Bạn đang xem bài viết Bệnh lang ben: Cách điều trị, nguyên nhân và biểu hiện của lang ben tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bệnh lang ben là một trong những bệnh da liễu phổ biến. Bài viết dưới cung cấp đến bạn thông tin về bệnh lang ben cũng như cách điều trị và phòng tránh hiệu quả, hãy đọc ngay nhé!
Lang ben là gì?
Lang ben (Tinea Versicolor hay Pityriasis Versicolor) là tình trạng da nhiễm nấm Pityrosporum ovale (hay còn được gọi là Malassezia furfur) và thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe hay gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng, nấm phát triển để lại những mảng da mất sắc tố, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Lang ben có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi hoặc chủng tộc, thường phổ biến ở độ tuổi thiếu niên và thanh niên. Lang ben rất hay gặp ở Việt Nam vì khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới. Bệnh đôi khi gây ngứa, nhất là khi ra nhiều mồ hôi.
Lang ben nếu không điều trị đúng cách và kịp thời sẽ lan khắp cơ thể, đặc biệt là lang ben có khả năng lây lan cho người xung quanh qua tiếp xúc da trực tiếp hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, dao cạo râu,…
Lang ben là tình trạng da nhiễm nấm, tạo các mãng sắc tố
Nguyên nhân gây ra bệnh lang ben
Vi nấm gây bệnh lang ben Pityrosporum ovale phát triển trên da bình thường, khỏe mạnh. Nhưng có một số yếu tố có thể làm nấm men tăng trưởng quá mức trên da, gây nhiễm trùng như:
- Thời tiết nóng và ẩm ướt.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Da dầu hoặc thoa kem có chất béo lên da.
- Hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc tăng tiết cortisol máu.
- Thay đổi nội tiết.
- Yếu tố di truyền.
Ngoài ra, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và bệnh ung thư cũng là những yếu tố rủi ro khiến tỷ lệ mắc lang ben cao hơn.
Triệu chứng của bệnh lang ben
Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, bệnh sẽ lây lan khắp cơ thể và dễ lây từ người này qua người khác theo 2 con đường:
- Tiếp xúc da trực tiếp.
- Gián tiếp qua việc sử dụng chung quần áo hoặc đồ dùng cá nhân (khăn mặt, khăn tắm, dao cạo râu…)
Các triệu chứng của lang ben có thể xuất hiện ở người bệnh như:
- Tăng hay giảm sắc tố da, nghĩa là xuất hiện các mảng da sáng màu hơn hoặc sậm màu hơn những vùng da xung quanh.
- Vùng thương tổn trên da biểu hiện nhiều màu sắc, phổ biến là màu nâu và trắng nhạt, đôi khi có màu hồng.
- Vùng thương tổn khô, ngứa và có vảy.
- Vùng da bị tổn thương thường biến mất khi thời tiết mát mẻ.
Lang ben đặc trưng bởi những đốm lạ khác màu trên da
Biến chứng của bệnh lang ben
Ở bệnh nhân lang ben, tình trạng mất thẩm mỹ, đổi màu ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể là vấn đề nan giải nhất đối với người bệnh. Tình trạng này khiến bệnh nhân cảm thấy mặc cảm, tự ti.
Đồng thời, các triệu chứng gây ngứa, khô, tróc vảy, đổ nhiều mồ hôi,… còn làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.
Cách chẩn đoán bệnh
Lang ben đặc trưng bởi tình trạng đổi màu trên vùng da của bệnh nhân. Do đó, khi chẩn đoán lang ben, bác sĩ thường dựa vào đặc điểm lâm sàng cũng như sang thương trên da của người bệnh là chính.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị, bác sĩ còn tiến hành thực hiện một số cận lâm sàng như:
- Kiểm tra đèn Wood: bác sĩ sử dụng ánh sáng tia cực tím, nếu bị bệnh lang ben, vùng da đó sẽ có màu màu vàng sáng hoặc vàng huỳnh quang hoặc màu vàng xanh lá cây nhạt.
- Soi trực tiếp vẩy da trong KOH 20% (kali hydroxit) hay xanh methylen: thấy nhiều sợi nấm có xu hướng vỡ thành các mảnh hình que ngắn trộn lẫn với cụm bào tử hình chùm nho, cho hình ảnh gọi là “thịt trong mì” (spaghetti and meatballs).
- Sinh thiết da: bác sĩ lấy mẫu da bằng cách cạo một số da và vảy từ khu vực bất thường để soi dưới kính hiển vi. Với trẻ em, bác sĩ có thể bóc tách các tế bào da bằng cách dán chặt băng keo trong vào vùng da bất thường, sau đó lấy ra. Sau đó, mẫu có thể được dán trực tiếp lên một phiến kính để nhìn bằng kính hiển vi.
