Bạn đang xem bài viết Soạn bài Kể lại một truyện cổ tích bằng lời một nhân vật – Kết nối tri thức 6 Ngữ văn lớp 6 trang 46 sách Kết nối tri thức tập 2 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Nhằm giúp học sinh chuẩn bị bài một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất, Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn xin cung cấp tài liệu học tập Soạn văn 6: Kể lại một truyện cổ tích bằng lời một nhân vật, thuộc sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 2.
Các bạn học sinh lớp 6 có thể tham khảo tài liệu. Nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.
Soạn bài Kể lại một truyện cổ tích bằng lời một nhân vật
1. Trước khi nói
a. Chuẩn bị nội dung nói
– Mục đích nói: Kể lại một truyện cổ tích bằng lời của một nhân vật trong truyện, giúp người nghe hiểu được cốt truyện và nhân vật mà em đóng vai.
– Người nghe: Thầy cô, bạn bè và những người quan tâm đến câu chuyện em kể.
– Lưu ý: Em cần đọc lại nhiều lần bài viết đã có của mình, tóm tắt thành đề cương, đánh dấu những chi tiết, sự kiện quan trọng không thể bỏ qua.
b. Tập luyện
– Để kể tốt câu chuyện, em có thể tập luyện một mình hoặc cùng bạn bè, người thân. Tập kể như em đang kể chuyện thực sự trước lớp. Thử nhiều cách khác nhau để tìm ra cách trình bày tốt nhất. Tập luyện nhiều giúp em tự tin hơn. Em có thể lựa chọn một trong hai hình thức hoặc kết hợp cả hai:
- Tập luyện một mình trước khi kể trên lớp.
- Tập luyện trước nhóm bạn hoặc người thân và nhờ họ nhận xét, góp ý để hoàn thiện bài nói.
– Một số lưu ý khi tập luyện: xác định giọng kể khi đóng vai nhân vật (thân mật, hồi tưởng, nghiêm nghị, sôi nổi…); lựa chọn thêm các phương tiện hỗ trợ nếu cần thiết (bản nhạc, tranh ảnh, bản trình chiếu…); nắm chắc cốt truyện, sự kiện, chi tiết hay đối thoại; nhập vai (lên giọng, xuống giọng…).
2. Trình bày bài nói
– Tùy theo nhân vật sẽ đóng vai, nội dung câu chuyện sẽ có cách trình bày phù hợp.
– Cố gắng đóng vai nhân vật mà em lựa chọn, sử dụng hiệu quả ngôn ngữ cơ thể (điệu bộ, cử chỉ, nét mặt…) để câu chuyện được kể thêm sinh động, hấp dẫn. Tăng cường tương tác để lôi cuốn người nghe.
– Giọng kể cần thay đổi linh hoạt cho phù hợp với lời người kể chuyện và lời của mỗi nhân vật, nội dung cần tập trung vào những sự việc, chi tiết độc đáo, thú vị, tránh cách kể đều đều, gây cảm giác buồn tẻ.
3. Sau khi nói
– Người nghe: Trao đổi lại với người nói về nội dung và cách trình bày câu chuyện. Nhận xét về bài kể (nội dung, hình thức kể chuyện) và đề xuất cách giải quyết theo hướng: Nếu là người nói, em sẽ kể những gì và kể như thế nào?
– Người nghe: Giải thích thêm về ý tưởng, cách tổ chức cốt truyện, cách đóng vai hoặc cách kể lại câu chuyện của bản thân; nêu ý tưởng cách thức mới sau khi được nghe góp ý. Trao đổi lại với các ý kiến nhận xét của người nghe.
* Hướng dẫn bài nói:
Mẫu 1
Lời giới thiệu: Xin kính chào thầy cô và các bạn, sau đây, tôi sẽ kể đóng vai nhân vật Cám để kể lại truyện Tấm Cám.
Tôi và Tấm là hai chị em cùng cha khác mẹ. Chúng tôi sống trong một gia đình khá giả. Cha mất sớm, cả hai ở với mẹ của tôi. Trong nhà, chị Tấm phải làm hết mọi việc nặng nhọc từ việc nhà đến việc đồng áng. Còn tôi thì không phải làm việc gì cả.
Một hôm, mẹ đưa cho hai chị em mỗi người một cái giỏ và bảo ra đồng bắt con tôm cái tép, hứa rằng:
– Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ.
Chị Tấm nhờ mò cua bắt ốc đã quen nên chỉ một buổi là được đầy giỏ vừa cá vừa tép. Còn tôi thì mải chơi, đến cuối buổi vẫn chưa bắt được gì. Tôi nhanh trí, liền bảo với chị Tấm:
– Chị Tấm ơi chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.
Chị Tấm tin lời tôi ngay, bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Thừa dịp đó, tôi liền trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng về trước để nhận chiếc yếm đào. Tấm trở về nhà thì bị mẹ tôi mắng cho một trận.
