Bạn đang xem bài viết Soạn bài Bầy chim chìa vôi – Kết nối tri thức 7 Ngữ văn lớp 7 trang 11 sách Kết nối tri thức tập 1 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Truyện Bầy chim chìa vôi của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đem đến nhiều bài học giá trị. Hôm nay, Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 7: Bầy chim chìa vôi.
Các bạn học sinh lớp 7 hãy cùng tham khảo nội dung chi tiết của tài liệu sẽ được chúng tôi đăng tải ngay dưới đây.
Tri thức Ngữ văn
Đề tài và chi tiết
– Đề tài là phạm vi đời sống được thể hiện trong tác phẩm văn học. Để xác định được đề tài, có thể xác định đề tài có thể dựa vào loại sự kiện được miêu tả (chiến tranh, trinh thám, phiêu lưu…), không gian được tái hiện (miền núi, nông thôn, thành thị…), loại nhân vật được đặt ở vị trí trung tâm của tác phẩm (trẻ em, nông dân, người lính…). Một tác phẩm sẽ có nhiều đề tài, trong đó có một đề tài chính.
– Chi tiết là yếu tố nhỏ nhất tạo nên thế giới hình tượng (thiên nhiên, con người, sự kiện…) nhưng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đem lại sự sinh động, lôi cuốn cho tác phẩm văn học.
Tính cánh nhân vật
Tính cách nhân vật là những đặc điểm riêng tương đối ổn định của nhân vật được bộc lộ qua mọi hành động, cách ứng xử, suy nghĩ… Tính cách nhân vật còn được thể hiện qua mối quan hệ, qua lời kể và suy nghĩ của nhân vật khác.
Văn bản tóm tắt
Văn bản tóm tắt là một dạng rút gọn của văn bản gốc (có thể do tác giả của văn bản gốc hay người đọc thực hiện) tuy có dung lượng nhỏ nhưng vẫn phản ánh trung thành nội dung cơ bản của văn bản gốc.
Mở rộng thành phần chính và trạng ngữ của câu bằng cụm từ
Mở rộng thành phần chính và trạng ngữ của câu bằng cụm từ có thể giúp câu cung cấp được nhiều thông tin cho người đọc, người nghe. Các thành phần chính và trạng ngữ của câu thường được mở rộng bằng cụm từ chính phụ như cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ.
Soạn bài Bầy chim chìa vôi
Trước khi đọc
Hãy chia sẻ một trải nghiệm đẹp của tuổi thơ em. Ghi lại một số từ ngữ diễn tả cảm xúc của em khi nghĩ về trải nghiệm đó.
Gợi ý:
– Một số trải nghiệm đẹp của tuổi thơ em như:
- Chơi các trò chơi dân gian như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê…
- Thả diều cùng các bạn.
- Ra đồng gặt lúa.
- Tắm mưa.
- Đi bắt cua, cá ngoài đồng…
– Một số từ ngữ diễn tả cảm xúc khi nghĩ về trải nghiệm đó: thích thú, vui vẻ, sung sướng…
* Tóm tắt văn bản Bầy chim chìa vôi:
Hai giờ sáng, Mon tỉnh giấc. Nó lo lắng cho bầy chim chìa vôi non sông gần bờ sống. Mon gọi Mên dậy trò chuyện. Rồi cả hai quyết định sẽ ra bờ sông để đưa những chú chim vào bờ. Từ chiều qua, nước đã dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, chim bố và chim mẹ lại dắt bầy con tránh nước đến đó. Những chú chim nhảy đến phần cao nhất của dải cát, nhảy lò cò trên những đôi chân mảnh dẻ chưa thật sự cứng cáp. Đến sáng, bầy chim đã bay lên. Bỗng nhiên, một con chim non đuối sức, nó rơi xuống như một chiếc lá. Chim mẹ đến gần xòe đôi cánh lượn quanh đứa con và kêu lên như để cổ vũ cho nó. Lúc đôi chân mảnh dẻ và run rẩy của con chim non chạm vào mặt sông thì đôi cánh của nó đập một nhịp quyết định, tấm thân bé bỏng của nó vụt bứt ra khỏi dòng nước và bay lên cao. Khi Mon và Mên chứng kiến cảnh tượng đó, cả hai khóc đã lúc nào mà không biết.
Xem thêm: Tóm tắt văn bản Bầy chim chìa vôi
Đọc văn bản
Câu 1. Chi tiết nào được lặp lại trong những lời nói của nhân vật Mon?
Chi tiết được lặp lại trong những lời nói của nhân vật Mon là: câu hỏi “Anh bảo…” – anh bảo mưa có to không, nước sông có lên to không, cái bãi cát giữa sông đã ngập.
Câu 2. Bầy chim chìa vôi non có bay được vào bờ không?
Dự đoán 2 trường hợp:
- Trường hơp 1: bầy chim chìa vôi non bay được vào bờ – chúng sẽ an toàn.
- Trường hợp 2: bầy chim chìa vôi non không bay được vào bờ – chúng sẽ chết.
Câu 3. Cuộc “cất cánh” của bầy chim chìa vôi non ở đây có đúng như dự đoán của em không?
– Cuộc “cất cánh” của bầy chim chìa vôi non đã thành công và hạ xuống bên một lùm dứa dại bờ sông dù trước đó có một chú chim.
– Có 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: đúng như dự đoán là thành công.
- Trường hợp 2: không như dự đoán là thất bại.
Sau khi đọc
Trả lời câu hỏi
Câu 1. Em hãy xác định đề tài và ngôi kể của truyện Bầy chim chìa vôi.
- Đề tài: trẻ em
- Ngôi kể: thứ ba
Câu 2. Chỉ ra đâu là lời người kể chuyện, đâu là lời nhân vật trong đoạn văn sau:
Khoảng hai giờ sáng Mon tỉnh giấc. nnó xoay mình sang phía anh nó, thì thào gọi:
– Anh Mên ơi, anh Mên!
– Gì đấy? Mày không ngủ à? – Thằng Mên hỏi lại, giọng nó ráo hoảnh như đã thức dậy từ lâu lắm rồi.
- Lời của người kể chuyện: “Khoảng hai giờ sáng Mon tỉnh giấc. Nó xoay mình sang phía anh nó, thì thào gọi”; “Thằng Mên hỏi lại, giọng nó ráo hoảnh như đã thức dậy từ lâu lắm rồi”
- Lời của nhân vật: “- Anh Mên ơi, anh Mên!”; “- Gì đấy? Mày không ngủ à?”
Câu 3. Điều gì khiến hai anh em Mên, Mon lo lắng khi thấy mưa to và nước đang dâng cao ngoài bãi sông? Chi tiết nào thể hiện rõ nhất điều đó.
– Điều khiến hai anh em Mên, Mon lo lắng khi thấy mưa to và nước đang dâng cao ngoài bãi sông: Những con chim chìa vôi non có thể chết đuối.
– Chi tiết thể hiện: Cuộc trò chuyện của hai anh em Mên, Mon lúc hai giờ sáng; Câu nói của Mon: “Em sợ những con chim chìa vôi bị chết đuối mất”/ Câu trả lời của Mên: “Tao cũng sợ”.
Câu 4. Trong cuộc trò chuyện ở phần (2), Mon nói với Mên những chuyện gì? Nội dung cuộc trò chuyện ấy giúp em cảm nhận được những nét tính cách nào của nhân vật Mon?
– Mon đã nói với Mên việc mình lấy trộm con cá bống của bố rồi thả nó vào chỗ cống sông, Mon rủ Mên ra sông để mang chúng vào bờ.
– Nội dung cuộc trò chuyện ấy giúp em cảm nhận được những nét tính cách nào của nhân vật Mon: trong sáng, hồn nhiên và biết yêu thương loài vật.
Câu 5. Nêu một số chi tiết miêu tả nhân vật Mên ở phần (3). Em hãy dựa vào các chi tiết đó để khái quát tính cách của nhân vật Mên.
– Một số chi tiết miêu tả nhân vật Mên ở phần (3):
- “Chứ còn sao – Lúc này giọng thằng Mên tỏ vẻ rất người lớn”
- “Phải kéo vào bến chứ, không thì chết…”
- Thằng Mên quấn cái dây buộc đò vào người nó và gò lưng kéo.
- “Thằng Mên nói và ngồi thụp xuống. Nó căng mắt nhìn sát mặt sông…
– Tính cách của nhân vật Mên: sống có trách nhiệm, biết suy nghĩ thấu đáo và giàu tình yêu thương loài vật…
Câu 6. Khi đọc đoạn văn miêu tả khung cảnh bãi sông trong buổi bình minh, em có ấn tượng nhất với chi tiết nào? Vì sao?
– Chi tiết: Và bây giờ bầy chim đã bay lên. Mặt trời như lên nhanh hơn mọi ngày và mưa đã đột ngột tạnh hẳn.
– Vì: Chi tiết này đã cho thấy sức sống mãnh liệt của bầy chim chìa vôi, vẻ đẹp của thiên nhiên sau cơn mưa.
Câu 7. Trong đoạn kết của truyện, Mên và Mon hình như không hiểu rõ vì sao mình lại khóc. Em hãy giúp các nhân vật lí giải điều đó.
Mên và Mon khóc khi nhìn thấy bầy chim chìa vôi có thể cất cánh bay lên, đó là giọt nước mắt của hạnh phúc và niềm vui.
Viết kết nối với đọc
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) kể lại sự việc bầy chim chìa vôi bay lên khỏi bãi sông bằng lời của một trong hai nhân vật Mon hoặc Mên (ngôi kể thứ nhất).
Gợi ý:
– Lời của Mon:
Tôi và anh Mên đứng nhìn bầy chim chìa vôi non bay lên cao. Khi bình minh đã đủ để soi rọi những hạt mưa trên mặt sông, cũng là lúc dòng nước khổng lồ đã nuốt chửng phần còn lại của bãi cát. Những cánh chim chìa vôi bé bỏng đã ướt át bứt ra khỏi mặt nước, dương cao đôi cánh bay lên trời cao. Anh em tôi đứng lặng yên không nói một lời nào. Từ chiều qua, nước đã dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, chim bố và chim mẹ lại dẫn bầy con tránh nước đến đó. Những chú chim nhảy đến phần cao nhất của dải cát, nhảy lò cò trên những đôi chân mảnh dẻ chưa thật sự cứng cáp. Bỗng một con chim đuối sức. Đôi cánh của nó dừng lại, rơi như một chiếc lá, thế nhưng nó vẫn kiên cường dùng sức lực của chính bản thân mình để bay lên hòa mình với bầy đàn. Tôi vui mừng vì bầy chim non đã thực hiện được chuyến bay quan trọng của đời mình.
– Lời của Mên:
Tôi và thằng Mon đứng nhìn bầy chim bay lên cao. Chúng dương đôi cánh bay lên trời xanh. Chứng kiến cảnh đó, tôi thở phào nhẹ nhõm. Còn thằng Mon thì nhìn tôi mỉm cười. Chiều qua, nước đã dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, chim bố và chim mẹ lại dẫn bầy con tránh nước đến đó. Cứ thế, chúng tiến đến phần cao nhất của dải cát. Chúng nhảy lò cò trên những đôi chân mảnh dẻ chưa thật sự cứng cáp. Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy một chú chim con đuối sức. Con chim mẹ đã xòe rộng đôi cánh bên đứa con rồi kêu lên. Nó dùng hết sức, bứt ra khỏi dòng nước và bay lên cao hơn cả lần cất cánh đầu tiên ở bãi cát. Hai anh em tôi vẫn đứng yên lặng nhìn theo chúng.
Xem thêm: Kể lại sự việc bầy chim chìa vôi bay lên khỏi bãi sông trong truyện Bầy chim chìa vôi
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Bầy chim chìa vôi – Kết nối tri thức 7 Ngữ văn lớp 7 trang 11 sách Kết nối tri thức tập 1 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.