Tháp dinh dưỡng trong tiếng Anh là Food pyramid, 1 mô hình ăn uống với nhiều nhóm thực phẩm. Tìm hiểu chi tiết tháp dinh dưỡng là gì, ý nghĩa của tháp dinh dưỡng qua bài viết.
Dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì vấn đề về dinh dưỡng luôn là một trong những yếu tố quan trọng với sức khỏe của con người. Mô hình tháp dinh dưỡng cho bạn thấy được những nhóm thực phẩm nào cần bổ sung nhiều, nhóm thực phẩm nào nên hạn chế.
Cùng tìm hiểu chi tiết tháp dinh dưỡng là gì, những nhóm thực phẩm của tháp dinh dưỡng qua bài viết sau nhé!
Tháp dinh dưỡng là gì?
Trong tiếng Anh, tháp dinh dưỡng được gọi là Food pyramid, diễn tả một mô hình ăn uống có cấu trúc tương tự như kim tự tháp. Trong mô hình này sẽ được chia thành 5-6 tầng, tương ứng với 5 hay 6 nhóm thực phẩm cần bổ sung mỗi ngày.
Phần đáy sẽ rộng nhất thể hiện cho nhóm thực phẩm cần thiết nhất của cơ thể, khi lên cao sẽ hẹp dần đến phần chóp nhỏ nhất thể hiện cho nhóm thực phẩm nên hạn chế.
Các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu, xây dựng nên mô hình dinh dưỡng nhằm mục đích thiết lập chế độ ăn uống vừa đủ, phù hợp với sự phát triển toàn diện của một người. Do đó, tháp dinh dưỡng có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau từ trẻ đến già.
Các nhóm thực phẩm của tháp dinh dưỡng
Thông thường, tháp dinh dưỡng sẽ có 5-6 tầng, tương ứng với 5-6 nhóm thực phẩm khác nhau gồm: Nhóm tinh bột, nhóm rau củ, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm muối, đường cụ thể:
Nhóm tinh bột
Nhóm tinh bột hay còn gọi là nhóm carbohydrate, đây là nhóm nằm ở đáy tháp nên rất cần thiết nhất đối với cơ thể. Thực phẩm trong nhóm tinh bột không chỉ cung cấp năng lượng mà còn cả vitamin, chất xơ và các khoáng chất khác giúp cơ thể hoạt động, vui chơi, làm việc cả ngày.
Đặc điểm của nhóm này thường ít cholesterol và ít chất béo, trung bình 1 tháng người trưởng thành sẽ tiêu thụ khoảng 12kg thực phẩm trong nhóm tinh bột.
Những thực phẩm giàu tinh bột thường thấy phải kể đến như: Gạo, bắp, khoai, những sản phẩm từ gạo như bún, mì, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt,…
Nhóm rau củ quả
Xếp trên nhóm tinh bột là nhóm rau củ quả, đây cũng là nhóm thực phẩm rất cần thiết đối với sức khỏe, nên cần bổ sung nhiều trong thực đơn hằng ngày.
Bạn có thể nhận được nguồn chất xơ, vitamin, khoáng chất đa dạng từ nhóm thực phẩm này thông qua các loại rau xanh, rau củ tươi, trái cây tươi mà không cần phải chế biến quá nhiều.
Nhóm thực phẩm bổ sung đạm
Nhóm thực phẩm bổ sung đạm (protein) xếp thứ 3 từ dưới lên, nằm trên nhóm rau củ quả và nhóm tinh bột. Bên cạnh việc bổ sung protein là chính thì nhóm này còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin B12, chất kẽm, chất sắt, chất béo tốt,…
Việc bổ sung đủ chất đạm sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, ở độ tuổi nào cũng cần thiết bổ sung chất này. Những thực phẩm giàu đạm như: Thịt, trứng, cá, hải sản, sữa tươi, bơ, phô mai,…
Ngoài nguồn đạm từ động vật, bạn có thể tìm hiểu nguồn đạm từ thực vật sẽ tốt cho sức khỏe hơn như đậu xanh, đậu nành và các sản phẩm từ đậu khác.
Nhóm chất béo
Nhóm chất béo nằm trên nhóm thực phẩm bổ sung đạm và gần đỉnh tháp hơn, do đó đây là nhóm thực phẩm nên hạn chế ăn. Bổ sung chất béo vào cơ thể sẽ đóng vai trò như dung môi để hòa tan các vitamin khác như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K cho cơ thể dễ hấp thụ hơn.
Bạn nên ưu tiên dùng những chất béo làm từ thực vật như dầu olive, dầu đậu nành, dầu gấc,…vì đây là chất béo lành mạnh tốt cho cơ thể hơn. Tuy nhiên, cơ thể không có nhu cầu quá cao về nhóm chất béo, chỉ cần một lượng nhỏ là đủ.
Nhóm muối, đường
Nhóm muối, đường nằm ở phần đỉnh của tháp, thể hiện cho nhóm thực phần cần hạn chế nhất, không tốt cho cơ thể.
Bởi việc bổ sung nhiều muối, đường sẽ dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tiểu đường, sỏi thận, cao huyết áp,...Theo đó, khuyến cáo của nhiều chuyên gia cho biết một tháng chỉ nên tiêu thụ khoảng 500g đường là tối đa để tốt cho cơ thể.
Ý nghĩa của tháp dinh dưỡng
Việc xây dựng một chế độ ăn uống, thói quen ăn uống lành mạnh và cân bằng dinh dưỡng là điều mà nhiều người luôn muốn hướng tới. Khi hiểu rõ được về tháp dinh dưỡng và dựa vào đó sẽ giúp cung cấp cho bạn những thông tin đâu là nhóm thực phẩm nên lựa chọn và nên hạn chế ăn.
Nhờ vậy mà tháp dinh dưỡng sẽ giúp bạn định hướng đưa ra một bữa ăn hợp lý, lành mạnh hơn, đảm bảo tốt cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Tháp dinh dưỡng cũng rất dễ hình dung, đơn giản với các hình ảnhvà thông tin lượng thực phẩm tiêu thụ cần thiết được thể hiện rõ, từ đó dễ tiếp cận với chúng ta hơn.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tháp dinh dưỡng cùng các nhóm thực phẩm trong tháp. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn!
Nguồn: Vinmec.com
Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn