Bệnh tay chân miệng là một bệnh thường thấy trên trẻ em, nhưng không phải ai cũng có kiến thức đúng về căn bệnh này. Vậy bệnh tay chân miệng và dấu hiệu để nhận biết bệnh này là gì?
Bệnh tay chân miệng được xem là một bệnh phổ biến trên trẻ em, và thi thoảng bạn sẽ nghe các thông tin bùng dịch tại một số địa phương trên các phương tiện truyền thông. Vậy bạn đã hiểu đúng về căn bệnh này cũng như dấu hiệu nhận biết ở trẻ sơ sinh hay chưa?
Tìm hiểu bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng thường thấy trên các em nhỏ và dấu hiệu nhận biết ở trẻ sơ sinh có một số biểu hiện đặc trưng như là sốt và người nổi mụn nước chủ yếu ở vùng lòng bàn tay, chân và bên trong miệng. Đây là một bệnh gây ra bởi virus thuộc họ enterovirus, và thông thường là virus Coxsackie A-16. Một số trường hợp bệnh nhân lại bị nhiễm enterovirus 71 và nó gây ra nhiều biến chứng cho bệnh nhân hơn như tổn thương cơ tim hay viêm màng não.
Thông thường, đối tượng bị mắc bệnh tay chân miệng là những bé dưới 5 tuổi, và các cơ sở mẫu giáo hay nhà trẻ thường là môi trường phù hợp cho việc lây lan bệnh này. Tuy nhiên, đối với những người lớn chưa có kháng thể cho virus này thì cũng có khả năng mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng thường thì sẽ không cần điều trị đặc hiệu và có thể tự vượt qua trong vòng 2 tuần bởi nó không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như bại liệt, viêm màng não hay nghiêm trọng hơn là tử vong.
Nguyên nhân trẻ bị bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do vi rút Coxsakie gây nên là một dạng bệnh khá phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi, do một loại vi rút đường ruột gây ra. Bệnh tay chân miệng lây nhiễm chủ yếu qua đường tiếp xúc, đường miệng, nước bọt, nước mũi, phân, trẻ lành có thể bị nhiễm trực tiếp thông qua việc sờ, cầm nắm tay, chân hoặc thậm chí gián tiếp qua việc cầm nắm đồ chơi của trẻ bệnh…
Tham khảo chi tiết: Nguyên nhân bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng
Theo bác sĩ Trần Thị Linh Chi thuộc Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết thông thường giai đoạn đầu thì bệnh nhân sẽ không có triệu chứng gì cả, và nó diễn ra từ 3 – 7 ngày.
Đến giai đoạn tiếp theo là khởi phát thì trẻ sẽ có những biểu hiện như chán ăn, đau họng, sốt nhẹ, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, và nó sẽ diễn ra từ 1 – 2 ngày. Trong tất cả thì hai triệu chứng thường gặp nhất là đau họng và sốt.
Ở giai đoạn tiếp diễn là toàn phát thì cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng và dấu hiệu nhận biết ở trẻ sơ sinh trong 3 – 10 ngày như:
-
Cơ thể bé bị phát ban ở dạng phỏng nước trong thời gian ngắn ở một số vị trí như lòng bàn tay, chân, mông, gối,… và khi hết thì sẽ tạo ra các vết thâm trên da. Một số trường hợp thì thay vì xuất hiện mụn nước thì lại xuất hiện dạng dát sẩn có kích thước giao động từ 2 – 10mm. Chúng thường có màu hồng, ẩn hoặc nổi cộm trên da và có hình bầu dục hoặc hình tròn.
-
Bên trong miệng của bé sẽ xuất hiện các chấm hồng phát ban và phát triển thành mụn nước sau khoảng 24 giờ, khiến cho bé cảm thấy đau nhức, dẫn đến tình trạng kém ăn, chảy nước miếng. Sau đó, bên trên niêm mạc trong sau khoang miệng, lưỡi gà, cột trước amidan hay nếp sau hầu họng sẽ xuất hiện các phỏng nước hay vết loét đỏ và đôi khi cần vài tuần để vết thương lành lại.
-
Sốt nhẹ là một trong những biểu hiện phổ biến khác, và có thể đi kèm với các triệu chứng như ho, nôn hay tiêu chảy. Bé có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm đến thần kinh, hô hấp, tim mạch trong trường hợp nôn nhiều và sốt cao.
Cuối cùng, trong trường hợp bé không gặp một biến chứng gì thì thường chỉ cần từ 3 – 5 ngày là bé đã có thể hồi phục hoàn toàn sau bệnh.
3 dấu hiệu trở nặng bệnh tay chân miệng cần nhập viện ngay lập tức
Tay chân miệng nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại vô số biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não virus kèm theo một số triệu chứng đau đầu, sốt, đau cứng cổ, đau lưng…
Một số biến chứng nặng hơn như: Bại liệt, tê liệt hoặc viêm não, khi này trẻ hay khó ngủ, quấy khóc, dễ giật mình khi thức hoặc lúc bắt đầu ngủ trẻ hay nói lảm nhảm đôi lúc méo miệng, sốt cao kèm co giật…
Những biến chứng này nếu không được chữa trị kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.
Ngoài ra, cần vệ sinh sạch sẽ da cho trẻ để trẻ không bị bội nhiễm ở vị trí bọng nước trên da. Dưới đây là 3 dấu hiệu trở nặng bệnh tay chân miệng cần nhập viện ngay lập tức:
Trẻ quấy khóc liên tục
Vào ban đêm trẻ hay quấy khóc hoặc cứ ngủ được 15-20 phút trong lúc bị tay chân miệng thì cha mẹ nên đưa trẻ đi bệnh viện đi khám gấp, bởi vì trường hợp này trẻ không khóc vì đau hay khó chịu, đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ rất có nguy cơ nhiễm độc thần kinh giai đoạn sớm.
Trẻ hay giật mình
Ngoài ra trẻ hay giật mình cũng là dấu hiệu của việc nhiễm độc thần kinh, cho nên cha mẹ cần quan sát trẻ, đếm xem số lần bé giật mình, có thường xuyên hay không, nếu giật mình liên tục ngay cả khi đang chơi đùa thì nên đưa bé đi khám ngay.
Trẻ sốt cao liên tục không giảm
Do nhiệt độ của trẻ nếu trẻ sốt trên 38.5 độ liên tục trong vòng 48 giờ dù cho uống thuốc hạ sốt vẫn không giảm thì nên cho bé nhập viện gấp, bởi vì sốt cao kéo dài là dấu hiệu cảnh báo đến mức độ viêm nghiêm trọng có thể nhiễm độc thần kinh.
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng
Biến chứng dễ thấy nhất của bệnh tay chân miệng là tình trạng mất nước khiến trẻ bị loét miệng, đau họng khiến bé đau họng và khó nuốt.
Tuy nhiên, khi bệnh có dấu hiệu nặng thì có thể xảy ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm sau đây:
-
Viêm màng não do vi-rút: Đây là tình trạng nhiễm trùng khá hiếm gặp, tình trạng này do viêm màng não và dịch não tủy bao quanh não và tủy sống
-
Viêm não: Bệnh viêm não thường rất hiếm gặp tuy nhiên gây nguy hiểm nếu trẻ mắc phải.
-
Viêm cơ tim: Hiếm khi xảy ra nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.
Cách điều trị và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Bệnh này do nhiều loại virus gây nên và hiện chưa có thuốc đặc trị.
Tùy vào từng cấp độ của bệnh, sẽ có những cách chăm sóc trẻ hợp lí và tránh việc lây lan. Nếu trẻ đang mắc bệnh ở cấp độ 1, mẹ có thể chăm sóc và theo dõi con ở nhà.
Khi thấy các dấu hiệu con trẻ mắc bệnh tay chân miệng, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám, nếu triệu chứng nhẹ, bạn có thể tự chăm sóc cho bé theo chỉ dẫn của bác sĩ và kết hợp một số cách như:
-
Dùng thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad… để tránh nhiễm trùng cho bé
-
Chú ý chế độ dinh dưỡng: Ưu tiên cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…
-
Thường xuyên vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn: Bạn có thể tắm cho bé bằng các loại nước dân gian như nước lá chè,… sau đó dùng dung dịch Betadin bôi lên da cho bé sau khi tắm.
Cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ
Hiện bệnh tay chân miệng không có vắc xin để phòng ngừa, nên cha mẹ cần vệ sinh tay chân và tắm cho trẻ bằng xà phòng để loại bỏ hết vi khuẩnngăn ngừa bệnh lây lan.
Vệ sinh, khử trùng các vật dụng hằng ngày của trẻ như tã lót, đồ chơi, bình sữa… qua nước sôi và đem phơi ngoài nắng để diệt khuẩn.
Thường xuyên rửa tay cho bé và cả nhà bằng xà phòng, đặc biệt khi nấu ăn, khi cho trẻ ăn, khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh hay sau khi thay tã, làm vệ sinh cho bé.
Cho bé ăn chín, uống chín, không nên móm thức ăn cho bé, không cho bé bốc tay khi ăn và không cho bé ngậm mút đồ chơi,…
Tham khảo chi tiết: Cách xử trí khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng
Mặc dù bệnh tay chân miệng thông thường không phải là bệnh quá nguy hiểm, nhưng một số trường hợp hiếm thì cũng có thể gây ra các biến chứng không mong muốn. Trong trường hợp bé xuất hiện các biểu hiện nặng thì nên liên hệ ngay với bên cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Hy vọng với những thông tin phía trên bạn đã có thể giúp bạn sớm phát hiện bệnh trên bé yêu nhà mình cũng như sẽ có hướng giải quyết phù hợp.
Nguồn: Vinmec
Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn