Bạn đang xem bài viết Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa (Dàn ý + 4 mẫu) Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
TOP 4 Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em học sinh thấy rõ vẻ đẹp của những người lao động nơi đây.
Qua đó, cho chúng ta thấy được những vẻ đẹp của con người, có năng lực trình độ, hăng say cống hiến cho sự phát triển của đất nước trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa được học trong chương trình Văn 9, Bài 6 sách Ngữ văn 8 Kết nối tri thức Tập 2. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây:
Dàn ý đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động
1. Mở đoạn
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích.
2. Thân đoạn
a. Những người lao động ở Sa Pa:
* Anh thanh niên:
- Làm công tác khí tượng, một mình sinh sống và làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét.
- Công việc vất vả, đòi hỏi tính chính xác cao nhưng anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhờ tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm.
- Biết cách tổ chức, sắp xếp cuộc sống; tự tạo niềm vui cho mình: đọc sách, trồng hoa, nuôi gà,…
* Ông kĩ sư vườn rau:
- Là một người lao động kiên trì, bền bỉ.
- Hàng ngày ông quan sát ong thụ phấn rồi sau đó thực hiện nghiên cứu thụ phấn cho hoa su hào.
* Anh cán bộ nghiên cứu sét:
- Người lao động chăm chỉ, say mê trong công việc “mười một năm không xa cơ quan một ngày”.
- Hết lòng với công việc, quên đi hạnh phúc riêng.
b. Những người lao động khác:
* Cô kĩ sư:
- Cô kĩ sư nông nghiệp mới ra trường.
- Xung phong lên Lai Châu để lao động, cống hiến.
* Ông họa sĩ già:
- Người nghệ sĩ đam mê sáng tạo nghệ thuật.
- Luôn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị.
3. Kết đoạn
Khẳng định vẻ đẹp của người lao động trong truyện và giá trị của truyện ngắn.
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động – Mẫu 1
“Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long viết về những con người thầm lặng, đó là những con người lao động trong thời đại mới đang hăng say cống hiến cho đất nước, cuộc đời. Bức chân dung đẹp đẽ nhất trong tác phẩm đó chính là anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Công việc đo nắng, đo mưa, đo chấn động mặt đất gian khổ là vậy nhưng anh vẫn luôn hoàn thành tốt nhờ tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao. Sinh sống và làm việc trên mảnh đất Sa Pa còn có bác kĩ sư vườn rau và anh cán bộ nghiên cứu sét. Nếu bác kĩ sư vườn rau chăm chỉ, cần mẫn với công việc nghiên cứu quá trình thụ phấn của ong để lai tạo những giống rau củ năng suất, chất lượng thì anh kĩ sư nghiên cứu sét đam mê với công việc đến quên cả hạnh phúc riêng. Bên cạnh đó, trong truyện chúng ta còn bắt gặp cô kĩ sư trẻ – cô sinh viên mới ra trường xung phong lên Lai Châu để lao động, cống hiến. Đó còn là ông họa sĩ già, người cả đời tìm kiếm, khát khao đi tìm đối tượng của nghệ thuật. Mỗi người lao động trong truyện đều là những con người đáng quý, đáng trân trọng. Họ sẵn sàng cống hiến, hi sinh những lợi ích cá nhân để lao động, cống hiến cho quá trình phát triển chung của đất nước.
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động – Mẫu 2
Trên nền Sa Pa lặng lẽ, nhà văn Nguyễn Thành Long đã tái hiện thành công chân dung và vẻ đẹp của những con người lao động. Trước hết đó là anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. Công việc của anh thanh niên là đo nắng, đo mưa, đo chấn động mặt đất, đây là công việc vất vả lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính chính xác cao. Đến giờ ốp, dù thời tiết có lạnh giá, khắc nghiệt, thậm chí có mưa tuyết thì anh thanh niên vẫn đúng giờ thức dậy để làm việc. Hành động này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Cuộc sống cô đơn, công việc vất vả, gian khổ nhưng anh thanh niên vẫn luôn lạc quan, yêu đời và hết mình với công việc của mình. Xuất hiện trong câu chuyện của anh thanh niên với bác họa sĩ già là anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Cũng giống anh thanh niên, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét cũng sinh sống và làm việc ở Sa Pa, nơi chỉ có cây cỏ và mây núi lạnh lẽo. Anh cán bộ là một người chăm chỉ, say mê trong công việc “mười một năm không xa cơ quan một ngày”. Ông kĩ sư vườn rau cũng là một người lao động thầm lặng được nhắc đến trong truyện ngắn. Đó là một người lao động kiên trì, bền bỉ, hàng ngày ông quan sát ong thụ phấn rồi sau đó thực hiện nghiên cứu thụ phấn cho hoa su hào. Không chỉ có những người lao động thầm lặng trên Sa Pa, trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa ta còn bắt gặp một cô kĩ sư trẻ lòng tràn đầy nhiệt huyết. Sau khi ra trường, cô kĩ sư đã quyết định rời xa thành phố, rời xa gia đình để đến một vùng đất xa lạ làm việc. Đó còn là ông họa sĩ già với đam mê sáng tạo nghệ thuật đã luôn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị. Sự xuất hiện của những con người lao động đã làm cho bức tranh Sa Pa thêm phần đẹp đẽ, ý nghĩa. Đó là vẻ đẹp của những con người vẫn lặng thầm cống hiến, dựng xây cho đất nước.
