Bạn đang xem bài viết Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình (Dàn ý + 2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Quảng trường Ba Đình là địa điểm có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn đối với dân tộc ta, tại nơi này Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào năm 1945.
Dưới đây sẽ là dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn học sinh có thể bổ sung thêm kiến thức về văn thuyết minh lớp 9 của mình, xin mời các bạn cùng tham khảo tài liệu này.
Dàn ý thuyết minh về quảng trường Ba Đình
I. Mở bài:
– Giới thiệu Quảng trường Ba Đình.
II. Thân bài:
a. Vị trí địa lý, lịch sử:
– Nằm trên đường Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội.
– Trong quá khứ, quảng trường Ba Đình vốn là một khu đất trống trong hoàng thành Thăng Long, sau khi Hoàng thành bị phá hủy, thì vua Gia Long cho xây một thành mới tên là Thành Hà Nội có diện tích nhỏ hơn, khu quảng trường ứng với cửa phía tây của thành này.
– Đến năm 1894, người Pháp cho xây dựng Vườn hoa Pugininer (quảng trường), Vòng xoay Pugininer và phủ Toàn quyền.
– Đến 9/ 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Thị trưởng của Hà Nội lúc bấy giờ là Trần Văn Lai, đã nhanh chóng đổi tên toàn bộ các con đường của Hà Nội bằng tên của các nhân vật anh hùng trong lịch sử dân tộc. Và đặc biệt đổi tên vườn hoa Pugininer thành vườn hoa Ba Đình.
– Cách mạng tháng tám thành công,ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính từ sự kiện này người dân Việt Nam đã gọi nơi đây là quảng trường Ba Đình hay quảng trường Độc Lập.
b. Cấu trúc:
– Chiều dài 320m, rộng 100m, tổng diện tích vào khoảng 3200 mét vuông.
– Bề mặt được chia thành 210 ô cỏ, với tổng lượng 7 hàng dọc và 30 hàng ngang đều nhau, giữa các hàng được phân chia bằng các lối đi rộng 1,4 m, được lát đá.
– Bên dưới các ô cỏ được thiết kế một hệ thống ống dẫn nước, cống thoát nước, mạng lọc nước và cấp nước ngầm có liên kết chặt chẽ với nhau.
– Chính giữa quảng trường là một cột cờ cao 25m ngày ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.
– Bên ngoài quảng trường Ba Đình ngoài các công trình kiến trúc đã có từ khi mới được xây dựng như phủ toàn quyền Pháp, phủ Chủ tịch, hội trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
c. Vai trò:
– Ngày nay Quảng trường Ba Đình là một địa điểm quan trọng, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động kỷ niệm, lễ mitting quan trọng của chính phủ.
– Trong quá khứ, nơi này còn diễn ra một số sự kiện quan trọng:
+ Ngày 1/1/1955, diễn ra cuộc mít tinh và cuộc duyệt binh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
+ Ngày 9/9/1969, diễn ra lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh,…
– Lễ thượng cờ, chào cờ và hạ cờ được diễn ra hàng ngày, trở thành một biểu tượng, một nghi thức đẹp của thủ đô Hà Nội.
III. Kết bài:
– Nêu cảm nhận chung.
Thuyết minh về quảng trường Ba Đình – Mẫu 1
Hà Nội mảnh đất thủ đô hàng ngàn năm văn hiến, nơi đã gắn liền với biết bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, cùng với hàng loạt các công trình kiến trúc, các di tích có ý nghĩa văn hóa, lịch sử quan trọng. Mà có lẽ rằng trong khoảng 100 năm trở lại đây, quảng trường Ba Đình là một trong những địa điểm sáng giá, đánh dấu nhiều bước tiến vĩ đại của dân tộc, cùng những kỷ niệm khó quên về chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quảng trường Ba Đình hiện nay là quảng trường lớn nhất tại Việt Nam, tọa lạc tại trái tim của thủ đô, trên đường Hùng Vương, quận Ba Đình. Trong quá khứ, quảng trường Ba Đình vốn là một khu đất trống trong hoàng thành Thăng Long, sau khi Hoàng thành bị phá hủy, thì vua Gia Long cho xây một thành mới tên là Thành Hà Nội có diện tích nhỏ hơn, khu quảng trường ứng với cửa phía tây của thành này. Đến năm 1894, sau khi Pháp hoàn toàn làm chủ được Đông Dương thì chúng cho phá Thành Hà Nội để xây dựng một trung tâm hành chính của Liên Bang Đông Dương, bao gồm các công trình chủ đạo là Vườn hoa Pugininer (quảng trường), Vòng xoay Pugininer và phủ Toàn quyền. Đến 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ người Việt nắm quyền do Nhật hậu thuẫn đã giành quyền kiểm soát cả khu vực quảng trường. Thị trưởng của Hà Nội lúc bấy giờ là Trần Văn Lai đã nhanh chóng đổi tên toàn bộ các con đường của Hà Nội bằng tên của các nhân vật anh hùng trong lịch sử dân tộc. Và đặc biệt đổi tên vườn hoa Pugininer thành vườn hoa Ba Đình, để tưởng niệm cuộc khởi nghĩa chống Pháp những năm 1886 – 1887 tại Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa của nhân dân ta. Cách mạng tháng tám thành công, quân dân ta giành quyền kiểm soát Hà Nội, ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình, với một khán đài dựng tạm trong vòng 48 giờ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời ra mắt Chính phủ lâm thời với quốc dân. Đánh dấu một kỷ nguyên mới độc lập và tự do của dân tộc sau 80 giời nô lệ dưới sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chính từ sự kiện này người dân Việt Nam đã gọi nơi đây là quảng trường Ba Đình hay quảng trường Độc Lập để tưởng nhớ và ghi dấu một mốc son chói lòa bậc nhất trong lịch sử dân tộc.
Về mặt cấu trúc, quảng trường Ba Đình ngày có chiều dài 320m, rộng 100m, tổng diện tích vào khoảng 3200 mét vuông. Bề mặt được chia thành 210 ô cỏ, với tổng lượng 7 hàng dọc và 30 hàng ngang đều nhau, giữa các hàng được phân chia bằng các lối đi rộng 1,4 m, được lát đá. Bên dưới các ô cỏ được thiết kế một hệ thống ống dẫn nước, cống thoát nước, mạng lọc nước và cấp nước ngầm có liên kết chặt chẽ với nhau, đảm bảo cho các thảm cỏ luôn được xanh tươi, đồng thời phục vụ cho cả các công trình xung quanh quảng trường Ba Đình. Nổi bật ở phía chính giữa quảng trường là một cột cờ cao 25m ngày ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, để khẳng định nền độc lập chủ quyền vững chắc của dân tộc suốt mấy mươi năm sau chiến tranh, đánh dấu một giai đoạn đất nước bình yên lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Bên ngoài quảng trường Ba Đình ngoài các công trình kiến trúc đã có từ khi mới được xây dựng như phủ toàn quyền Pháp, thì ngày hôm nay còn có sự xuất hiện của các công trình quan trọng như phủ Chủ tịch, hội trường Ba Đình và đặc biệt nhất trong trái tim mỗi người dân Việt Nam ấy là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi mà mỗi người con tìm về đều cảm thấy một niềm tự hào, xen lẫn những bùi ngùi xúc động. Bác đã nằm mãi với thủ đô, ngắm nhìn đất nước ngày một cường thịnh và phát triển, trong lăng ấy ngày ngày ta vẫn thấy “một mặt trời trong lăng rất đỏ”…
Ngày nay Quảng trường Ba Đình là một địa điểm quan trọng, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động kỷ niệm, lễ mitting quan trọng của chính phủ. Đồng thời cũng là một trong những địa điểm tham quan, dạo mát cho người dân trong thành phố và cả du khách trong và ngoài nước. Trong quá khứ, nơi này ngoài sự kiện Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, thì cũng còn diễn ra một số sự kiện quan trọng có thể kể đến như ngày 1/1/1955, diễn ra cuộc mít tinh và cuộc duyệt binh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam mừng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về Thủ đô; ngày 9/9/1969, diễn ra lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh về với cực lạc; ngày 2/9/1975, cuộc diễu binh và diễu hành mừng thống nhất đất nước; ngày 10/10/2010, là nơi diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong đó thường xuyên nhất là lễ thượng cờ, chào cờ và hạ cờ được diễn ra hàng ngày, trở thành một biểu tượng, một nghi thức đẹp của thủ đô Hà Nội ngày hôm nay.
