Bạn đang xem bài viết Hồ Biwa – Hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Hồ Biwa, hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản, không chỉ có ý nghĩa về mặt địa lý đời sống; mà đây còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ sĩ, tạo lên những tác phẩm bất hủ lưu truyền muôn đời về một thắng cảnh, và cũng về một nét đẹp văn hóa của một vùng đất giáp cố đô giàu truyền thống lâu đời.
*Cre: TheSandiway
Hồ Biwa, địa lý và cảnh quan
Hồ Biwa với diện tích 670,4, đây là hồ nước ngọt lớn nhất, có vị trí gần như ở trung tâm đất nước Nhật Bản: thuộc 1/6 tỉnh Shiga, mở rộng ra cả xung quanh vùng Kinki, phía tây bắc Osaka và phía đông bắc cố đô Kyoto. Hồ được tạo lên từ những con sông nhỏ chạy từ các ngọn núi quanh vùng; có cửa chính là sông Seta (sau là sông Uji) hợp lưu cùng sông Katsura và Kizu rồi chảy ra biển nội địa Seto ở vịnh Osaka.
Hồ là nguồn nước ngọt quý báu giúp nuôi dưỡng khoảng 15 triệu dân khu vực Kansai đồng thời cung cấp nguồn tài nguyên nước phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may của vùng. Đây cũng là nơi lưu trú, sinh sản của nhiều loài cá nước ngọt quý hiếm, tiêu biểu là cá hồi chấm đồng thời tạo điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai tại địa phương.
*Cre: Việt-SSE
Có thể bán sẽ thích: Chiêm ngưỡng khung cảnh lãng mạn của 7 nhà ga bên bờ biển đẹp nhất Nhật Bản
Không chỉ mang ý nghĩa địa lý, đời sống, kinh tế, xã hội không thể thay thế, hồ Biwa còn là địa điểm đặc biệt thu hút khách du lịch bởi những cảnh quan tự nhiên và nhân tạo đặc sắc.
Trên mặt hồ Biwa, du khách có thể thấy thấp thoáng xa xa dáng hình chiếc cổng Torii màu đỏ của ngôi đền Shirahige được xây trên mép nước. Cổng Torii, một hiện diện thường được thấy ở lối vào hoặc trong các đền thờ Thần đạo, là một nét văn hóa đặc trưng của xứ sở mặc trời mọc, có ý nghĩa như một tạo vật đánh dấu sự chuyển đổi từ nơi trần tục tới nơi thiêng liêng.
*Cre: Loco:Bee
Cổng Torii, ngay trước đền Shirahige, nằm trên mép nước hồ Biwa, vì thế, lại càng trở nên đẹp với ý nghĩa đầy thiêng liêng. Đó có lẽ không chỉ là sự giao thoa giữa trần gian, thế tục với linh thiêng, vĩnh hằng mà còn như rộng hơn, là tiếp điểm giao hòa giữa trời, đất với sông nước mênh mông. Chẳng vậy mà khung cảnh chiếc cổng Torii trên mép nước hồ Biwa đã thu hút bao nghệ sĩ chụp ảnh chuyên nghiệp đến để kịp ghi dấu lại mọi khoảnh khắc trong ngày của nơi linh thiêng này.
Qua cổng Torii, đến ngôi đền Shirahige, du khách sẽ cảm nhận thấy một nguồn năng lượng dâng trào. Bởi đền Shirahige, được xây dựng trên vùng đất hội tụ linh khí, năng lượng của cả khu vực. Đền thờ thần Choanjurojin, một trong thất phúc thần của Miura với mong ước vị thần bảo vệ biển cả sẽ mang đến sự bình yên cho những chuyến đánh bắt của ngư dân trong vùng.
*Cre: ANA
Bên hồ Biwa, dọc theo bãi biển phía tây bắc là nhiều địa điểm du lịch biển thu hút khách tham quan: bãi biển Shiga và Omi-Maiko, Vườn bách thảo dưới nước Mizunomori hay Bảo tàng hồ Biwa… Cùng với đó, Vườn quốc gia Hồ Biwa nằm giữa hai tỉnh Shiga và Kyoto là vườn quốc gia ngập nước có tầm quan trọng không chỉ với riêng Nhật Bản mà còn với cả thế giới; nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều loài sinh vật nước ngọt quý hiếm có tên trong sách đỏ thế giới.
Bên cạnh đấy, Thung lũng Biwako, nằm giữa hồ Biwa và núi Mt.Horai là một địa điểm lý tưởng để hưởng thụ trọn vẹn nét đẹp trong ngày đông Nhật Bản khi mà đông đến, cả thung lũng trở thành một thiên đường với những dãy đồi phủ đầy tuyết trắng, được điểm xuyết bằng những vườn hoa đua nở giữa mùa đông ở các thị trấn nhỏ quanh vùng.
*Cre: Photography A-Giâu (2004)
Và còn nhiều địa điểm lý thú khác mà du khách có thể khám phá khi đến thăm hồ Biwa, thậm chí, chỉ xuôi thuyền trên mặt hồ cũng là một cách riêng để hưởng thụ chuyến du lịch tới hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản này. Tới đây, ngoài thưởng ngoạn thắng cảnh, khách thập phương còn được thưởng thức và biết thêm những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng Kansai.