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động – Mẫu 3
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long không chỉ dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà còn khắc họa thành công vẻ đẹp của con người lao động trong thời đại mới. Anh thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu là đại diện tiêu biểu nhất cho những người lao động vẫn ngày đêm cống hiến cho đất nước. Anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn, cuộc sống đơn độc, công việc vất vả lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nhưng anh thanh niên vẫn làm chủ cuộc sống và hoàn thành tốt công việc của mình với tinh thần trách nhiệm cao. Dù sống một mình nhưng cuộc sống của anh thanh niên không hề đơn độc, bởi anh quan niệm “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Không những thế, anh còn tự tạo niềm vui cho mình như: đọc sách, trồng hoa, nuôi gà,…Qua lời kể của anh thanh niên, ta còn bắt gặp những con người lao động đáng cảm phục khác. Đầu tiên là ông kĩ sư vườn rau, hàng ngày ông kĩ sư quan sát ong thụ phấn, sau đó tự tay thụ phấn cho su hào, nhờ vậy mà ông tạo ra được những củ su hào to hơn, ngọt hơn. Tiếp đó là anh cán bộ nghiên cứu sét, suốt 11 năm trời anh không ra khỏi cơ quan, anh đam mê với công việc nghiên cứu mà quên cả hạnh phúc riêng. “Lặng lẽ Sa Pa” tựa như một bản nhạc không lời, tuy du dương, nhẹ nhàng nhưng lại khơi dậy những rung động mạnh mẽ trong trái tim, tâm hồn của mỗi con người về những con người lao động vô danh vẫn ngày đêm cống hiến, xây dựng tổ quốc. Truyện ngắn đã đánh thức trong mỗi chúng ta tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm trong việc dựng xây, phát triển tổ quốc.
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động – Mẫu 4
“Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là một trong những tác phẩm thành công nhất khi viết về hình ảnh con người lao động thời kì đổi mới. Họ âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho đời như những con ong chăm chỉ. Nổi bật phải kể đến nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn. Theo lời bác lái xe, đây là “một trong những người cô độc nhất thế gian”. Công việc của anh cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, thế nhưng anh chẳng một chút than thở, vẫn miệt mài và say mê cống hiến. Không chỉ vậy, ông họa sĩ già cũng góp phần tô đậm thêm hình ảnh của con người trên nền thiên nhiên Sa Pa thơ mộng. Ông có đam mê với nghệ thuật, luôn khát khao tìm nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, độc giả còn được biết đến ông kĩ sư vườn rau, đồng chí nghiên cứu bản đồ sét hay cô kĩ sư trẻ với khát khao được cống hiến cho đất nước. Tất cả họ đều không có tên riêng. Những con người vô danh ấy cứ thầm lặng mà lao động, góp sức vào công cuộc phát triển nước nhà. Tinh thần bền bỉ, miệt mài cứ cháy âm ỉ bên dưới sự tĩnh lặng, yên bình của vùng đất Sa Pa. Họ chính là đại diện cho cả một thế hệ con người thời kì đổi mới. Không cần tỏa sáng với những hi sinh lớn lao như con người trong chiến tranh, họ chỉ âm thầm, lặng lẽ cống hiến như những con ong chăm chỉ đang làm đẹp cho đời. Và đó chính là vẻ đẹp rất riêng, rất thời đại mà nhà văn Nguyễn Thành Long muốn truyền tải đến độc giả.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa (Dàn ý + 4 mẫu) Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.