Từ hôm ấy trở đi, cứ sau bữa ăn, tôi lại thấy chị ta để dành một phần cơm. Thấy kì lại, tôi bèn rình xem thì phát hiện ra Tấm đang nuôi một con cá bống. Mỗi lần nghe lời Tấm gọi, bống lại ngoi lên mặt nước đớp những hạt cơm được ném xuống. Tôi liền mách mẹ ngay. Biết chuyện, tối hôm ấy, mẹ tôi gọi Tấm lại rồi bảo chị ta sáng mai dậy sớm đi chăn trâu, và dặn rằng:
– Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.
Chị Tấm không chút nghi ngờ, sáng hôm sau đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà mẹ con tôi liền ra giếng, gọi y hệt lời chị Tấm. Cá bống hiện lên thật, tôi và mẹ liền bắt lấy nó rồi đem giết thịt.
Ít lâu sau, nhà vua mở hội luôn mấy đêm ngày. Già trẻ trai gái các làng đều nô nức đi xem. Hai mẹ con con tôi cũng sắm sửa quần áo đẹp để đi trẩy hội. Thấy Tấm cũng muốn đi, mẹ tôi liền lấy một thúng gạo và một thúng thóc với nhau, rồi bảo chị:
– Con hãy nhặt cho xong chỗ gạo này rồi có đi đâu hãy đi, đừng có bỏ dở, về không có gì để thổi cơm dì đánh đó.
Kỳ lạ là ngày hôm đó, tôi nhìn thấy một người rất giống chị Tấm ở lễ hội. Nhưng khi trở về thì vẫn thấy chị ta ở nhà, công việc mẹ giao cũng đã xong.
Một thời gian sau, nhà vua hạ lệnh cho rao mời tất cả đám đàn bà con gái đi xem hội đến ướm thử giày. Và hễ ai đi vừa chiếc giày thì vua sẽ lấy làm vợ. Tôi cũng đếm thử nhưng không vừa. Nhìn thấy chhị Tấm từ xa, tôi liền nói với mẹ:
– Mẹ ơi, hình như chị Tấm nhà ta cũng đến thử giày đấy!
Mẹ tôi liền bĩu môi, nói:
– Chuông khánh còn chẳng ăn ai. Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre.
Nhưng khi chị Tấm đặt chân vào giày thì vừa như in. Chị ta còn lấy ra một chiếc giày khác giống y hệt. Thế rồi, chị Tấm được vua đón vào cung làm hoàng hậu.
Tuy sống trong hoàng cung, chị Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Khi chị ta về sửa soạn đám giỗ, mẹ tôi liền bảo:
– Trước đây con quen trèo cau, con hãy trèo xé lấy một buồng để cúng bố.
Chị Tấm vâng lời mẹ tôi, trèo lên cây. Thấy cây rung chuyển liền hỏi:
– Dì làm gì dưới gốc thế?
– Gốc cau lắm kiến, dì đuổi kiến cho nó khỏi lên đốt con.
Chị Tấm chưa kịp xé cau thì cây đã đổ, chị ta ngã lộn cổ xuống ao và chết. Mẹ liền đưa tôi vào hoàng cung để thay cho chị Tấm.
Một hôm, tôi đang ngồi giặt áo cho vua ở giếng, thì có con chim vàng anh ở đâu bay đến, dừng lại trên một cành cây, kêu lên:
– Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.
Sau đó, chim vàng anh bay thẳng vào cung điện đậu ở cửa sổ, hót lên rất vui tai. Vua đi đâu, chim bay đến đó. Nhà vua yêu quý vàng anh quên cả ăn ngủ. Tôi liền về nhà mách mẹ. Mẹ tôi bảo cứ bắt chim làm thịt ăn rồi kiếm điều nói dối vua. Trở lại cung vua, tôi nhân lúc vua đi vắng, bắt chim làm thịt ăn, rồi vứt lông chim ở ngoài vườn. Thấy mất vàng anh, vua hỏi, tôi trả lời rằng:
– Thiếp có mang thèm ăn thịt chim nên trộm phép bệ hạ đã giết thịt ăn mất rồi.
Nhà vua không nói gì cả. Thật kì lạ là ở chỗ lông chim vàng anh mọc lên một cây xoan đào, cành lá xum xuê, tỏa bóng mát. Vua sai người mắc võng, ngày ngày nằm ở đó nghỉ ngơi. Tôi thấy vậy thì tức lắm, sai thợ chặt cây làm khung cửi. Khi vua hỏi, tôi lại nói dối:
– Cây bị đổ vì bão, thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.
Khung cửi đóng xong, tôi vừa ngồi dệt vào dệt thì nghe thấy tiếng kêu:
“Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra”
Tôi sợ hãi lắm, liền về nhà mách mẹ. Mẹ khuyên tôi đốt quách khung cửi rồi đem tro đi đổ cho rõ xa để được yên tâm. Tôi làm theo, đem đốt khung cửi rồi đổ tro ra thật xa hoàng cung.
Nhà vua có việc phải đi xa, khi trở về thì cùng với chị Tấm. Thấy chị ta không chết, lại còn xinh đẹp hơn xưa, tôi lấy làm sợ hãi lắm. Một hôm, tôi liền đến hỏi chị:
– Chị Tấm ơi chị Tấm, sao chị càng ngày càng đẹp thế?
Chị không trả lời mà chỉ hỏi lại tôi:
– Có muốn đẹp như vậy không để chị giúp?
Tôi bằng lòng ngay, rồi làm theo lời chị Tấm. Cuối cùng tôi đã phải nhận lấy hậu quả là cái chết đầy đau đớn.
Lời kết thúc: Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe, tôi rất mong nhận được sự đóng góp của thầy cô và các bạn.
Mẫu 2
Lời giới thiệu: Xin kính chào thầy cô và các bạn, sau đây, tôi sẽ kể đóng vai nhân vật Lí Thông để kể lại chuyện Thạch Sanh.
Tôi tên là Lí Thông, vốn làm nghề bán rượu. Một lần nọ, tôi đi ngang qua gốc đa, thì nhìn thấy một chàng trai đang gánh bó củi lớn về. Thấy anh ta có sức khỏe, tôi mới lân la gợi chuyện, biết được anh chàng tên là Thạch Sanh, tứ cố vô thân. Tôi liền đề nghị kết nghĩa anh em. Thạch Sanh liền đồng ý, rồi dọn về ở cùng mẹ con tôi. Từ ngày có Thạch Sanh về sống cùng, giúp đỡ nhiều việc nặng nhọc, nên mẹ con tôi sống sung sướng hơn.
Bấy giờ, trong vùng có một con chằn tinh hung dữ, nó bắt dân làng mỗi năm phải nộp cho một mạng người. Năm ấy đến lượt nhà tôi phải nộp mạng. Tôi sợ lắm, nghĩ cách để lừa Thạch Sanh đi thay. Đến khi Thạch Sanh về nhà, tôi bèn dọn một mâm rượu thịt mời ăn, rồi bảo:
– Đêm nay đến lượt anh đi canh miếu thờ, ngặt nỗi anh còn mẻ rượu chưa cất xong, vậy em chịu khó đi thay cho anh một đêm, đến sáng lại về.
Thạch Sanh chẳng có chút nghi ngờ mà đồng ý đi ngay. Còn tôi thì sung sướng vì đã thoát được kiếp nạn. Nửa đêm hôm ấy, tôi đang nằm ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa. Nghĩ là oan hồn Thạch Sanh về đòi mạng, mẹ con tôi liền van xin khẩn thiết. Thạch Sanh liền nói:
– Anh Lí Thông ơi, em là Thạch Sanh đây!
Nghe vậy, tôi mới bĩnh tĩnh lại. Tôi liền ra mở cửa thì đúng là Thạch Sanh. Hắn kể lại mọi chuyện cho tôi. Tôi liền bảo với Thạch Sanh:
– Đó là con vật nuôi của vua, giết nó là mang tội. Thôi bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn ngay đi.
Thạch Sanh không mảy may nghi ngờ, liền trốn đi. Tôi nhân cơ hội đó đem đầu con chằn tinh vào dâng vua. Nhà vua khen ngợi, còn ban thưởng cho tôi, còn phong cho làm Quận công.
Lại nói khi đó, công chúa đã đến tuổi lấy chồng. Trong ngày kén rể, công chúa bị một con đại bàng khổng lồ quắp đi. Nhà vua lo lắng sai tôi đi tìm công chúa, hứa sẽ gả công chúa cho. Nhiều ngày qua mà vẫn không có tin tức. Tôi liền truyền cho dân mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng tin tức. Trong lễ hội, tôi gặp lại Thạch Sanh. Tôi kể cho hắn nghe về việc đang đi tìm công chúa.
Thạch Sanh kể cho tôi nghe về hang của đại bàng, rồi đề nghị được đi cùng. Tôi đồng ý ngay. Đến hang Thạch Sanh xin xuống trước. Chàng đánh nhau với đại bàng, thì cứu được công chúa. Nhưng tôi đã ra lệnh cho quân sĩ vần đá lớn lấp kín cửa hang lại, rồi kéo nhau về.
Nhưng từ khi trở về, công chúa sau khi cứu thoát, trở về cũng thì bỗng không nói, không cười. Ngự y trong triều đều phải bó tay. Nhà vua đành phải cho hoãn đám cưới lại. Một hôm, tôi đang ngồi trong phủ thì được nhà vua gọi đến yết kiến. Đến khi vào cung, tôi nhìn thấy Thạch Sanh. Hắn ta đang kể lại cho nhà vua nghe mọi chuyện. Vua tức giận lắm, ra lệnh cho Thạch Sanh toàn quyền xử tội tôi. Nể tình xưa, Thạch Sanh tha cho chúng tôi được trở về quê cũ.
Nhưng trên đường về quê, mẹ con tôi bị sét đánh trúng, hóa kiếp thành bọ hung. Bởi vậy mà giờ đây, tôi cảm thấy vô cùng hối hận về lỗi lầm của mình.
Lời kết thúc: Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe, tôi rất mong nhận được sự đóng góp của thầy cô và các bạn.
Mẫu 3
Lời giới thiệu: Xin kính chào thầy cô và các bạn, sau đây, tôi sẽ kể đóng vai nhân vật em bé trong truyện Em bé thông minh.
Một buổi trưa nọ, tôi và cha đang phải cày ruộng. Bất chợt, tôi thấy một người đàn ông ăn mặc sang trọng cưỡi ngựa đến, có lẽ là quan của nhà vua, ông bèn hỏi cha tôi:
– Này ông kia, trâu này một ngày cày được bao nhiêu đường?
Cha tôi nghe xong thì ngớ người. Tôi nghĩ bụng, ai đời lại đi hỏi câu kì lạ như vậy, chắc chắn là muốn trêu người khác rồi, tôi liền hỏi lại:
– Vậy xin quan trả lời con ngựa kia một ngày đi được bao nhiêu bước,thì tôi sẽ nói cho quan biết con trâu đi được bao nhiêu đường?
Quan lúng túng không biết trả lời, rồi quan bỗng hỏi tên hai cha con, tôi cũng không nghĩ nhiều mà khai báo.
Mấy tuần sau, làng tôi nhận được chiếu vua, vua ban cho làng ba thúng gạo nếp và ba con trâu đực, năm sau làng phải nuôi cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, thiếu con nào thì sẽ bị phạt. Mọi người đều biết chuyến này lành ít dữ nhiều, được vua quan tâm thì tốt nhưng ai lại làm được trâu đực đẻ con? Cái khó ló cái khôn, tôi chợt nảy ra một kế. Tôi nói với cha:
– Cha cứ bảo cả làng lấy hai con trâu và hai thúng gạo mà ăn, còn lại thì bán đi để hai cha con ta lên kinh thành.
Cha và mọi người lúc đầu còn lo lắng nhưng nghe tôi trấn an, còn làm giấy cam đoan với làng thì yên tâm hơn.
Lên đến kinh vua, nhân lúc lính canh không để ý, tôi lẻn vào sân rồng khóc ầm lên làm nhà vua đang chầu triều phải dừng lại, điệu tôi vào trong. Vua hỏi:
– Thằng bé kia, tại sao lại đến đây mà khóc?
Tôi mới ấm ức phân bua:
– Mẹ con chết sớm mà cha không chịu đẻ em bé cho con chơi, con buồn lắm. Kính vua ra lệnh bắt cha con phải đẻ em bé cho con…
Cả triều đình cười rộ lên, vua tủm tỉm giải thích:
– Cha mày là giống đực, làm sao mà đẻ con được?
Tôi nhanh nhảu đáp lại:
– Vậy sao vua lại bắt làng con làm trâu đực đẻ con?
Vua nhớ ra, cười nói:
– Cái đấy là thử, làng ngươi phải biết thịt trâu mà ăn chứ!
– Làng chúng con nhận được trâu và gạo liền biết đó là lộc vua ban đã làm cỗ ăn mừng rồi.
Hôm sau, tôi và cha đang ăn cơm, bỗng có người của vua mang một con chim sẻ bắt tôi phải dọn ba mâm cỗ, tôi biết ngài là vua lại thử mình liền đưa cho anh lính cây kim nhờ vua rèn thành một con dao để xẻ thịt chim. Cha con tôi được ban thưởng hậu hĩnh.
Một hôm, tôi đang ở nhà chơi với bạn, có sứ thần mang một cái vỏ ốc rất dài bị rỗng hai đầu, ông nhờ tôi dùng sợi chỉ mảnh xuyên qua vỏ ốc. Tôi liền hát:
“Tang tính tang! Tính tình tang!
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng,
Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang
Tang tình tang…”
Mãi về sau khi đã thành trạng nguyên, tôi mới hiểu được, sự nhanh trí lần đó của mình đã cứu nước khỏi giặc ngoại xâm.
Lời kết thúc: Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe, tôi rất mong nhận được sự đóng góp của thầy cô và các bạn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Kể lại một truyện cổ tích bằng lời một nhân vật – Kết nối tri thức 6 Ngữ văn lớp 6 trang 46 sách Kết nối tri thức tập 2 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.