Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Xuân về (Dàn ý + 2 Mẫu) Xuân về của Nguyễn Bính tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính tổng hợp gợi ý cách viết kèm theo 2 mẫu khác nhau cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý học tập, trau dồi kiến thức để biết cách viết văn cảm nhận bài thơ hay.
Qua bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính đã đem đến cho độc giả mùa xuân thật dân dã, gần gũi ở làng quê Việt Nam thân thuộc. Bài thơ sẽ luôn là một trong những bài thơ tiêu biểu và ý nghĩa nhất viết về chủ đề mùa xuân. Vậy dưới đây là 2 bài văn mẫu cảm nhận Xuân về hay nhất, mời các bạn cùng đón đọc. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích Đất rừng phương Nam.
Dàn ý cảm nhận bài thơ Xuân về
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Bính, bài thơ Xuân về.
2. Thân bài
– Phân tích
- Đoạn 1: Vẻ đẹp khi gió xuân về.
- Đoạn 2: Vẻ đẹp khi nắng xuân về.
- Đoạn 3: Vẻ đẹp bức tranh đồng quê ngày xuân về.
- Đoạn 4: Cảnh đi trẩy hội ngày xuân tưng bừng náo nhiệt.
– Đặc sắc nghệ thuật
- Ngôn từ sống động, chân thật.
- Cách diễn đạt thân thiết.
- Hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị, quen thuộc, gần gũi.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận của em về bài thơ/ tác giả/ mùa xuân.
Cảm nhận bài thơ Xuân về
Nhắc đến mùa xuân là nhắc đến sự sinh sôi, “thay da đổi thịt” của vạn vật. Đó là thời khắc mở đầu cho một năm, đánh dấu biết bao điều mới mẻ, hạnh phúc. Mùa xuân, với sự bừng nảy và thay đổi của mọi vật, luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca và văn chương của nhiều thế hệ. Xuân Diệu với “Vội vàng”, Tố Hữu với “Xuân sớm”, Thanh Hải với “Mùa xuân nho nhỏ” – đó là những bài thơ mang đậm hương xuân. Trong số đó, “Xuân về” của Nguyễn Bính nổi bật với sự gần gũi, thân thuộc với làng quê.
“Xuân về” đã vẽ nên một bức tranh của làng quê và con người Việt Nam thơ mộng trong giai đoạn bắt đầu một năm mới. Qua từng dòng thơ, ta được thấy cảm hứng trữ tình cùng sự phấn khích, niềm vui của tác giả khi chứng kiến sự thay đổi của thời gian.
Từ đầu, thiên nhiên trong tác phẩm hiện lên rất tươi đẹp và đầy sức sống. Tiếng gió xuân mang theo một chút ấm áp dịu dàng: “Thấy xuân về cùng cơn gió đông”. Cơn gió “đến rồi lại đi”, làm đỏ gò má của cô gái trẻ. Nó mang theo cả những cơn mưa phùn lạnh giá, để lại bầu trời trong lành và tia nắng Mặt Trời. Toàn bộ khung cảnh trở nên tươi sáng qua “ánh nắng mới rọi”. Ánh nắng khiến lớp nước trên cỏ lá trở nên lấp lánh như “được tráng bạc”. Đây là một cách so sánh độc đáo mà tác giả sử dụng. Các cây non đua nhau mọc chồi, mang thêm sự sống vào cảnh thiên nhiên rộng lớn. Không chỉ có thế, cả làng quê Việt Nam cũng mang trên mình vẻ đẹp mới:
“Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng”.
Có cánh đồng lúa xanh mướt, vườn hoa bưởi, hoa cam phô diễn hương thơm dịu dàng. Chúng thu hút ong bướm, tô điểm không gian với sắc màu rực rỡ. Tất cả tái hiện thành công bức tranh làng quê Việt Nam dưới trời xuân tươi đẹp và đầy sức sống.
Ngoài ra, hình ảnh con người cũng được nhà thơ mô tả một cách tài tình. Các cô gái xuất hiện từ khổ thơ đầu tiên với hơi thở của cơn gió xuân. Có cô “gái chưa chồng” má hồng hào, là “cô hàng xóm” đôi mắt nhìn lên trời. Dù chỉ đơn giản nhưng đó lại là điểm nhấn, chấm phá cho cảnh xuân thơ mộng. Tiếp theo, ta thấy “Từng đàn con trẻ chạy xun xoe”. Đây là biểu hiện niềm vui, sự háo hức của đứa trẻ khi Tết đến, xuân về, cũng như là cảm xúc và tâm hồn của tác giả được thể hiện qua từng câu chữ. Nông dân giờ đây có thể tạm thời gác lại công việc nặng nhọc, “thong thả” thưởng thức tiết trời trong lành của đầu xuân. Họ mặc áo quần mới, trẩy hội vui đùa. Từ những cô gái trẻ với yếm đỏ, khăn thâm, đến những bà lão tóc bạc chống gậy trúc, ai ai cũng nô nức, vui vẻ tham gia “trẩy hội chùa”. Tất cả hòa quyện lại, tái hiện trước mắt người đọc không gian làng quê Việt Nam dưới trời xuân tươi đẹp, sôi động nhưng vẫn gìn giữ nét dân dã, ấm áp.