Hồ Biwa trong văn học Nhật Bản.
Bởi vị trí địa lý tiếp giáp với cố đô Kyoto cùng cảnh quan thiên nhiên dễ khiến lòng người say đắm, từ lâu, hồ Biwa đã trở thành hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học Nhật Bản, đặc biệt là những tác phẩm thơ hay ký, tùy bút. Ngay chính tên gọi – Biwa (Tì Bà), được gọi dựa trên hình dáng như cây đàn Tì Bà của hồ nước này cũng đã gợi lên một bầu không gian đậm chất nghệ thuật. Theo ghi chép của Enryakuji, một vị thiền sư thông tuệ vào thế kỷ 14: “Hồ này là Tịnh độ (Phật độ, cõi Phật, cõi thanh tịnh) của nữ thần Benzaiten, vì bà sống trên đảo Chikubu và hình dạng của hồ tương tự như biwa (đàn tì bà), nhạc cụ ưa thích của bà.”
Trong suốt chiều dài tiến trình lịch sử văn học Nhật Bản, hồ Biwa là một hình ảnh quen thuộc trên trang văn, trang thơ. Và một trong những tác giả viết nhiều nhất về hồ Biwa, không thể không nhắc đến Matsuo Basho, nhà thơ Haiku nổi tiếng của Nhật Bản.
Như bài thơ đầy tâm trạng được ông viết vào ngày xuân, trong một lần ông ngắm cánh đào rơi bên hồ Biwa:
Từ bốn phương trời
Cánh đào lả tả
Gợn sóng hồ Biwa.
Bài thơ này, được viết trong thời gian Basho trên đường du hành về vùng cố đô, cũng là cố hương của ông, Kyoto vào những năm 1691. Thời gian đó, ông cùng bạn thơ du ngoạn tới hồ Biwa và Basho đã dừng chân lưu trú ở Genju-an (Huyền Trú Am). Ở đây, nơi am nhỏ tại một khu rừng bên hồ Biwa, Basho đã viết lên thiên tùy bút: Tùy bút Huyền Trú Am. Bài tùy bút về sau được ông đưa vào cùng tập thơ Áo rơm cho khỉ ra đời năm 1691.
Bên cạnh những bài thơ của Matsuo Basho, tác phẩm của nhà văn Kawabata Yasunari cũng thường nhắc tới những biểu tượng hồ, mặt hồ; và tới tiểu thuyết Đẹp và buồn, mặt hồ ấy đã được cụ thể hóa dưới tên gọi: hồ Biwa. Hồ Biwa hiện lên trên thiên tiểu thuyết của Kawabata, thật sự là một hình ảnh vừa thực, nhưng cũng đầy ý nghĩa biểu tượng. Thực trong tên địa danh và biểu tượng cho nơi lưu chứa của những nỗi buồn mang tính thế hệ, nơi chôn sâu mọi hận thù và như đóng khép lại mọi cánh cửa của mối sầu dai dẳng bấy nhiêu năm giữa các nhân vật.
Hồ Biwa ngoài đời thực đẹp vẻ đẹp tự nhiên, một vẻ đẹp mà ta dễ dàng cảm nhận bằng năm giác quan. Nhưng hồ Biwa trên trang văn, trang thơ của những tác gia Nhật Bản, còn đẹp một vẻ đẹp siêu thực mà ta phải mở rộng tâm hồn, cõi lòng để đồng cảm, cảm nhận. Vì khi ấy, hồ Biwa không chỉ là cảnh, mà ở đó còn chứa chan tình.
Con đường đi tới hồ Biwa.
Hồ Biwa cách thủ đô Tokyo khoảng 500km. Vì thế, muốn tới hồ Biwa, bạn có thể đi tàu từ ga Shinkansen ở Tokyo tới Kyoto, rồi từ Kyoto chuyển sang tuyến tàu địa phương là chỉ mất thêm 10 phút nữa, bạn sẽ nhìn thấy hồ Biwa hiện lên ngoài cửa sổ.
Muốn du ngoạn cảnh hồ, sông nước, bạn có thể đăng ký trước để sử dụng Tour du lịch đi thuyền ngắm cảnh hồ Biwa. Như Tour du lịch trên du thuyền Michigan Cruise. Để biết thêm thông tin về Tour du lịch này, bạn có thể truy cập website: http://www.biwakokisen.co.jp/basic/
Sóng gợn hồ Biwa, và cũng như gợn lên những nỗi niềm vấn vương bước chân người du khách về mảnh đất giàu văn hóa, lịch sử của xứ sở Phù Tang.
Có thể bạn sẽ thích: Rực rỡ sắc màu với những cánh đồng hoa mùa hè xứ sở Phù Tang
Japankuru Team
Đăng bởi: Đinh Thị Thu Thuỷ
Từ khoá: Hồ Biwa – Hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Hồ Biwa – Hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.