Sang thương trên da là cơ sở chính để bác sĩ chẩn đoán bệnh lang ben
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu bạn cần đến gặp bác sĩ
- Tình trạng bệnh không cải thiện sau khi điều trị tại nhà.
- Tình trạng nhiễm nấm xuất hiện lại.
- Các mảng da bệnh lan rộng ở nhiều vùng cơ thể.
Nơi khám chữa bệnh lang ben
Nếu gặp các dấu hiệu nên trên, bạn có thể đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào để được thăm khám.
Tham khảo một số bệnh viện uy tín và nổi tiềng trong điều trị bệnh da liễu:
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh…
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…
Các phương pháp chữa bệnh lang ben
Thuốc chống nấm không kê đơn
Một số trường hợp lang ben mức độ nhẹ, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc sau đây:
- Clotrimazol: các dạng dùng ngoài da với giới hạn nồng độ ≤ 3%.
- Miconazole: các dạng dùng ngoài da.
- Selenium sulfide: các dạng dùng ngoài da.
- Terbinafine các dạng dùng ngoài với giới hạn nồng độ ≤ 1%.
- Ketoconazole dạng dùng ngoài với nồng độ Ketoconazol ≤ 2%.
- Ciclopirox.
- Các sản phẩm có chứa xà phòng kẽm pyrithione.
Thuốc chống nấm kê đơn
Trong trường hợp lang ben mức độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc sau giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh:
- Thuốc điều trị tại chỗ: Kem bôi Dermacol-B (Dexamethason, Miconazol, Acid Salicylic), Kem bôi Canasone C.B. (Betamethason, Clotrimazol)…
- Thuốc dùng toàn thân: Fluconazole, Itraconazole.
Điều trị tại nhà
Điều trị tại nhà đối với bệnh nhân lang ben chỉ phù hợp khi bệnh nhân ở mức độ nhẹ, phổ biến nhất là dùng những thuốc chống nấm không kê đơn ở trên do dược sĩ nhà thuốc hoặc bác sĩ tư vấn.
Tuy nhiên, bệnh lang ben nếu không được điều trị đúng cách có thể nhanh chóng lây lan cho những người xung quanh. Do đó, khi mắc bệnh, bạn nên đi gặp dược sĩ Nhà thuốc tư vấn và điều trị bệnh.
Biện pháp phòng ngừa
Bệnh lang ben hoàn toàn có thể phòng ngừa thông qua các biện pháp sau:
Tránh môi trường có nhiệt độ quá cao, độ ẩm quá lớn.
Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở cường độ mạnh, đặc biệt vào mùa hè.
Tránh ra mồ hôi quá mức, khi lao động hay tập luyện gắng sức cần lau mồ hôi khô.
Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt với người bệnh bị lang ben, hắc lào.
Thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn màn.
Trẻ nhỏ khi tắm cần lau người thật khô rồi mới mặc quần áo.
Thường xuyên giặt giữ quần áo để phòng ngừa bệnh lang ben
Các lưu ý khi điều trị lang ben
Để giúp bạn kiểm soát bệnh lang ben, bạn có thể:
- Tránh sử dụng các mỹ phẩm lên vùng da bị bệnh. Tránh để vùng da bị bệnh tiếp xúc với xà phòng, bột giặt, nước rửa bát và các hóa chất tẩy rửa thông thường khác.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, bởi có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh, và da rám nắng khiến các đốm nổi rõ hơn.
- Thoa kem chống nắng mỗi ngày. Sử dụng công thức phổ rộng, dạng không gây nhờn dính với chỉ số chống nắng tối thiểu (SPF) là 30.
- Dùng dầu gội có thành phần Ketoconazole 2%: thoa dầu gội lên da ướt, để bọt trong 5 phút rồi xả bằng nước sạch để trị lang ben khu vực da xung quanh đầu.
- Mặc quần áo rộng rãi, chọn các loại vải thoáng khí để giảm tiết mồ hôi. Nên vệ sinh cẩn thận chăn màn, vệ sinh thường xuyên mũ nón, mũ bảo hiểm, giặt quần áo sạch sẽ, phơi khô, nhúng nước sôi nếu có thể.
Xem thêm
- Mụn cóc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Bệnh hắc lào, nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm
- Giời leo có lây không? Triệu chứng và cách điều trị giới leo
Hy vọng qua bài viết này, bạn biết thêm nhiều thông tin về nguyên nhân và cách điều trị và phòng ngừa lang ben. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng đọc nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, Healthline, Cleveland Clinic, WebMD
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh Duy
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bệnh lang ben: Cách điều trị, nguyên nhân và biểu hiện của lang ben tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.