Bạn đang xem bài viết Bài viết số 3 lớp 6 đề 4: Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất Dàn ý & 10 bài viết số 3 lớp 6 đề 4 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 6: Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất gồm 2 dàn ý, cùng 10 bài văn mẫu. Giúp cho các em học sinh lớp 6 tham khảo, tích lũy vốn từ, luyện tập hoàn thiện bài văn kể chuyện của mình và chuẩn bị cho bài viết số 3 trên lớp đạt kết quả cao. Vậy mời các em cùng tham khảo nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây:
Đề bài:Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp các thiếu niên vượt khó,…)
Dàn ý kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất
Dàn ý chi tiết số 1
A. Mở bài.
– Cuộc gặp gỡ diễn ra khi nào? ở đâu? với ai?
B. Thân bài.
– Kể các chi tiết trong buổi gặp gỡ ấy.
+ Mở đầu cuộc gặp gỡ như thế nào?
+ Diễn biến cuộc gặp gỡ ra sao? (các sự việc, không khí, quang cảnh,…).
+ Cuộc gặp gỡ kết thúc trong không khí như thế nào?
– Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ là gì?
C. Kết bài.
– Cuộc gặp gỡ để lại trong em những ấn tượng gì? Giúp em mở rộng hiểu biết và quan hệ ra sao?
Dàn ý chi tiết số 2
I. Mở bài: Giới thiệu về cuộc gặp gỡ
Vừa rồi, nhân dịp kỉ niệm 22/12 nhà trường tổ chức cho lớp em đi thăm quân khu 5, nơi các chú bộ đội tập luyện. khi đến nơi, em rất bỡ ngỡ về sự tráng lệ và rộng lớn của nơi này. ở đây có máy bay, xe tăng, khiến em rất thích thú. Điều mà em thích thú nhất khi đến đây là được gặp các chú bộ đội, người em ấn tượng nhất là chú Dũng, em rất mến chú.
II. Thân bài: kể về cuộc gặp gỡ
1. Cuộc gặp như thế nào?
– Tụi em đi thành một tốp thẳng hàng vào bên trong quân đội
– Chúng em đi thăm mọi nơi của quân khu
– Khi đến thao trường, em nhìn thấy các chú tập luyện
– Em ấn tượng nhất với chú cầm cây súng đứng yên canh gác không hề động đậy
– Em tò mò và ngạc nhiên đứng nhìn
– Bỗng chú đến bên em và hỏi em nhìn gi.
2. Diễn biến cuộc gặp:
– Em và chú nói chuyện với nhau
– Chú hỏi tên em, ba mẹ em
– Em và chú nói chuyện rất vui
– Chú kể về công việc của chú cho em nghe
– Em và chú nói chuyện mà không biết đến giờ em phải về
3. Kết thúc cuộc gặp gỡ:
– Em chào chú về
– Chú xoa đầu em nói em gắng học và nghe lời ba mẹ
– Chú hứa sẽ đến thăm em
4. Ấn tượng về người gặp:
– Chú rất đẹp trai và oai phong
– Chú rất vui tính và thân thiện
– Chú vô cùng ân cần
III. Kết bài: cảm nghĩ của em về cuộc gặp gỡ
– Đây là cuộc gặp gỡ thú vị
– Cuộc gặp gỡ cho em biết nhiều điều về những điều em chưa biết
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 1
Tết Trung Thu vừa rồi, trường em đã tổ chức chương trình tại làng trẻ SOS của thành phố. Ở đó, em được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn luôn tràn đầy niềm yêu đời, niềm tin vào cuộc sống.
Tối hôm đó, chưa đến 6 giờ tối, em đã cùng các bạn đến làng trẻ SOS để chuẩn bị cho bữa tiệc trung thu. Khi đến nơi, bàn ghế đã được xếp sẵn. Em và các bạn đội hậu cần chia nhau sắp xếp hoa quả, bánh kẹo lên bàn, rồi gói các phần quà vào từng chiếc túi nhỏ. Bận rộn vô cùng để kịp bắt đầu chương trình lúc 20 giờ. Chợt, có một tiếng nói vang lên:
– Mọi người có cần giúp gì không ạ?
Quay đầu nhìn lại, em thấy có năm bạn học sinh đang bẽn lẽn đứng ở phía sau nhìn chúng em. Chị phụ trách nhanh chóng gật đầu, thế là các bạn ấy cũng gia nhập ngay vào đội hậu cần. Thật ngạc nhiên, em thấy các cậu ấy làm nhanh quá. Những chiếc túi được buộc dây, xếp bìa, những chùm quả được cắt tỉa… tất cả thật đẹp và nhanh chóng. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của em, cậu bạn lớn nhất cười và bảo:
– Ngày thường, mình hay phụ mẹ làm việc, rồi ra làm ở quán cơm nên thạo việc này lắm.
Nhìn nụ cười của cậu ấy, em chợt chạnh lòng. Vì không có bố mẹ ở bên, cho nên những cô bé, cậu bé trạc tuổi em ấy đã phải sớm tự lo cho cuộc sống của mình. Ấy vậy, mà các cậu ấy vẫn yêu đời và vui vẻ, thật đáng ngưỡng mộ. Với sự giúp đỡ của các bạn nhỏ ở làng trẻ, chúng em hoàn thành nhanh chóng trước giờ bắt đầu chương trình.
Đúng 20 giờ, buổi phá cỗ bắt đầu. Khắp sân ngồi kín các bạn học sinh chúng em và các bạn nhỏ ở làng trẻ SOS. Trông ai cũng tươi vui, rạng rỡ. Đến cuối buổi lễ, đại diện của làng trẻ SOS lên phát biểu. Thật tình cờ, đó chính là cậu bạn lúc nãy đã giúp em gói quà. Cầm mic trên tay, cậu ấy nghẹn ngào phát biểu:
– Em thay mặt tất cả các anh chị em ở đây cảm ơn các thầy cô và các bạn đã tổ chức cho chúng em một đêm hội trung thu vui vẻ như thế này. Thật sự thì nếu không có mọi người, chúng em sẽ khó có một buổi tối ý nghĩa như thế này, vì không có đủ điều kiện kinh tế. mà bố mẹ thì…
Nói đến đó, cậu ấy dừng lại vì quá xúc động. Chúng em ở dưới cũng nghẹn ngào. Lấy dũng khí, em chạy lên bục và ôm chầm lấy cậu ấy. Rồi nói tiếp: “ Không sao cả, chúng ta là một gia đình với nhau mà, các cậu còn có má, có anh chị em và có chúng tớ. Đúng không?”. Sau đó, chúng em dẫn nhau rời khỏi sân khấu, ngồi xuống ghế mà lòng ấm áp khó tả.
Tối hôm đó, đã muộn mà em vẫn trằn trọc khó ngủ. Bởi càng nghĩ về những cô bé, cậu bé ở làng trẻ SOS em lại càng yêu quý, xót xa cho những số phận ấy. Đồng thời lại càng ngưỡng mộ nghị lực phi thường, vượt qua khó khăn để trở thành những con người có ích. Chẳng ai trong các bạn ấy ủ dột hay chán chường, ai cũng hào hứng khi nói về ước mơ của mình. Và trong các cậu ấy, ai cũng học hành chăm chỉ. Không phải ai cũng là học sinh giỏi xuất sắc, nhưng ai cũng ngoan ngoãn, thật thà. Điều đó thật là đáng quý.
Sau lần gặp gỡ đó, em càng có thêm động lực để cố gắng học tập hơn, và trở thành một người con ngoan. Để xứng đáng với sự quan tâm, yêu thương của bố mẹ và thầy cô.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 2
Vào giữa tháng 9 vừa rồi, vào ngày cuối tuần đầu tiên sau khi khai giảng. Em cùng cả lớp được cô giáo dẫn đến gặp gỡ, giao lưu cùng các bạn học sinh ở trường dân tộc nội trú.
Suốt tối trước khi đi, em háo hức và suy nghĩ đến không ngủ được. Vì từ trước đến giờ em mới chỉ được nghe chứ chưa từng được tiếp xúc với các bạn nhỏ ở vùng cao. Sáng hôm sau, em dậy sớm, sửa soạn và có mặt ở cổng trường từ 6 giờ sáng. Sau đó, chiếc xe dần lăn bánh, đưa chúng em đến với ngôi trường đã chờ đợi từ hôm qua. Nhìn qua cửa kính, những ngôi nhà khuất dần sau hàng cây xanh. Dần dần, thành phố ở lại phía sau lưng, trước mặt chúng em là những cánh đồng, những hàng cây, xanh mướt. Vậy là xe đã ra khỏi nội thành. Rồi xe bắt đầu leo lên dốc, đi vào một lối đi được cây xanh tỏa bóng mát rượi. Chợt em nhìn thấy thấp thoáng giữa những tán lá là mái ngói đỏ tươi. Đó chính là điểm đến của hôm nay.
Sau một quãng đường dài, xe dừng lại trước một cánh cổng, tấm biển Trường phổ thông dân tộc nội trú Chà Leo. Bước xuống xe, em ngỡ ngàng trước khung cảnh nơi đây. Bởi nó khác quá nhiều so với những ngôi trường mà em đã học, đã ghé thăm. Xung quanh ngôi trường là ruộng lúa, rừng cây xanh mướt, yên tĩnh không chút ồn ã của phố xá. Cả ngôi trường chỉ gồm ba tòa nhà cấp bốn, xếp thành hình chữ U hướng ra cổng. Tuy nhỏ bé, nhưng ngôi trường rất sạch sẽ và thoáng đãng. Ở giữa là sân chính, phần nền là đất được nén chặt tạo thành mặt phẳng, tạo chỗ cho học sinh vui chơi. Bước vào sân, ở đó có vài thầy cô và các bạn học sinh đang đón chào chúng em. Ai cũng tươi cười, rạng rỡ. Sự nhiệt tình ấy khiến em cảm thấy vô cùng vui vẻ và hạnh phúc.
Trong lúc các thầy cô trò chuyện cùng nhau, thì em và các bạn được dẫn đi tham quan trường học. Vừa đi, chúng em vừa được nghe những câu chuyện thú vị ở nơi đây. Thì ra, các bạn học sinh ở đây đều thuộc các dân tộc thiểu số. Suốt cả tuần, các bạn ở trường, đến cuối tuần sẽ về nhà, tranh thủ phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Ở trường, các bạn có cùng thầy cô trồng thêm rau củ để cải thiện bữa ăn. Khi giới thiệu khu vườn với chúng em, em nhận thấy rõ sự tự hào của các cậu ấy. Rồi vào những lớp học, em ngạc nhiên trước sự đơn giản ấy. Trong lớp, chỉ có bàn ghế và bảng đen, cùng chiếc tủ cũ. Không có điều hòa, máy chiếu, micro… Tất cả khiến em vô cùng khâm phục những người học sinh nơi đây. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng họ vẫn kiên trì, chăm chỉ học tập.
Đến lúc trở về, không khí vô cùng bịn rịn. Tuy chỉ mới gặp nhau trong một buổi sáng, nhưng em đã vô cùng yêu quý mọi người và cảnh vật nơi đây. Trên đường trở về, em luôn mong rằng mình sẽ sớm được trở lại thăm những người bạn yêu quý ấy. Hy vọng rằng lúc đó, Vừ A Cháng đã thực hiện được ước mơ xây dựng ngôi trường trở nên khang trang, hiện đại hơn của mình.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 3
Dân gian ta có câu: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” quả là không sai. Máu mủ tình thân luôn là điều thiêng liêng và tốt đẹp của cuộc sống. Em vẫn còn nhớ ngày bé, em có một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và cảm động với người bác đã thất lạc ông bà từ rất lâu về trước.
Hôm đó là một ngày đông lạnh giữa tháng mười hai giá rét. Ông ngoại sang nhà em và nói với bố em, bác Hồng đã liên lạc và sắp đến thành phố em chơi. Một năm về trước, bố em đã đưa ông ngoại về Nam Định với mong muốn liên lạc được với bác nhưng đành ra về mà chẳng có chút thông tin. Cách đây vài tháng, bố em lại đưa ông về Nam Định một lần nữa, và lần này thì ông đã tìm được bác. Ông kể rằng, bác đã khóc khi gặp lại được ông sau bao năm xa cách và hẹn ông sẽ ra thăm ông vào một dịp gần nhất.
Em chưa bao giờ nghe kể về bác trước đây. Em hỏi mẹ thì được biết, bác là con trai cả của ông ngoại em. Ngày còn thanh niên, bác phải đi làm xa, lại vào đúng thời kỳ xã hội loạn lạc, ông em vì điều kiện khó khăn phải chuyển nhà nên bác và ông thất lạc nhau từ ngày đấy. Sau mấy chục năm thất lạc, cuối cùng bác cũng tìm được người thân, chắc bác vui lắm.
Bác đến chơi nhà ông bà vào một ngày lạnh buốt nhưng bầu trời vô cùng quang đãng. Hôm đó nhà ông bà rất đông người, toàn là anh em họ hàng của mẹ em, sang để gặp bác. Khi bác bước vào nhà, điều đầu tiên mà em cảm nhận được về bác là sự ấm áp. Có lẽ vì bác có ngoại hình giống hệt ông ngoại, mà ông ngoại rất thương và yêu em nên em cảm thấy ở bác sự gần gũi, thân thuộc. Bác vừa gặp lại mẹ em đã vừa khóc vừa cười. Cuộc hội ngộ của hai anh em không có một lời nào tả hết được. Đó là sự vui mừng, hạnh phúc, cả những tủi hờn vì xa cách bao lâu. Bác vào nhà nắm tay từng người lớn trong gia đình, hỏi han sức khỏe của mọi người, hỏi han tình hình học tập của tụi nhỏ chúng em.
Bác ngồi lắng nghe câu chuyện của ông bà khi tuổi về già, về những ngày tháng vắng bác trong gia đình ngày ấy, trống vắng và buồn bã vô cùng. Bác cũng kể cho mọi người nghe về những năm tháng cơ hàn mưu sinh nơi đất khách quê người, về nỗi nhớ gia đình và quê hương khôn xiết, về nỗi tuyệt vọng khi bao lần tìm về chốn cũ nhưng không tìm được bố mẹ và các em. Bác kể rằng, đã phải làm rất nhiều công việc, ai thuê gì làm nấy, cuộc sống vô cùng vất vả. Em nghe những lời tâm sự của bác mà thương bác vô cùng. Chắc chắn bác đã có khoảng thời gian vô cùng khó khăn và vất vả, lại phải chịu cảnh xa người thân và quê hương quá sớm. Em vừa thương, vừa nể phục bác, nể phục ý chí vươn lên và nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của bác.
Mọi người nói chuyện xong thì cùng nhau ăn uống. Mẹ em và các chị lớn trong nhà đã chuẩn bị một bữa cơm với đầy đủ đặc trưng của quê hương, như một món quà lớn về tinh thần muốn dành tặng bác sau ngần ấy năm lưu lạc tha phương. Dù tay nghề của mẹ em không được ngon xuất sắc nhưng bác ăn rất nhiều và tấm tắc khen ngợi.
Sau bữa cơm, cả nhà lại quây quần bên nhau cùng uống cốc trà nóng. Bác bảo bác rất nhớ cái lạnh của miền Bắc, nhớ những kỷ niệm ngày còn bé bên bố mẹ và các em. Em lúc đó ngồi ngay cạnh bác. Bác kể chuyện xong thì quay sang hỏi chuyện em. Bác xoa đầu em đầy hiền từ, đuôi mắt là nếp nhăn in hằn những năm tháng cơ cực nhưng lại ánh lên sự lương thiện, chất phác. Bác hỏi em học hành có chăm chỉ không, hỏi em có vâng lời bố mẹ không rồi khuyên em chuyên tâm học hành là mục tiêu đầu tiên, bác dặn em dù làm gì cũng phải đặt tấm lòng của mình vào đó, nếu có việc khó thì không nản lòng. Em lắng nghe và thầm ghi nhớ những lời bác dạy em. Bác thật gần gũi và ấm áp!
Bác cùng cả nhà lên kế hoạch sẽ đi du lịch vào dịp Tết âm lịch, bác sẽ đưa cả gia đình đi cùng. Bác ở nhà em chơi vài ngày rồi trở lại miền Nam để làm việc.
