Bạn đang xem bài viết Các biện pháp tu từ Các biện pháp tu từ và tác dụng tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Trong chương trình học môn Ngữ văn, học sinh sẽ được tìm hiểu về các biện pháp tu từ. Chính vì vậy, Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu về Các biện pháp tu từ.
Hy vọng có thể cung cấp những kiến thức khái quát nhất về đơn vị kiến thức này. Mời các bạn học sinh tham khảo nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.
Các biện pháp tu từ từ vựng
1. So sánh
a. Khái niệm
So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
b. Phân loại
– So sánh ngang bằng:
Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
(Đêm nay Bác không ngủ, Minh Huệ)
– So sánh không ngang bằng:
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
(Bầm ơi, Tố Hữu)
c. Dấu hiệu nhận biết
Thường xuất hiện các từ ngữ so sánh: như, là, bao nhiêu, bấy nhiêu, bằng…
2. Nhân hóa
a. Khái niệm
Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật… bằng những từ ngữ vốn được dụng để gọi hoặc tả con người, làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
b. Phân loại
– Dùng từ ngữ vốn gọi người để gọi vật:
Ví dụ: Bác đồng hồ đang chăm chỉ làm việc.
– Dùng những từ ngữ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật:
Ông trời
Mặc áo giáp đen
(Mưa, Trần Đăng Khoa)
– Trò chuyện, xưng hô với vật như với con người
Ví dụ:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
(Ca dao)
c. Dấu hiệu nhận biết
Các từ chỉ hoạt động, tên gọi của con người dùng cho con vật, đồ vật.
3. Ẩn dụ
a. Khái niệm
Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
b. Phân loại
– Ẩn dụ hình thức:
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
– Ẩn dụ cách thức:
Về thăm nhà bác làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
(Về thăm nhà Bác, Nguyễn Đức Mậu)
– Ẩn dụ phẩm chất:
Người cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
(Đêm nay Bác không ngủ, Minh Huệ)
– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác:
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai
(Những cánh buồm, Hoàng Trung Thông)
4. Hoán dụ
a. Khái niệm
Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
b. Phân loại
– Lấy bộ phận để gọi toàn thể:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
(Hồ Chí Minh)
– Lấy vật chứa để gọi vật bị chứa:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
(Tương tư, Nguyễn Bính)
– Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi vật có dấu hiệu:
Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
(Lượm, Tố Hữu)
– Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng:
Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người
(Hồ Chí Minh)
* Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ: Đều lấy sự vật A để chỉ sự vật B. Nhưng:
- Ẩn dụ: A và B có quan hệ tương đồng, giống nhau.
- Hoán dụ: A và B có quan hệ gần gũi, hay đi cùng nhau.
5. Nói quá
(Hay còn gọi là cường điệu, khoa trương, thậm xưng, ngoa dụ, phóng đại)
a. Khái niệm
Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật hiện tượng được miêu tả nhằm nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
b. Ví dụ
Ở nơi chó ăn đá gà ăn sỏi thế này, cỏ không mọc nổi nữa là trồng rau, trồng cà.
c. Dấu hiệu nhận biết
Xuất hiện các từ, cụm từ cường điệu hóa so với thực tế.
6. Nói giảm nói tránh
a. Khái niệm
Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác đau buồn, nặng nề, ghê sợ hay thiếu tế nhị, lịch sự.
b. Ví dụ
Lượng con ông Độ đây mà… Rõ tội nghiệp, về đến nhà thì bố mẹ chẳng còn.
(Hồ Phương, Thư nhà)
c. Dấu hiệu nhận biết
Các từ ngữ được sử dụng mang sắc thái trung tính, tránh nghĩa thông thường của nó.
7. Điệp ngữ
a. Khái niệm
Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ, từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.
b. Phân loại
– Điệp ngữ cách quãng:
Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều
(Gửi em, cô gái thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật)
– Điệp ngữ nối tiếp:
“Mai sau,
Mai sau,
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”
(Tre Việt Nam, Nguyễn Duy)
– Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng):
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
c. Dấu hiệu nhận biết
Các từ, cụm từ được lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ, đoạn văn.
8. Chơi chữ
a. Khái niệm
Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước… làm câu văn hấp dẫn thú vị.
b. Phân loại
Các lối chơi chữ thường gặp là:
– Dùng từ ngữ đồng âm:
“Cảm ơn bà biếu gói cam,
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?”
– Dùng lối nói trại âm (gần âm):
Còn mèo, con mẻo, con meo
Ai dạy mày trèo mà chẳng dạy tao?
– Dùng cách điệp âm:
Mênh mông muôn mẫu một màu mưa
Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ
– Dùng lối nói lái:
Có cá đâu mà anh ngồi câu đó
Biết có không mà công khó anh ơi?
– Dùng từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa.
Nửa đêm, giờ tí, canh ba,
Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi.
(Đồng nghĩa – vợ, con gái, đàn bà, nữ nhi)
Chơi chữ được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, trong văn thơ, đặc biệt là trong thơ văn trào phúng, trong câu đối, câu đố…
9. Liệt kê
a. Khái niệm
Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt các cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.
b. Phân loại
– Phân loại theo cấu tạo:
- Liệt kê theo từng cặp (Ví dụ: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải…)
- Liệt kê không theo từng cặp (Ví dụ: Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau…)
– Phân loại theo ý nghĩa:
- Liệt kê tăng tiến (Ví dụ: Tiếng Việt … của tập thể nhỏ là gia đình, họ hàng, làng xóm…)
- Liệt kê không tăng tiến (Ví dụ: Vào giờ ra chơi, từng nhóm học sinh chơi đá cầu, nhảy dây, đá bóng… rất vui vẻ).
Các biện pháp tu từ cú pháp
1. Đảo ngữ
a. Khái niệm
Đảo ngữ là thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường trong một câu, nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm của đối tượng.
b. Ví dụ
Nhớ nước đau lòng/ con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng/ cái gia gia
(Qua đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)
2. Điệp cấu trúc
a. Khái niệm
Là biện pháp tu từ tạo ra những câu văn có cùng kết cấu ngữ pháp nhằm nhấn mạnh về nội dung, tạo sự nhịp nhàng cân đối cho văn bản.
b. Ví dụ
Chúng/ thi hành những luật pháp dã man. Chúng/ lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng/ lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng/ thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng/ tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
(Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh)
3. Chêm xen
a. Khái niệm
Chêm xen là thêm vào câu một cụm từ không có quan hệ trực tiếp đến quan hệ ngữ pháp trong câu văn, nhưng có mục đích bổ sung thông tin cần thiết hay bộc lộ cảm xúc. Thường đứng sau dấu gạch nối hoặc trong ngoặc đơn.
b. Ví dụ
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy…)
(Hương thầm, Phan Thị Thanh Nhàn)
4. Câu hỏi tu từ
a. Khái niệm
Câu hỏi tu từ là sử dụng câu hỏi nhưng không mang mục đích để biết câu trả lời, mà thường khẳng định nội dung được nhắc đến trong câu hỏi.
b. Ví dụ
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử)
5. Phép đối
a. Khái niệm
Phép đối là cách sắp xếp từ ngữ, cụm từ, câu ở vị trí cân xứng nhau, tạo nên hiệu quả giống nhau trái ngược nhau nhằm gợi ra một vẻ đẹp hoàn chỉnh, hài hòa, diễn đạt nội dung nào đó.
b. Ví dụ
Từ /Triệu,/ Đinh, /Lý,/ Trần; /bao đời xây nền độc lập
Cùng/ Hán, /Đường,/ Tống, /Nguyên;/ mỗi bên hùng cứ một phương;
(Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)
Bài tập ôn luyện
Câu 1. Xác định biện pháp tu từ từ vựng trong các câu sau:
a.
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
(Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)
b.
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
(Con cò, Chế Lan Viên)
c. Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng.
(Cây tre Việt Nam, Thép Mới)
d.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
(Khuyết danh)
e.
Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
(Những cánh buồm, Hoàng Trung Thông)
g. Hôm nay, làng xóm em cùng nhau vui mừng chiến thắng.
h. Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.
(Dế Mèn phiêu lưu kí, Tô Hoài)
Câu 2. Xác định các biện pháp tu từ cú pháp trong các câu sau:
a.
Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám
(Ta đi tới, Tố Hữu)
b.
Nếu bạn không thể là một cây thông trên đỉnh đồi,
Hãy là một bụi rậm trong thung lũng, nhưng
Hãy là bụi rậm nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi nhất quả đồi,
Hãy là một bụi cây nhỏ nếu bạn không thể là một cây lớn.
Nếu bạn không thể là một bụi cây, hãy là một bụi cỏ,
Làm cho con đường hạnh phúc hơn.
Nếu bạn không thể là một con cá muskie, hãy chỉ là một con cá vược,
Nhưng hãy là con cá vược nổi bật nhất trong hồ.
