ Bài ca ngất ngưởng – Mẫu 2
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) biệt hiệu là Hi Văn, một danh tướng triều Nguyễn, văn võ toàn tài. Về sự nghiệp văn chương, ông để lại khoảng 150 bài thơ, câu đối, bài “Hàn nho phong vị phú” là một kiệt tác. Với những bài thơ hát nói, Nguyễn Công Trứ có giọng điệu mạnh mẽ, hào hùng: “Chí nam nhi”, “Chí khí anh hùng”, “Nợ tang bồng”… trong đó, độc đáo nhất là “Bài ca ngất ngưởng”.
Vẻ đẹp của “Bài ca ngất ngưởng” thật đặc sắc và rất thú vị. Đó là vẻ đẹp của một nhà nho giàu cá tính, dám đem tài năng thi thố với đời, dám hành động cho thoả chí nam nhi, đồng thời cũng dám hành lạc biểu lộ bản ngã của một khách tài tử.
Vẻ đẹp của “Bài ca ngất ngưởng” còn là chất thơ, chất nhạc in đậm dấu ấn của một tao nhân mặc khách, một tài tử mang cốt cách anh hùng. Thơ trung đại vốn phi ngã, nhưng “Bài ca ngất ngưởng” đã thể hiện cái tôi một cách đàng hoàng với tất cả niềm tự hào hiếm thấy.
Một cách xưng danh thật hào hùng. Trong xã hội phong kiến đã mấy ai dám nói như Nguyễn Công Trứ?
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hi Vân tài bộ đã vào lồng.”
Kẻ nam nhi dám đem “tài bộ” ra thi thố với thiên hạ, làm tròn trách nhiệm với đời. Phải ngất ngưởng, phải sống khác người, vì đã có công danh, về cử nghiệp đã đỗ thủ khoa. Về binh nghiệp đã làm Tham tán, về hoạn lộ đã làm Tổng đốc Đông. Có tài thao lược mới có thể ngất ngưởng, mới dám sống ngất ngưởng:
“Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”.
Có thể hiểu ngất ngưởng vì hơn đời, hơn người, do có “tài bộ”. Con đường công danh như được trải dài và mở rộng. Ông Hi Văn đang sống lại những tháng ngày oanh liệt:
“Lúc bình Tây cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.
Chữ “khi” được điệp lại bốn lần, đan xen với chữ “lúc”, đã nêu bật tính thời gian và con đường công danh của một kẻ sĩ anh hùng được mở ra với bao tự hào, kiêu hãnh. Giọng thơ mạnh mẽ hào hùng thể hiện cốt cách của một đấng nam nhi tài ba lỗi lạc. Con người ấy đã sống đẹp hơn bao giờ hết:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông”.
(Nợ tang bồng)
Bức chân dung tự hoạ của ông Hi Văn là một trong những vẻ đẹp của “Bài ca ngất ngưởng” mà ta cảm nhận được. Giữa triều đình, ông Hi Văn đã sống hết mình, đem tài bộ ra thi thố với thiên hạ “đã nên tay ngất ngưởng”. Lúc trả áo mũ về trí sĩ, ông Hi Văn lại chơi hết mình: “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”. Chiếc mo cau đeo sau đuôi con bò cái như để che miệng thế gian, như để giễu đời.
Thật ung dung và thảnh thơi giữa chốn lâm tuyền. Như có một sự hoá thân kì lạ:
“Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.
Nhìn thấy “dạng từ bi” đó của ông Hi Văn, làm sao Bụt chẳng “nực cười” được? Mọi chuyện được mất, khen chê bỏ hết ngoài tai, “ông ngất ngưởng” chính là một khách tài tử, rất thanh cao. Các điệp ngữ (khi, không) làm cho nhịp thơ, điệu thơ, giọng thơ như nhún nhảy. Cũng là một nét đẹp của ông Hi Văn, cũng là một nét đẹp của “Bài ca ngất ngưởng”:
“Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục”.
Bức chân dung tự hoạ của “ông ngất ngưởng” đã hoàn chỉnh, vừa bề thế, vừa trang trọng. Sự thuỷ chung về “nghĩa vua tôi” là cái thần của bức chân dung tự hoạ ấy. Sao không tự hào được?
“Chẳng Trái, Nhạc cũng phường Hàn, Phú,
Nghĩa vua tôi cho vẹn dạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”.
Vẻ đẹp của “Bài ca ngất ngưởng” đâu chỉ có thế. Còn là vẻ đẹp văn chương, vẻ đẹp của một bài thơ hát nói dôi khổ (hai khổ thơ). Ngôn từ thật biến hoá: khi là “tay ngất ngưởng” rồi lại “đeo ngất ngưởng lúc trở thành “ông ngất ngưởng” rồi còn cất tiếng hỏi: “Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”.
Câu thơ co duỗi biến hoá: sáu chữ, bảy chữ, tám chữ; sử dụng điệp ngữ thần tình, giọng thơ du dương, trầm bổng. Chất nhạc cũng làm nên vẻ đẹp của “Bài ca ngất ngưởng”. Nguyễn Công Trứ đã làm Dinh điền sứ tổ chức di dân lấn biển, lập nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) đến nay vẫn được nhân dân hai miền quê ấy thờ cúng, đội ơn sâu.
Nguyễn Công Trứ đã trải qua nhiều thăng trầm trên con đường hoạn lộ, nhưng lúc nào ông cũng thể hiện một bản lĩnh đáng trọng và tự hào: “Lúc làm đại tướng, ta không thấy thế làm vinh; lúc làm lính thú, ta cũng không lấy thế làm nhục”. Nói về vẻ đẹp của “Bài ca ngất ngưởng” là nói về vẻ đẹp của chí anh hùng, chí nam nhi là nói về vẻ đẹp ung dung thanh cao của một tao nhân mặc khách đã để lại nhiều bài thơ hát nói nổi tiếng. Ngất ngưởng sao mà đẹp vậy!
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận Bài ca ngất ngưởng hay nhất Dàn ý & 2 bài văn mẫu lớp 11 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.