Buổi gặp gỡ đầy xúc cảm ngày hôm đó đã để lại trong em những ấn tượng không thể phai mờ. Em sẽ luôn yêu thương và trân trọng những người thân quanh mình.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 4
Xe dừng bánh, cả doanh trại bộ đội rộng lớn, sạch sẽ, ngăn nắp hiện ra trước mắt. Hội trường trang hoàng lộng lẫy, các bác các chú quân phục chỉnh tề, gương mặt rạng rỡ, tự hào. Chúng em vây quanh các chiến sĩ áo xanh, mặt các bạn hớn hở, hãnh diện lạ thường! Chúng em hỏi các chú nhiều chuyện lắm, cả về lịch sử ra đời ngày 22/12 nữa. Giờ thì chúng em đã biết: Bác Hồ chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944. Ngay sau đó đội đánh thắng 2 trận liên tiếp tại Phăy Khắt, Nà Ngần. Đội ngày càng lớn mạnh và được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Và từ đó lấy ngày 22/12 làm ngày truyền thống. Bây giờ thì em đã hiểu lịch sử ra đời của ngày 22/12, hiểu về truyền thống yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Càng hiểu em càng thấy trân trọng và muốn khắc ghi vào tiềm thức đến nhớ về một thời kì hào hùng với những con người quả cảm của một đất nước bé nhỏ mà kiên cường…
Chúng em còn được nghe kể nhiều về những chiến công anh dũng, hào hùng của những người lính cụ Hồ, về những tháng năm bôn ba chinh chiến chống kẻ thù xâm lược, những gian khổ hy sinh không thể diễn tả bằng lời. Đến thời bình, bộ đội đâu đã hết nguy nan: Những đêm tuần tra lạnh run người khi truy bắt tội phạm chống lại những lực lượng thù địch phá hoại từ bên ngoài, những lúc giúp dân chống thiên tai, lụt lội. Nhìn gương mặt rắn giỏi, xám đen vì nắng gió, nghe những câu chuyện kể và chứng kiến vẻ bình thản của những chiến binh, em thật sự thấy rất cảm động xen lẫn cả niềm tự hào, biết ơn sâu sắc. Trong dòng cảm xúc khó tả, ấy em lại được vinh dự thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ tình cảm của mình: “Kính thưa các bác, các chú, chúng cháu may mắn được sinh ra và lớn lên trong một dân tộc anh hùng. Chúng cháu biết để có được cuộc sống hòa bình hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều, bằng cả nước mắt và máu xương của bao người đã hy sinh cho Tổ quốc. Để thể hiện lòng biết ơn của thế hệ mình đối với cha anh, chúng cháu hứa sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành những công dân có ích, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước. Có như vậy mới xứng đáng với truyền thống cao quý của dân tộc, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh. “Em ngồi xuống mà thấy tay mình vẫn còn run, trái tim lâng lâng một cảm xúc bay bổng lạ kì .
Ánh nắng đã nhạt dần, chúng em chia tay với các bác, các chú trong lưu luyến. Buổi gặp gỡ đã khơi dậy những ước mơ trong em, tăng thêm lòng quyết tâm và niềm tin của em vào một tương lai tươi sáng.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 5
Nhân ngày hai mươi hai tháng mười hai – ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày quốc phòng toàn dân, trường em đã tổ chức đưa học sinh đến thăm các chú bộ đội hải quân ở quần đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa để hiểu rõ về công việc, nhiệm vụ mà các chú đang phải thực hiện.
Sau hai giờ đi tàu trên biển, cuối cùng chúng em cũng đến được quần đảo Trường Sa, nơi đóng quân của các chú bộ đội hải quân.
Ấn tượng đầu tiên về nơi đây đó là sự tĩnh lặng, trang nghiêm và khá vắng vẻ, không có nhiều người qua lại như nơi em sinh sống, cũng không có xe cộ qua lại tấp nập.
Trước cổng vào là hai chú bộ đội đang canh gác, các chú mặc quần áo của bộ đội, áo màu trắng, trên cổ có diềm màu xanh dương, đội mũ màu trắng, trên vai đeo một khẩu súng dài rất nghiêm trang, bệ vệ.
Khi nhìn thấy thầy giáo dẫn đoàn dẫn chúng em vào, các chú đã tiến lên trước một bước, để tay lên trán chào theo đúng kiểu quy định trong quân đội, đám học sinh chúng em cũng bị không khí nghiêm túc nơi đây ảnh hưởng, không còn tiếng cười đùa như còn ở trên tàu nữa, đồng loạt không ai bảo ai, chúng em cũng dơ tay lên chào lại với các chú ấy. Lúc ấy em cảm thấy mình và các bạn thật giống những chú lính nhỏ tuổi. Sau khi được sự đồng ý của các chú bộ đội gác cổng, chúng em được một chú bộ đội khác dẫn vào hội trường của đơn vị đóng quân nơi đây. Hội trường rất rộng, trên khán đài được bày một bục cao để trò chuyện, bên cạnh là ảnh bác Hồ, trên tường là mô hình của ngôi sao năm cánh và cờ đỏ búa liềm. Chúng em ai cũng ngơ ngác, liếc ngang ngó dọc khắp hội trường một cách thích thú, tò mò.
Lên trò chuyện với chúng em là một bác đại úy khá lớn tuổi – bác là một cựu chiến binh của binh đoàn hải quân ở quần đảo Trường Sa này.