(Douglas Mallock – “Dù bạn là gì đi nữa, hãy là cái tốt nhất”, sách Dám thất bại của Billi P.S. Lim, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2005, tr. 136 – 137)
c.
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại…
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…
(Quê hương, Giang Nam)
d. Đói cho sạch, rách cho thơm.
(Tục ngữ)
Câu 3. Viết một đoạn văn có sử dụng biện pháp tu từ tự chọn.
Gợi ý đáp án:
Câu 1.
a.
- So sánh “mặt trời” – “hòn lửa”
- Nhân hóa sóng “cài then”, đêm “sập cửa”.
b. Điệp ngữ “dù ở”, “cò”
c. Liệt kê: “Tre, nứa, trúc, mai”
d. Chơi chữ: già – non (sử dụng từ trái nghĩa)
e. Ẩn dụ: ánh nắng chảy (chuyển đổi cảm giác)
g. Hoán dụ: Làng xóm (Lấy vật chứa để gọi vật bị chứa)
h.
- Nhân hóa: Cái chàng Dế Choắt
- So sánh: người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.
Câu 2.
a. Đảo ngữ:
Đã tan tác/ những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại/ trời thu tháng Tám
b. Điệp cấu trúc “Nếu bạn không thể… Hãy là….”
c. Chem xêm: Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!);Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
d. Phép đối (đói – rách, sạch – thơm)
Câu 3.
Tuổi học trò với thật nhiều kỉ niệm đẹp đẽ. Bên cạnh những giờ học tập bổ ích là những giờ giải lao sôi động. Mỗi buổi học, chúng em sẽ có mười lăm phút nghỉ giải lao giữa giờ. Khi tiếng trống báo hiệu kết thúc tiết học vang lên, em cảm thấy vô cùng háo hức. Sau khoảng thời gian học tập mệt mỏi, chúng em sẽ có những phút được nghỉ ngơi. Nhiều bạn ở lại trên lớp để ôn bài, trò chuyện. Một số bạn lại nhanh chóng xuống sân trường chơi đá cầu nhảy dây, đuổi bắt… Tiếng cười đùa, tiếng trò chuyện vang khắp không gian. Khuôn mặt ai cũng vui vẻ, háo hức. Em cũng cùng với một số bạn trong lớp xuống sân trường chơi. Cả nhóm rủ nhau chơi nhảy dây. Trò chơi diễn ra vô cùng hấp dẫn. Chúng em đã có mười lăm phút thật quý giá. Em cảm thấy vô cùng trân trọng những khoảng thời gian ý nghĩa đó.
=> Phép liệt kê: Một số bạn lại nhanh chóng xuống sân trường chơi đá cầu nhảy dây, đuổi bắt…
Buổi sớm mai thức dậy, em lại được ngắm nhìn quê hương của mình. Không khí buổi sáng vô cùng trong lành và mát mẻ. Khi ông mặt trời dậy thật sớm để đánh thức mọi người sau một đêm dài. Những cô cậu nắng tinh nghịch cũng thức giấc, chạy nhảy tung tăng dưới mặt đất. Tiếng gà gáy báo sáng vang vọng từ xa. Những hạt sương đọng trên lá cây cũng dần tan biến. Làn gió khẽ lướt qua khiến những cành lá rung rinh. Bầu trời trong xanh, cao vời vợi. Chị gió tung tăng nô đùa khắp nơi. Cô mấy thì dạo chơi quanh những ngọn núi phía xa. Vài chú chim nhỏ cất tiếng hót đón chào ngày mới. Bầu không khí trong lành khiến con người cảm thấy dễ chịu. Xa xa, cánh đồng lúa đã chín vàng. Con đường làng lúc này vẫn vắng vẻ. Trở về ngôi nhà của mình, phía sau nhà là khu vườn nhỏ của em lúc này trông tràn đầy sức sống. Màu xanh của thảm cỏ. Màu xanh của lá cây. Màu xanh của thiên nhiên gợi ra một cảm giác thật tươi mới và mát mẻ. Em yêu biết bao quê hương của mình.
=> Phép điệp ngữ: Màu xanh của thảm cỏ. Màu xanh của lá cây. Màu xanh của những trái cây chưa chín. Màu xanh của thiên nhiên gợi ra một cảm giác thật tươi mới và mát mẻ.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Các biện pháp tu từ Các biện pháp tu từ và tác dụng tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.