Bạn đang xem bài viết Bộ đề đọc hiểu Vợ nhặt (Có đáp án) Các đề đọc hiểu bài Vợ nhặt tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bộ đề đọc hiểu Vợ nhặt của Kim Lân mang đến 4 đề đọc hiểu giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu để nắm vững kiến thức tốt hơn.
Vợ nhặt là một trong những tác phẩm trọng tâm trong chương trình Ngữ văn 12 và ôn thi THPT Quốc gia. Chính vì thế với 4 đề đọc hiểu Vợ nhặt cực chất dưới đây sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích để các bạn ôn luyện củng cố kiến thức. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng học tốt môn Ngữ văn các em tham khảo thêm: đề đọc hiểu Việt Bắc, Bộ 110 đề thi đọc hiểu luyện thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.
Đề đọc hiểu bài Vợ nhặt – Đề 1
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem. Sợ chúng nó đùa như ngày trước, Tràng
vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng. Mấy đứa trẻ đứng dừng lại, nhìn Tràng, đột nhiên có đứa gào lên:
– Anh Tràng ơi! – Tràng quay đầu lại. Nó lại cong cổ gào lên lần nữa – Chông vợ hài.
Tràng bật cười:
– Bố ranh!
Người đàn bà có vẻ khó chịu lắm. Thị nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo. Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.
Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:
– Ai đấy nhỉ?… Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?
– Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.
– Quái nhỉ?
Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.
– Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ, khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.
– Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?
Họ cùng nín lặng.
Người đàn bà như cũng biết xung quanh người ta đang nhìn dồn cả về phía mình, thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia. Hắn cũng biết thế, nhưng hắn lại lấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình.
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.24)
Câu 1. Giới thiệu vài nét về tác giả Kim Lân.
Câu 2. Đoạn trích ít nhiều đã phản ánh hiện thực khốc liệt của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, 1945 ở nước ta. Anh/chị biết gì về nạn đói này?
Câu 3. Việc lặp đi lặp lại chi tiết người bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma có ý nghĩa gì?
Câu 4. Trước sự kiện anh cu Tràng “nhặt” được vợ, những người dân ở xóm ngụ cư đã tỏ thái độ ra sao?
Câu 5. Phân tích chi tiết Sợ chúng nó (mấy đứa trẻ con ở xóm ngụ cư) đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng.
Câu 6. Từ những chi tiết Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn., thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia, hãy nhận xét về nhân vật người “vợ nhặt”.
Lời giải
Câu 1: Vài nét về tác giả Kim Lân: Kim Lân (1920 – 2007) là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn, thường viết về nông thôn và người nông dân.
Truyện Kim Lân hấp dẫn người đọc bởi những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê, bởi những hiểu biết sâu sắc của ông về cảnh ngộ và tâm lí người dân quê. Năm 2001, Kim Lân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962).
Câu 2: Đoạn trích ít nhiều đã phản ánh hiện thực khốc liệt của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, 1945 ở nƣớc ta. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 khiến hơn hai triệu đồng bào ta từ Quảng Trị ra Bắc Kì bị chết đói. Nguyên nhân chủ yếu gây ra nạn đói này chính là sự khai thác, vơ vét, bóc lột tàn tệ của bè lũ thực dân, phát xít đối với đồng bào ta nhằm phục vụ chiến tranh Đông Dương.
Câu 3: Việc lặp đi lặp lại chi tiết người bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma có tác dụng tô đậm sự thê thảm đến kiệt cùng của con người trong nạn đói: người sống mà như đã chết, ranh giới giữa sự sống với cái chết chỉ mong manh như sợi tóc.
Câu 4: Trước sự kiện anh cu Tràng “nhặt” được vợ, những người dân ở xóm ngụ cư đã thể hiện rất rõ thái độ, xúc cảm của mình:
– Thoạt đầu, họ thấy phấn chấn, mừng lạ: Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ.. Cái gì lạ lùng và tươi mát đó chính là xúc cảm sẻ chia rất tự nhiên của mọi người khi thấy Tràng có vợ.
– Nhưng ngay sau đó, họ ái ngại, thậm chí lo lắng thay cho Tràng: Một người thở dài., “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”, Họ cùng nín lặng.. Thái độ này xuất phát từ chính cái nhìn thực tế của những người lao động nghèo ở xóm ngụ cư. Hơn ai hết, họ thấu hiểu cảnh ngộ tăm tối, cùng cực của mình trong thời đoạn ngặt nghèo này.
Câu 5: Chi tiết Sợ chúng nó (mấy đứa trẻ con ở xóm ngụ cư) đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng. chứng tỏ Tràng hoàn toàn nghiêm túc trong việc đưa người đàn bà đi bên về nhà làm vợ. Tràng sợ việc mấy đứa trẻ con ở xóm ngụ cư đùa bỡn mình như mọi ngày sẽ khiến cho “việc đại sự” của Tràng trở nên trò đùa, làm người đàn bà đi bên ngượng nghịu hoặc phải suy nghĩ.
Câu 6: Những chi tiết Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn., thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia, chứng tỏ nhân vật người “vợ nhặt” có ý thức rất sâu sắc về thân phận của mình. Thị có ý thức về nhân phẩm chứ không đến nỗi mất hoàn toàn rẻ rúng, đáng khinh khi theo không một người đàn ông.
Đề Đọc hiểu bài Vợ nhặt – Đề 2
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?
Câu 2: Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?
Câu 3: Xác định thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn và nêu hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ đó ?
Câu 4: Dấu ba chấm (…) trong câu văn Còn mình thì… có ý nghĩa gì?
Câu 5: Từ văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình mẫu tử.
Lời giải
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu cảm là chính
Câu 2: Nội dung chính của đoạn văn trên là: diễn tả tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ khi biết con trai (nhân vật Tràng) dẫn người đàn bà xa lạ về nhà
Câu 3: Thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn: dựng vợ gả chồng, ăn nên làm nổi, sinh con đẻ cái. Hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ: chứng tỏ nhà văn thể hiện tài năng vận dụng sáng tạo ngôn ngữ dân gian, dòng tâm tư người kể hoà với dòng suy nghĩ của nhân vật bà cụ Tứ. Tác giả hiểu được nỗi lòng, tâm trạng của người mẹ thương con.
Câu 4: Dấu ba chấm (…) trong câu văn Còn mình thì… có ý nghĩa: gợi lời độc thoại nội tâm của nhân vật bà cụ Tứ bị đứt đoạn, khi bà so sánh giữa người ta với còn mình. Qua đó, người đọc thấy được tấm lòng của người mẹ già này. Bà thương con nhưng thấy mình chưa làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người mẹ, nhất là trong ngày hạnh phúc của con. Tấm lòng của bà cụ Tứ thật cao cả và thiêng liêng
Câu 5: Hướng dẫn làm bài
1. Giới thiệu vấn đề
– Dẫn dắt vào bài bằng các tình cảm cao quý trong cuộc sống của mỗi người: tình cảm gia đình, tình anh em, tình cảm bạn bè, tình yêu quê hương, đất nước…
– Nhấn mạnh tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt quan trọng
2. Bàn luận vấn đề
* Khái quát về tình mẫu tử:
Theo nghĩa của từ thì “mẫu” là mẹ, “tử” có nghĩa là con, theo nguyên nghĩa thì “mẫu tử” có nghĩa là mẹ con. Nhưng thông thường người ta nói đến tình mẫu tử là nói đến tình cảm yêu thương, che chở, bảo vệ… của người mẹ dành cho con.
* Bàn luận về tình mẫu tử
– Tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt và thiêng liêng trong lòng mỗi người bởi:
+ Đó là tình cảm đầu tiên mà mỗi người sinh ra đều cảm nhận được và sẽ gắn bó với nó trong suốt cuộc đời: từ khi mẹ mang nặng đẻ đau, nâng đỡ con khi chập chững vào đời, sánh bước cùng con qua từng nấc thang của cuộc đời. Cuộc đời của người con cũng chính là cuốn nhật ký của người mẹ.
+ Là tình cảm mang tính cao cả: mẹ, là người bao dung ta trong mọi hoàn cảnh, là nơi cho ta nương tựa mỗi lần vấp ngã, là nơi để ta gửi gắm những điều thầm kín, là nguồn động lực giúp ta vững vàng trong giông tố.
+ Tình mẫu tử cũng là tình cảm tự nhiên và mang tính trách nhiệm (lấy dẫn chứng thực tế)
+ Tình mẫu tử có cội rễ sâu xa từ lòng nhân ái – truyền thống đạo lí của dân tộc ta hàng nghìn đời nay (dẫn chứng)
– Nếu được sống trong tình mẫu tử thì con người ta sẽ vô cùng hạnh phúc, còn nếu thiếu thốn tình mẫu tử thì sẽ là người chịu thiệt thòi và bất hạnh (dẫn chứng).
– Tình mẫu tử có thể soi sáng con đường cho mỗi người, giúp con người thức tỉnh khi lầm đường lạc lối, sống tốt hơn và sống có trách nhiệm hơn.
– Phê phán những hành động đi ngược lại với đạo lí: mẹ bỏ rơi con hay con đối xử không tốt với mẹ, bỏ mặc mẹ
* Trách nhiệm của mỗi con người trước tình mẫu tử:
– Tình mẫu tử là tình cảm vô cùng bao la, rộng lớn và vĩ đại, mẹ là người đã suốt đời hi sinh vì con. Chính vì thế con cái cần biết trân trọng những tình cảm đó và phải sống làm sao để xứng đáng với tình cảm đó.
– Không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, trở thành con người có ích cho xã hội để đền đáp lại những tình cảm cao cả mà mẹ dành cho ta. Bởi điều mà mỗi người mẹ mong muốn chỉ là con mình khôn lớn nên người.
– Không được có những hành động trái với đạo làm con như vô lễ, bất kính với mẹ, đối xử không tốt với mẹ, hay hơn cả là sử dụng bạo lực, bỏ rơi mẹ của mình. Đây như một tội ác không thể tha thứ được.
3. Kết thúc vấn đề:
Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi người. Cần trân trọng tình cảm ấy, sống làm sao cho thật xứng đáng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Như lời Phật răn dạy “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc – đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.
Đề Đọc hiểu Vợ nhặt – Đề 3
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Bà lão phấp phỏng bước theo con vào nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bài lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay đầu lại nhìn con tỏ ý không hiểu.
Tràng tươi cười:
– Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên giếc chĩnh chện cái đã nào.
Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa:
– U đã về ạ!
Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Tràng nhắc mẹ:
– Kìa nhà tôi nó chào u.
Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp:
– Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số cả…
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:
– Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…
Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
– Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.
Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa những dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?…
– Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.
Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:
– Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…
Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân -Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 28-29)
Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Giới thiệu vài nét về xuất xứ tác phẩm.
Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích.
Câu 3. Nêu giọng điệu trần thuật của tác giả trong phần đoạn trích in đậm.
Câu 4. Theo anh/chị, vì sao bà cụ Tứ lại nói với các con của mình là Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng… thay vì … u cũng bằng lòng?
Câu 5. Việc bà cụ Tứ không phản đối chuyện Tràng dẫn một người đàn bà xa lạ về làm vợ giữa lúc cái đói đang hoành hành dữ dội, đẩy con người đến cận kề bờ vực của cái chết thể hiện vẻ đẹp gì trong tâm hồn người mẹ?
Câu 6. Nêu cảm nhận của anh/chị về thái độ, tình cảm của tác giả đối với nhân vật bà cụ Tứ.
Lời giải
Câu 1: Xuất xứ truyện ngắn Vợ nhặt: Truyện có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, lấy bối cảnh nạn đói năm Ất Dậu (1945) nhưng bị bỏ dở và mất bản thảo. Mãi đến sau khi hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết truyện ngắn này.
Câu 2: Chủ đề của đoạn trích là: Tâm trạng của bà cụ Tứ khi nghe tin Tràng có vợ.
Câu 3: Giọng điệu trần thuật của tác giả trong phần đoạn trích in đậm là: Phần đoạn trích in đậm sử dụng giọng trần thuật nửa trực tiếp: lời văn của tác giả lồng với dòng suy nghĩ của nhân vật, có sự trộn lẫn giữa lời kể chuyện của người viết với dòng suy nghĩ của nhân vật. Ở đây, lời kể của Kim Lân đã hòa với dòng suy nghĩ của bà cụ Tứ, thể hiện một cách chân thực, sinh động, sâu sắc sự ngạc nhiên của bà cụ khi thấy có người đàn bà lạ trong nhà gọi mình bằng “U”.
Câu 4: Thay vì “bằng lòng” bà cụ lại nói “mừng lòng”. Mừng lòng vừa có nét nghĩa là bằng lòng chấp thuận nhưng còn thể hiện được niềm vui cùng thái độ rộng lượng của bà cụ.
Câu 5: Việc bà cụ Tứ không phản đối chuyện Tràng dẫn một người đàn bà xa lạ về làm vợ giữa lúc cái đói đang hoành hành dữ dội, đẩy con người đến cận kề bờ vực của cái chết thể hiện sự rộng lượng, tấm lòng nhân hậu trong tâm hồn người mẹ.
Câu 6: Thái độ của nhà văn đối với nhân vật bà cụ Tứ được thể hiện rất rõ trong cách gọi tên nhân vật và trong nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật. Nhà văn luôn gọi nhân vật là bà lão, người mẹ nghèo khổ đồng thời luôn lặn sâu vào suy nghĩ của nhân vật để diễn tả tâm trạng, tình cảm của nhân vật. Tất cả những điều đó cho thấy lòng yêu thương, cảm thông, thái độ trân trọng, quí mến của nhà văn đối với nhân vật.
Đề đọc hiểu bài Vợ nhặt – Đề 4
Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:
– Ai đấy nhỉ? … Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?
– Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.
– Quái nhỉ?
Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc:
– Hay là vợ anh cu Tràng? ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.
– Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?
Họ cùng nín lặng.
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)
1. Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?
3. Câu văn Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ được sử dụng biện pháp tu từ gì? Ý nghĩa nghệ thuật biện pháp tu từ đó?
4. Từ văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình làng nghĩa xóm trong cuộc sống hôm nay?
Trả lời :
Câu 1 : Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
Câu 2 : Đoạn văn kể về những lời bàn tán của dân xóm ngụ cư khi nhân vật Tràng dẫn thị ( người vợ nhặt) về.
Câu 3: Câu văn sử dụng biện pháp tu từ đối lập : khuôn mặt hốc hác u tối-rạng rỡ ; đói khát, tăm tối – lạ lùng và tươi mát. Ý nghĩa nghệ thuật: Nhà văn khẳng định: chính khát vọng sống còn và khát vọng hạnh phúc trước mọi ý thức tuyệt vọng và tê liệt vì nạn đói, có tác dụng làm cho tâm hồn của người dân đói khổ, chết chóc đã rạng rỡ hẳn lên.
Câu 4 : Đoạn văn cần đảm bảo các ý:
– Dẫn ý bằng chính nội dung đoạn trích: người dân xóm ngụ cư kẻ mừng người lo khi thấy nhân vật Tràng dẫn thị về
– Tình làng nghĩa xóm là gì?
– Ý nghĩa của tình làng nghĩa xóm?
– Phê phán lối sống thực dụng đèn nhà ai nhà nấy sáng và nêu hậu quả.
– Bài học nhận thức và hành động?
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bộ đề đọc hiểu Vợ nhặt (Có đáp án) Các đề đọc hiểu bài Vợ nhặt tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.