Trong một số trường hợp, dị ứng cấp tính có thể dẫn đến sốc phản vệ. Đây là tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ cao gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn sốc phản vệ là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi bị sốc phản vệ.
Sốc phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau khi dùng thuốc, truyền dịch, bị ong đốt hay ăn thức ăn lạ. Sốc phản vệ không những chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người lớn. Hãy cùng Bách Hóa Xanh tìm hiểu kỹ về tình trạng này nhé!
Tham khảo thêm: Các tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine Covid-19
Sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ là hiện tượng dị ứng cấp tính nặng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp tới tính mạng của bệnh nhân.
Sốc phản vệ là tình trạng một số chất hóa học được giải phóng bởi hệ miễn dịch trong phản vệ, xuất hiện hiện tượng giãn mạch đột ngột, thành mạch tăng tính thẩm thấu và phế quản nhạy cảm quá mức khiến bạn bị sốc. Sốc do tiêm kháng sinh penicillin là loại sốc phản vệ hay gặp nhất.
Nguyên nhân gây ra sốc phản vệ
Sốc phản vệ do thuốc
Tất cả mọi loại thuốc và tất cả các đường dùng thuốc đều có thể gây ra sốc phản vệ ở những cơ thể nhạy cảm, trong đó gặp nhiều nhất là các loại kháng sinh (đặc biệt kháng sinh nhóm penicillin), các thuốc chống viêm không steroid, các thuốc cản quang, thuốc gây tê, gây mê, vitamin C, các loại dịch truyền và chế phẩm máu.
Các nguyên nhân khác gây sốc phản vệ
– Các loại thức ăn có thể sốc phản vệ như: Cá thu, cá ngừ, xôi gấc, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, nhộng, dứa, khoai tây, đậu nành, chất phụ gia v.v…
– Côn trùng: Nọc độc do ong đốt, rắn, nhện, bọ cạp cắn.
Các dấu hiệu nhận biết khi bị sốc phản vệ
Ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc muộn hơn, xuất hiện cảm giác khác thường (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi…), tiếp đó có các biểu hiện sau:
– Cơ thể xuất hiện mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke.
– Mạch trở nên nhanh khó bắt, huyết áp tụt.
– Khó thở, nghẹt thở, đau bụng quằn quại.
– Đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê, thậm chí cơ thể bị co giật, giẫy giụa.
Cách xử lý và phòng tránh khi bị sốc phản vệ để không gây quá nhiều nguy hiểm
Người bệnh bị sốc phản vệ cần phải được cấp cứu càng sớm càng tốt. Vi thế, trong trường hợp thấy ai đó bị phản ứng dị ứng hoặc có các biểu hiện giống với sốc phản vệ nhưng không chắc chắn, bạn vẫn nên gọi 115 hoặc liên hệ tới trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Trong thời gian chờ đợi y bác sĩ cấp cứu hãy thực hiện các thao tác sau:
– Đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu
– Nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bệnh
Nếu người bệnh bị nôn hay chảy máu từ miệng, hãy lật người bệnh nằm nghiêng để phòng sặc
– Nói chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào trạng thái hôn mê
Nếu bệnh nhân ngưng thở hãy bắt đầu hồi sức tim phổi bằng ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân
– Để tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, điển hình là hiện tượng sốc phản vệ. Bạn nên chuẩn bị cho mình một số kiến thức phòng ngừa như sau:
Đối với các loại thức ăn: không nên sử dụng những món ăn chứa các loại thực phẩm quá mẫn đối với cơ thể.
Nếu các biểu hiện chỉ với cấp độ nhẹ, bạn không nên quá lo lắng mà hãy để cho cơ thể tự đào thải yếu tố dị nguyên. Với trường hợp trung bình và nặng, bạn cần đến và xử trí ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Đối với các loại thuốc hay vaccine: bạn nên trao đổi thông tin kỹ càng và trung thực đối với nhân viên y tế để được lựa chọn các loại vaccine, cũng như phác đồ điều trị thích hợp để tránh gây tình trạng dị ứng hoặc sốc thuốc.
– Giữ mình tránh xa các loại côn trùng có nọc độc. Trong trường hợp do tính chất công việc, bạn nên trang bị cho mình những phương tiện bảo hộ cần thiết (mũ, áo quần dài, ủng, găng tay,…), đảm bảo chất liệu vải dày và kín đáo để bảo vệ cơ thể.
Các mức độ sốc phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19
Phản ứng phản vệ thường xảy ra rất sớm, sau vài phút đến 1 – 2 giờ sau tiêm (hoặc tiếp xúc dị nguyên: Uống, ăn, hít ngửi, thậm chí quệt chạm phải…). Số ít trường hợp xảy ra muộn hơn, sau một vài ngày.
Quan trọng nhất trong xử trí phản vệ là phải chẩn đoán sớm và xử trí đúng. Bệnh nhân gặp phản ứng phản vệ hầu như không thể tử vong, nếu được chẩn đoán ngay từ đầu và xử trí chính xác.
Để biết thế nào là phản vệ, cần nhận biết về triệu chứng và diễn biến của tình trạng này. Phản vệ cũng chia thành 4 độ:
- Độ I: Nổi ban đỏ từng điểm, từng đám, rồi lan rộng, phù mí mắt, phù mặt…
- Độ II: Xuất hiện thêm khó thở, thở rít, hoặc đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần.
- Độ III: Tiếp tục xuất hiện tình trạng huyết áp tăng (> 140/90mmHg) hoặc tụt (<90/60 mmHg), hoặc rối loạn ý thức (lơ mơ, nói sảng, vật vã…)
- Độ IV: Mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở.
Hy vọng bài viết trên giúp bạn hình dung rõ hơn về mức độ của sốc phản vệ và cách phòng tránh cũng như cách xử lý khi gặp trường hợp bị sốc phản vệ. Các bạn hãy cố gắng bảo vệ sức khỏe nha!
Nguồn: Vinmec
Kinh nghiệm hay Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn