Bạn đang xem bài viết Phân tích Cô hàng xén của Thạch Lam Viết văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm truyện lớp 10 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phân tích tác phẩm Cô hàng xén của Thạch Lam mang đến gợi ý cách viết và bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý ôn luyện trau dồi kiến thức biết cách viết bài văn nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện hay.
Cô hàng xén của Thạch Lam giúp chúng ta cảm nhận được số phận những con người nhỏ bé, vất vả trong cuộc sống mưu sinh trước cách mạng tháng 8/1945. Vậy sau đây là bài văn mẫu phân tích Những ngày mời mời các bạn theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm: phân tích Nhà mẹ Lê, phân tích Nữ thần Lúa.
Phân tích hàng xén của Thạch Lam
Chợ huyện một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên Châu, Trần
Hẳn nhiều người không còn xa lạ với câu ca dao miêu tả hình ảnh cô hàng xén quen thuộc trên. Thật vậy, hình ảnh cô hàng xén với chiếc gánh nặng trĩu, kẽo kẹt đi qua từng phiên chợ đã trở nên thân thuộc trong văn chương viết về người phụ nữ Việt Nam. Đến với Thạch Lam – cây bút lãng mạn nổi bật trước Cách mạng tháng Tám, hình tượng người phụ nữ thôn quê truyền thống đã trở nên nổi bật và sống động. Thạch Lam luôn trân trọng và nâng niu hình ảnh này, viết về họ bằng những ngôn từ giản dị nhưng đầy tình cảm, ca ngợi họ bằng cái trữ tình đậm chất Thạch Lam. Những tác phẩm của ông hiện lên dung dị, mộc mạc, đẹp một cách sáng trong như chính đức hy sinh thầm lặng của những người con gái, như chính cô hàng xén trong tác phẩm “Cô hàng xén”.
Thạch Lam đã vẽ lên trong lòng người đọc hình ảnh người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, làm sáng lên những đức tính tốt đẹp giữa bối cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến u ám và bất công. Ông đã thành công khi mang đến những tia nắng ấm áp, xua đi hiện thực u uất, qua đó làm nổi bật lên nét đẹp của những người phụ nữ xưa.
Trong nền văn xuôi Việt Nam, Thạch Lam là một trong những ngòi bút kiệt xuất nửa đầu thế kỷ XX, cùng với Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Tuân. Nếu Vũ Trọng Phụng nổi tiếng với những tác phẩm gào thét, đau đớn, Nguyễn Tuân hiện lên tài hoa và sang trọng, thì Thạch Lam lại tinh tế, thanh đạm và nhẹ nhàng như chính tâm hồn Việt Nam trong sáng, giản dị trong từng con chữ của ông. Sự nghiệp của Thạch Lam gồm nhiều thể loại, nhưng truyện ngắn trong các tập “Gió lạnh đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938) là thành công hơn cả. Những tác phẩm này thể hiện rõ nhất phong cách văn chương đặc trưng của Thạch Lam và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc, đặc biệt là truyện ngắn “Cô hàng xén”.
Truyện ngắn “Cô hàng xén” xoay quanh cuộc đời của Tâm – cô gái bán hàng xén. Tâm kiếm tiền nuôi sống gia đình bằng việc gánh hàng bán ở chợ. Gánh hàng của cô gồm kim, chỉ, lược và nhiều vật dụng nhỏ khác. Ngay từ công việc và mục đích mưu sinh vì gia đình, Tâm đã hiện lên là một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó và yêu thương gia đình. Hình ảnh Tâm gánh hàng đi bán khiến ta nhớ đến câu ca dao:
“Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.”
Nhân vật Tâm là hiện thân của sự lam lũ, chịu thương chịu khó, nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Ngay từ những dòng văn đầu tiên, tác giả đã khéo léo cho người đọc thấy nghệ thuật truyện ngắn vô cùng tinh tế của mình. Văn Thạch Lam hay ở chỗ cốt truyện thường giản dị và cảnh sắc thiên nhiên không chỉ là phông nền cho câu chuyện mà tham gia tâm tình, đồng cảm với nhân vật. Sự tham gia ấy nhẹ nhàng đến mức đôi lúc khiến người đọc cảm thấy như được lắng nghe những tâm sự chân thành từ sâu thẳm tâm hồn.
Cô hàng xén gánh hàng trở về sau phiên chợ chiều, khi đường làng đã bao phủ sương mù, hòa cùng tiếng lá tre xào xạc và tiếng thân tre cót két. Những cổng gạch cũ kỹ, rêu phong, những ngõ tối mấp mô vì lỗ chân trâu, mùi bèo dưới ao, mùi rạ quen thuộc và ẩm ướt. Sáng sớm hôm sau, Tâm lại gánh hàng lên chợ khi sương trắng còn đầy các ngõ. Ngày qua ngày, cuộc đời Tâm cứ thế trôi đi trong thầm lặng và nhọc nhằn.
Tâm, người con gái xinh đẹp nức tiếng, được nhiều người để ý, “bọn con trai cứ hay quanh quẩn chỗ cô ngồi và buông lời chọc ghẹo”. Nhưng Tâm không để ý, bởi cô tự tin ở giá trị và lòng cao quý của mình. Thạch Lam đã mô tả cuộc đời cơ cực, nhục nhã của một người phụ nữ giữa xã hội bất công, tiêu điều, nhưng cũng không quên khám phá tâm hồn cao quý của người phụ nữ ấy.