Quảng trường Ba Đình với những cảnh quan và quần thể kiến trúc được quy hoạch một cách khoa học và đẹp bậc nhất Hà Nội cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với những đổi thay mạnh mẽ của đất nước, trở thành một trong những địa điểm có giá trị tinh thần quý báu, in sâu vào lòng người dân thủ đô cũng như người dân trên toàn đất Việt. Đồng thời tiếp tục nắm giữ vị trí, vai trò quan trọng là nơi hội tụ, diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước hôm nay và của cả mai sau nữa.
Thuyết minh về quảng trường Ba Đình – Mẫu 2
Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình….”
Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, cũng là quê hương yêu dấu của tôi. Người ta biết tới Hà Nội với những địa danh lịch sử, những danh lam thắng cảnh xinh đẹp như 36 phố phường, hồ Gươm, tháp Bút, chùa Một Cột. Và rất nhiều người tìm về đây để hướng về trái tim của thủ đô – quảng trường Ba Đình lịch sử.
Là người Việt Nam, ai cũng biết đến những mốc lịch sử trọng đại gắn với quảng trường rộng lớn này. Nhưng khi tìm hiểu kĩ hơn về lịch sử lâu đời của nó, thì nơi này vốn là khu vực cửa Tây của thành hà nội cổ. Đầu thời Pháp thuộc, chúng phá thành, làm một vườn hoa nhỏ. Quảng trường khi đó gọi là vườn hoa pugininer. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hóa – nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9 năm 1886 đến tháng 1 năm 1887, vườn hoa được đổi tên thành Quảng trường Ba Đình. Quảng trường Tròn được gọi là Vườn hoa Ba Đình hay gọi là Quảng trường Ba Đình.Từ ngày đó cho đến hôm nay, quảng trường đã chứng kiến những sự kiện trọng đại của Thủ đô Hà Nội và của cả nước, ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng của lịch sử dân tộc.
Trải qua nhiều tháng năm thăng trầm, đi qua những khó khăn, tàn khốc của chiến tranh, quảng trường Ba Đình đến hôm nay đã có ít nhiều thay đổi. Hiện nay, Quảng trường Ba Đình có khuôn viên với chiều dài 320m, rộng 100m, với 240 ô cỏ xanh tươi, mỗi chiều rộng 10,8m, giữa các ô cỏ đều có đường đi lại, rộng 1,4m và được lát bằng những tấm bê tông sỏi nổi. Dưới các thảm cỏ xanh của Quảng trường có các tầng lọc nước, mạng ống và mương ngầm, đi đôi với hệ thống thoát nước, có hệ thống cấp nước. Hệ thống cấp nước phục vụ cho các nhu cầu cần thiết của hệ thống kỹ thuật. Ở trung tâm quảng trường là cột cờ cao 25m, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, đánh dấu chủ quyền của Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam, và cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội.
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất nước ta, tọa lạc trên đường Hùng Vương, quận Ba Đình và là nơi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng. Quảng trường nằm trong Cụm Di tích lịch sử – văn hoá Ba Đình: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, cũng chính là địa danh trung tâm của toàn thủ đô.
Không phải tự nhiên mà người ta gọi quảng trường này là quảng trường Ba Đình lịch sử. Nơi đây là lưu giữ những giá trị lịch sử của thời đại, của quá khứ hào hùng. Cách đây 72 mùa Thu, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, giữa rừng cờ đỏ sao vàng tung bay và hàng triệu đồng bào ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quảng trường Ba Đình trở thành nơi khai sinh ra nước Việt Nam mới. Nó chứng kiến những cuộc mít tinh quan trọng trong lịch sử như: cuộc mít tinh mừng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trở về Thủ đô ngày 1/1/1955; cuộc mít tinh ngày 2/9/1975 mừng thống nhất đất nước và tất cả các buổi mít tinh, diễu binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của Việt Nam ngày nay. Ngày 2/9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, tại Quảng trường Ba Đình, Lễ Truy điệu Người vào ngày 9/9/1969 được cử hành long trọng, quảng trường Ba Đình đã cùng cả đất nước khóc thương, tiễn đưa vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc ta.
Quảng trường Ba Đình là chứng nhân đi cùng năm tháng, âm thầm lặng lẽ khắc ghi, lưu giữ những dấu vết của thời gian, của lịch sử. Nơi đây là trái tim của thủ đô, đồng thời cũng là niềm tự hào lớn nhất của người dân thủ đô nói riêng, toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình (Dàn ý + 2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.