Bạn đang xem bài viết Soạn bài Ca Huế trên sông Hương Soạn văn 7 tập 2 bài 28 (trang 99) tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn sẽ giới thiệu tài liệu Soạn văn 7: Ca Huế trên sông Hương, nhằm giúp cho quá trình chuẩn bị bài diễn ra nhanh chóng.
Mời các bạn học sinh lớp 7 tham khảo tài liệu với nội dung chi tiết được giới thiệu ngay sau đây.
Soạn văn Ca Huế trên sông Hương chi tiết
I. Tác giả
– Bài viết “Ca Huế trên sông Hương” do Hà Ánh Minh sáng tác.
II. Tác phẩm
1. Xuất xứ
Tác phẩm được đăng trên báo “Người Hà Nội”.
2. Bố cục
Gồm 2 phần:
– Phần 1: Từ đầu đến “lý hoài nam”: Vẻ đẹp của làn điệu dân ca Huế.
– Phần 2. Còn lại. Đêm ca Huế trên sông Hương.
3. Tóm tắt
Xứ Huế vốn nổi tiếng với các điệu hò. Mỗi câu hò dù ngắn hay dài đều gửi gắm những tâm tình, tình cảm trọn vẹn. Ngoài ra, hò Huế còn thể hiện lòng khao khát, nỗi mong chờ hoài vọng tha thiết. Vào ban đêm, các lữ khách chèo thuyền rồng đi lại trên sông Hương nghe những câu hò quả là một thú vui. Ca Huế được hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình, thể hiện qua hai dòng điệu Bắc và điệu Nam. Ca Huế là thú vui tao nhã, đầy sức quyến rũ. Còn người con gái Huế nội tâm lại thật phong phú và âm thầm, kín đáo.
Xem thêm Tóm tắt bài Ca Huế trên sông Hương
III. Đọc – Hiểu văn bản
1. Vẻ đẹp và nguồn gốc của ca Huế
a. Vẻ đẹp của ca Huế
– Xứ Huế vốn nổi tiếng với các điệu hò: hò khi đánh cá trên sông ngòi, biển cả; hò lúc cấy cày, gặt hái, trồng cây, chăn tằm, chèo cạn, bài thai; hò đưa linh buồn bã; hò giã gạo, giã vôi, giã điệp, bài chòi, bài tiệm; hò lơ, hò ô, xay lúa, hò nện… gần gũi với dân ca Nghệ Tĩnh.
– Ngoài ra còn có các điệu lý như: lý con sáo, lí hoài xuân, lí hoài nam.
– Trong khoang thuyền dàn nhạc gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà, nhị, đàn tam, có đàn bầu, sáo và cặp sanh để gõ nhịp.
– Bốn nhạc khúc lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương, trầm bổng, réo rắt, các ngón đàn trau chuốt. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.
– Những khúc điệu Nam nghe buồn man mác, thương cảm, bi ai, vương vấn như: nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân. Cũng có bản nhạc mang âm hưởng điệu Bắc phá phách điệu Nam không vui, không buồn,…
– Mỗi câu hò Huế dù ngắn hay dài đều được gửi gắm một ý tình trọn vẹn. Từ ngữ địa phương được dùng nhuần nhuyễn và phổ biến, nhất là trong các câu hò đối đáp tri thức, ngôn ngữ được thể hiện thật tài ba, phong phú.
– Hò Huế thể hiện lòng khao khát, nỗi mong chờ hoài vọng thiết tha của tâm hồn Huế.
– Thể điệu ca Huế có sôi nổi tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán. Lời ca thong thả, trang trọng, trong sáng gợi lên tình người, tình đất nước, trai hiền gái lịch.
=> Ca Huế có những giá trị nổi bật là sự phong phú, đa dạng về làn điệu nhạc cụ, nhạc khúc và sâu sắc, thấm thía về tình cảm.
– Ca Huế mang những nét đặc trưng của đất và người xứ Huế.
b. Nguồn gốc của ca Huế
– Ca Huế được hình thành từ sự kết hợp giữa ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình. Sự kết hợp giữa ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình đem lại cho ca Huế nét đặc sắc riêng thể hiện ở nội dung và hình thức, trong cách biểu diễn của ca nhi, nhạc công và trang phục…
– Đặc điểm nổi bật của ca nhạc dân gian là các làn điệu dân ca, những điệu hò, điệu lý thường phản ánh sinh động các cung bậc tình cảm vui buồn của con người. Còn nhạc cung đình là nhạc dùng trong những buổi lễ tôn nghiêm của vua chúa hoặc nơi tông miếu thiêng liêng nên thường có sắc thái trang trọng, uy nghi.
2. Cảnh ca Huế trên sông Hương
* Khung cảnh thiên nhiên:
– Đêm. Thành phố lên đèn như sao sa. Màn sương dày dần lên, cảnh vật mờ đi trong một màu trắng đục.
– Trăng lên. Gió mơn man dìu dịu. Dòng sông trăng gợn sóng.
– Đêm đã về khuya. Xa xa bờ bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng.
=> Khung cảnh thiên nhiên mộng mơ, huyền ảo.
* Khung cảnh trên thuyền:
– Trong khoang thuyền, dàn nhạc gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà, nhị, đàn tam. Các ca công mặc áo dài, đội khăn xếp, khăn đóng.
– Các ca nhi cất lên những khúc điệu Nam nghe buồn man mác thương cảm, bi ai, vương vấn…
– Bừng lên những âm thanh của đàn hoà tấu, du dương, trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế… các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả…
– Tiếng gà gáy bên làng Thọ Cương, cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ gọi năm canh.
=> Tác giả sử dụng nghệ thuật so sánh, liệt kê, các động từ, tính từ, hình ảnh để vẽ lên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình và nét sinh hoạt văn hoá thanh lịch, tinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc của xứ Huế.
Tổng kết:
- Nội dung: Ca Huế là một hình thức sinh hoạt văn hóa – âm nhạc thanh lịch và tao nhã, một sản phẩm tinh thần đáng trân trọng và bảo tồn.
- Nghệ thuật: hình ảnh thiên nhiên gần gũi, giọng văn nhẹ nhàng sâu lắng…
Soạn văn Ca Huế trên sông Hương ngắn gọn
I. Trả lời câu hỏi
Câu 1.Trước khi đọc bài này, em đã biết gì về cố đô Huế? Hãy nêu một vài đặc điểm tiêu biểu của xứ Huế mà em biết
Một vài đặc điểm tiêu biểu của xứ Huế:
- Huế là cố đô cũ của vương triều Tây Sơn, triều Nguyễn.
- Huế có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng: Đại Nội, lăng tẩm các vua Nguyễn.
- Huế còn nổi tiếng với những giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo mà ca Huế là một trong số đó.
=> Thành phố mang vẻ đẹp trầm buồn nhưng thơ mộng.
Câu 2. Hãy thống kê tên các làn điệu dân ca Huế và tên những dụng cụ âm nhạc được nhắc tới trong bài văn, để thấy sự đa dạng phong phú của hình thức ca Huế trên sông Hương.
– Các làn điệu dân ca: chèo cạn, bài thai, đưa linh, giã gạo, ru em, giã vôi, giã điệp, bài chòi, bài tiệm, bài vung, hò xay, hò nện…
– Các điệu hát: lý con sáo, lý hoài xuân, lí hoài nam, nam ai, nam bình, tương tư khúc, hành vân, tứ đại cảnh.
– Nhạc cụ âm nhạc: đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, đàn tam, đàn bầu, sáo, cặp sanh.
Câu 3. Sau khi đọc bài văn trên, em biết thêm gì về vùng đất này?
– Có thêm nhiều kiến thức về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.
– Huế nổi tiếng bởi các làn điệu dân ca và âm nhạc cung đình và nhạc cụ.
– Nghe ca Huế trên thuyền rồng sông Hương là nét lãng mạn, thơ mộng.
Câu 4. Hãy tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau:
a. Ca Huế được hình thành từ đâu?
b. Tại sao các điệu ca Huế được nhắc tới trong bài văn vừa sôi nổi, tươi vui, vừa trang trọng, uy nghi?
c. Tại sao có thể nói nghe ca Huế là một thú tao nhã?
Gợi ý:
a. Ca Huế hình thành từ nhạc dân gian và nhạc cung đình.
b. Các làn điệu ca Huế sôi nổi, tươi vui vì có nguồn gốc từ nhạc dân gian, còn sang trọng, uy nghi ảnh hưởng từ nhạc cung đình.
c. Nghe ca Huế là một thú vui tao nhã vì:
- Ca Huế làm giàu tâm hồn con người, hướng đến những vẻ đẹp của tình người xứ Huế.
- Ca Huế vừa sang trọng vừa duyên dáng từ nội dung đến hình thức, từ cách biểu diễn đến hình thức, từ ca công đến nhạc công, từ giọng ca đến cách trang điểm, ăn mặc.
- Ca Huế là một nét đẹp trong bản sắc xứ Huế, là điệu tâm hồn của người Huế.
II. Luyện tập
Địa phương nơi em đang sinh sống có những làn điệu dân ca nào? Hãy kể tên các làn điệu ấy. Tập một vài làn điệu chuẩn bị cho Chương trình địa phương (phần Văn và Tập làm văn) cuối năm.
Gợi ý:
Một số làn điệu dân ca nổi tiếng ở các địa phương như:
- Dân ca Quan Họ: Ba mươi sáu thứ chim.
- Dân ca Phú Thọ: Đố hoa
- Dân ca Quan Họ Bắc Ninh: Bèo dạt mây trôi, Hoa thơm bướm lượn.
- Dân ca Phú Thọ: Bà Rí (hát ghẹo).
- Dân ca Bắc Bộ: Cây trúc xinh, Cò lả, Qua cầu gió bay.
- Dân ca Thanh Hoá: Đi cấy.
- Dân ca Nghệ An: Ví dặm.
- Dân ca miền Trung: Lý ngựa ô Huế.
- Dân ca Quảng Nam: Lý thương nhau, Hò ba lý.
- Dân ca Nam Bộ: Lý cây bông, Lý con sáo, Bắc kim thang, Lý chim quyên, Lý ngựa ô, Lý quạ kêu…
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Ca Huế trên sông Hương Soạn văn 7 tập 2 bài 28 (trang 99) tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.