Với “Xuân về”, nhà thơ Nguyễn Bính đã thành công về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Bằng hình ảnh giản dị, gần gũi và ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, tác giả đã tả nét đẹp đặc trưng của mùa xuân nơi làng quê Việt Nam. Từng dòng thơ chậm rãi, cách ngắt nghỉ nhịp nhàng tạo nên cảm giác thư thái. Điều đó giúp người đọc cảm nhận rõ nét không khí yên bình của chốn làng quê. Ngoài ra, tác giả còn thành công trong việc sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh: “…mượt như nhung”, ẩn dụ: “lúa thì con gái”, hay cả đảo ngữ, hoán dụ. Điều này đã góp phần nâng cảm xúc của bài thơ, khiến vẻ đẹp của thiên nhiên và con người càng được nhấn mạnh hơn. Và đó cũng chính là nét đặc trưng của thơ Nguyễn Bính, đồng thời thể hiện chính con người tác giả. Với danh hiệu “nhà thơ của làng quê Việt Nam”, ông đã rất thành công mang đến cho độc giả bức tranh chân thật và đẹp đẽ, thơ mộng nhất bằng ngòi bút tài hoa, dân dã của mình.
Nhìn chung, đề tài mùa xuân đã không còn quá xa lạ trong văn học nước nhà nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên qua bàn tay nhào nặn của từng tác giả khác nhau, ta sẽ nhận được những thành phẩm độc đáo, riêng biệt mà vẫn mang đầy ý nghĩa. Với “Xuân về”, Nguyễn Bính đã đem đến cho độc giả mùa xuân thật dân dã, gần gũi ở làng quê Việt Nam thân thuộc. Tác phẩm sẽ luôn là một trong những bài thơ tiêu biểu và ý nghĩa nhất viết về chủ đề này.
Cảm nhận Xuân về Nguyễn Bính
Nguyễn Bính là một trong những tác gia nổi tiếng của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Ông sáng tác ở nhiều thể loại, viết rất đều và luôn dốc lòng cho sự nghiệp thi ca của nước nhà. “Xuân về” là một trong những sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Bính, tác phẩm được viết năm 1937, in trong tuyển tập thơ Nguyễn Bính:
Thi sĩ Nguyễn Bính được giới yêu thơ ưu ái gọi là Thi Sĩ Chân Quê. Bởi trong thơ ông, phong cảnh đồng quê, bến đò ngang, phiên chợ Tết hiện lên một cách bình dị, mộc mạc, thân mật và thật đáng yêu. Bài thơ “Xuân về” là một bức tranh mùa xuân sống động, xinh xắn, thân mật về đồng quê Bắc Bộ hơn 60 năm về trước.
Bước vô thưởng thức bức tranh quê của người thi sĩ ta gặp ngay:
“Đã thấy xuân về với gió đông,
……..
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong “
Gió xuân đã về trên những bờ cây ngọn cỏ, mang theo làn hơi ấm làm hồng lên đôi má của cô gái “chưa chồng”. Ấy chính là cô hàng xóm đang bâng khuâng nhìn trời “ngước mắt” nhìn trời xuân bên hiên nhà. Với “đôi mắt trong” dường như nàng đang thầm ước hẹn, đợi chờ ai…Bức tranh ngày xuân tươi tắn, trẻ trung, tình tứ được nhà thơ chấm phá một cách tinh tế qua hai hình ảnh “màu má gái chưa chồng” và “đôi mắt trong” của cô gái nhà bên đang thưởng thức bầu trời ngày xuân.
Tiếp đến nhà thơ cho chúng ta chiêm ngưỡng một khung cảnh sống động biết bao:
“Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,
……..
Gió về từng trận, gió bay đi..”
Gió xuân thổi từng cơn rồi gió lại “bay đi”, gợi cho độc giả thấy sự phơi phới, tươi mát. Sau những cơn mưa xuân, thì nay trời đã tạnh, một bầu trời thật đẹp, nắng xuân thật ấm áp “giời quang, nắng mới hoe”. Những mầm “lá nõn” xanh mượt vừa nhú, những “nhành non” mới nảy lộc còn chưa kịp cứng cáp. Chàng thi sĩ ngạc nhiên sung sướng nhìn “lá nõn, nhành non” rồi thốt lên hỏi “Ai tráng bạc?”.
“Thong thả dân gian nghỉ việc đồng,
…….
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.”
Xuân về cũng là lúc những bác nông dân sẽ tạm gác lại mọi công việc đồng áng để đón xuân, vui tết. Thời điểm này cũng là lúc “lúa thì con gái mượt như nhung” những cây lúa với màu xanh mát dịu đã làm nao lòng biết bao người con xa quê. Không chỉ có lúa, mà còn có “đầy vườn hoa bưởi, hoa cam” tuy là đã “rụng” nhưng vẫn “ngào ngạt hương bay”.
“Trên đường cát mịn, một đôi cô,
……
Tay lần tràng hạt miệng nam mô”
Xuân về tết đến, cảnh xuân rộn ràng vui tươi hơn bao giờ hết. Trên khắp các ngả đường các cô các chị sửa soạn thật đẹp để tham gia trẩy hội hay đi chùa cầu may. “Yếm đỏ”, “khăn thâm” đều là những trang phục truyền thống, quen thuộc của các cô thôn nữ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20. Các cụ già tóc bạc phơ, vừa chống cây gậy trúc” vừa lần tràng hạt, miệng nam mô”. Quả thật là một hình ảnh rất thi vị.
Bài thơ “Xuân về” mang một phong vị mới lạ trong thơ ca của thi sĩ Nguyễn Bính. Với bức tranh ngày xuân tràn đầy sức sống, cảnh sắc trong lành, tươi tắn của làng quê Việt Nam. Dù thời gian có chảy trôi, nhưng tôi tin rằng bài thơ “Xuân Về” của nhà thơ Nguyễn Bính đã vẫn và sẽ mãi sống cùng năm tháng, bởi sự trong sáng, sống động và chân thật của ngôn từ, cách diễn đạt thân thiết, gần gũi với mọi thế hệ người Việt Nam.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 10: Cảm nhận bài thơ Xuân về (Dàn ý + 2 Mẫu) Xuân về của Nguyễn Bính tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.