“Nàng đã đảm đang nuôi cả một nhà, với lại, trừ phi là cô gái hư không kể, còn ai ở địa vị nàng cũng phải tảo tần buôn bán như thế. Làm việc, đối với Tâm, là lệ chung của người ta. Cô thấy chung quanh toàn những đàn bà chịu khó làm ăn vất vả để nuôi chồng, nuôi con. Không bao giờ Tâm nghĩ cho mình, cho cuộc đời riêng của cô.”
Ở đây, ta có thể thấy Tâm mang trách nhiệm với gia đình, dù vất vả với gánh hàng xén trĩu nặng trên vai nhưng cô không bao giờ than trách, kêu ca về nỗi khổ nhọc. Bằng gánh hàng xén bé xíu, Tâm chắt chiu từ đó để nuôi cả gia đình. Những đồng tiền ít ỏi cô kiếm được luôn dành để lo cho em, cho gia đình chồng, cho con, cho cha mẹ. Dù gánh nặng trên vai cô càng “cong xuống và rền rĩ”, nhưng Tâm vẫn kiên cường bước tiếp.
“Buổi phiên chợ Bằng, Liên ngồi cạnh nàng nhí nhảnh khoe:
Này Tâm xem, tôi mới sắm được cái này đẹp lắm.
Liên đưa ra một đôi khuyên vàng cô mới gửi đánh ở trên tỉnh. Tâm cầm lấy ngắm nghía trên tay. Mắt nàng sáng lên, Tâm nghĩ đến những buổi nói chuyện với Liên khi nàng chưa lấy chồng. Hai chị em bàn về những đồ trang sức, và đôi khuyên là cái ước vọng tuyệt đích của hai cô gái quê. Hai người buổi vào cũng nhắc đến, và cùng hẹn nhau dành dụm để sắm một đôi đeo Tết.
Đẹp quá nhỉ. Chị mua hết bao nhiêu?
Nàng ngẩn ngơ đưa trả lại Liên, yên lặng nhìn bạn mắc vào tai. Tâm nghĩ không bao giờ nàng có thứ ấy nữa. Làm sao dành dụm được chừng ấy tiền, mà nếu có số tiền ấy nữa nàng cũng còn phải để tiêu việc nhà, hay gửi cho các em.”
Lần đầu tiên Tâm chạnh lòng cho số phận mình, khi nghĩ đến Liên – cô bạn xưa nay đã sung túc, giàu sang. Nhưng suy nghĩ ấy chỉ thoáng qua vì gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai cô còn đó.
Chợ này bán ít thì sang chợ khác, gánh hàng xén đong đưa theo nhịp chân đi và đôi vai gầy càng thêm còm cõi. Ngày qua ngày tần tảo, ra đi khi trời còn sương muối lạnh giá, trở về khi trời chập tối gió bấc và mưa phùn hiu hắt, cuộc đời Tâm cứ thế thầm lặng trôi đi.
Kết thúc tác phẩm, sau khi đưa hai chục bạc – số tiền lấy họ của chồng cho em trai, Tâm trở về nhà trong nỗi buồn và lo sợ, “nàng cúi đầu đi nhanh vào bóng tối”. Điều này thể hiện nỗi sợ hãi, hoang mang của một mảnh đời mãi loanh quanh trong nghèo đói, không tìm ra được lối thoát cho ngày mai. Cái nghèo đói của Tâm gắn liền với nỗi lo âu không vun vén chu toàn được cho hai gia đình nội, ngoại. Đức hy sinh với Tâm như một bản năng hình thành từ trong máu thịt, cô chấp nhận nó như một lẽ hiển nhiên bởi “có đâu chỉ một mình cô: Trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó, và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em”.
Ở Thạch Lam, có sự giao thoa giữa chất hiện thực và lãng mạn rất đặc trưng. Dù gánh hàng đi chợ suốt một ngày dài đằng đẵng, nhưng Tâm vẫn có thể gác đi nỗi vất vả để lắng nghe tiếng xao xác giẫm lên lá khô, ngửi mùi bèo dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt. Hay ngay trong buổi chợ ồn ào, Tâm vẫn đủ thư thái để cảm nhận “không khí giá và trong của buổi sáng làm hồng da dẻ và khiến máu chảy mạnh”. Mùi hương, màu sắc, khí vị của làng quê yên bình và trong trẻo được cảm nhận qua nhân vật chính phần nào giảm đi cái khắc nghiệt của cuộc sống và mang vào cho trang văn chất thơ man mác, dìu dịu.
Đọc Thạch Lam có thể thấy cô Tâm và các nhân vật nữ khác trong văn Thạch Lam thường có số phận bất hạnh. Nhưng vượt lên tất cả, họ luôn cố gắng gìn giữ những phẩm chất cao quý của tâm hồn, luôn quan tâm, hy sinh vì người khác mà ít khi nghĩ cho mình. Đó là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Không chỉ vậy, Thạch Lam còn am hiểu sâu sắc đời sống nội tâm của nhân vật, ông len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn người, lắng nghe những vang động sâu thẳm bên trong để đồng cảm với thân phận người phụ nữ bằng tất cả tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Điều đó khẳng định rằng nhà văn thương cảm, sẻ chia và yêu thương tha thiết những người phụ nữ – những kiếp người bé nhỏ, yếu đuối trong xã hội.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Phân tích Cô hàng xén của Thạch Lam Viết văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm truyện lớp 10 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.