Bác có vóc người cao lớn, giọng nói to, hào sảng và rất nghiêm trang. Bác đã kể cho chúng em nghe về quá trình đấu tranh gian khó trong những ngày đất nước có chiến tranh rồi ý nghĩa của ngày hai hai tháng mười hai hôm nay. Chúng em đã rất chăm chú nghe và ghi nhớ những lời bác đã nói. Cũng có rất nhiều bạn đã dơ tay đứng lên hỏi bác những câu hỏi như: Vì sao lại phải thành lập quân đội nhân dân Việt Nam? Hay Ai là người chủ trương thành lập? Bác đã cặn kẽ giải đáp những thắc mắc của từng bạn và còn giải thích thêm để chúng em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày này.
Khác với vẻ nghiêm trang, trịnh trọng mà chúng em cảm nhận được ban đầu, khi kể về những câu chuyện vui khi bác còn là một người lính, giọng bác trở lên rất sôi nổi, hóm hỉnh. Bác kể đời lính tuy có vất vả nhưng lại rất vui, mọi người sống cùng với nhau, sát cánh bên nhau trong những ngày gian khổ nhất. Những câu chuyện của bác kể rất thú vị và hấp dẫn, qua đó chúng em hiểu được nhiều hơn về cuộc sống của người lính trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sau khi trò chuyện, bác đại úy lại dẫn chúng em ra nơi các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ canh gác, đó là một cái chòi lớn ở trên cao. Các chú bộ đội hải quân đứng nghiêm trang làm nhiệm vụ. Vì đây là đường biên giới trên biển của nước ta nên mọi hoạt động quan sát, bảo vệ đều được thực hiện rất cẩn trọng, nghiêm túc.
Các chú hải quân phải đứng trực trên đây hai tư trên hai tư, các chú luân phiên nhau trực, không có một chút lơ là, mất cảnh giác. Công việc tưởng như nhàn, chỉ việc đứng nghiêm canh gác nhưng thực chất rất khó khăn và tốn nhiều sức lực, các chú phải đứng nghiêm một tư thế mà vẫn đảm bảo quan sát được mọi tình hình diễn ra bên dưới, dù mệt nhưng cũng không được tự ý nghỉ ngơi mà phải cần có sự cho phép của cấp trên. Thời tiết ở đây rất lạnh, gió biển thổi mạnh đưa hơi nước biển tạt vào mắt làm mắt em cay xè, đôi mắt không thể mở ra nổi, nhưng các chú vẫn đứng canh gác rất hiên ngang, không hề tỏ ra mệt mỏi, uể oải. Điều này làm em rất kính phục các chú.
Khi đi quan sát nơi ở của các chú bộ đội em mới biết các chú phải sinh hoạt trong một không gian rất nhỏ, một phòng có từ bảy đến tám người, ngủ trên những chiếc giường tầng nhỏ xíu. Mọi sinh hoạt đều không được đầy đủ, tiện nghi như ở thành phố. Ở đây các chú bộ đội hải quân vừa làm nhiệm vụ vừa tham gia sản xuất, nhìn khu vườn đầy rau xanh, những con lợn béo tốt nuôi trong vườn em lại càng cảm phục tinh thần và ý thức chiến đấu, bảo vệ tổ quốc của các chú.
Làm việc nơi thời tiết có phần khó khăn, khắc nghiệt nhưng các chú bộ đội hải quân vẫn ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự bình yên của dân tộc, cho đất nước. Chuyến đi ngày hôm đó làm em hiểu sâu sắc hơn về công việc của các chú bộ đội, càng làm em thêm yêu và kính trọng các chú hơn nữa.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 6
Việt Nam là đất nước với truyền thống yêu nước và đấu tranh kiên cường. Những con người chiến sĩ trong màu áo xanh kiên cường dũng cảm chiến đấu, ngày đêm canh gác bảo vệ đất nước là hình ảnh đẹp và sáng lòa trong những năm tháng chiến đấu khó khăn vất vả. Nhân ngày 22/12, ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam trường đã tổ chức cuộc giao lưu trò chuyện với những anh bộ đội để có thêm suy nghĩ , tình cảm của mình về thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Hôm đó, cả hội trường được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, các bác, các chú quân phục chỉnh tề, trên ngực mang những huy chương lấp lánh, gương mặt rạng rỡ, đầy tự hào. Chúng em vây quanh các chiến sĩ áo xanh, các bạn hớn hở, hãnh diện lạ thường! Sau lời giới thiệu của cô hiệu phó, tiếng vỗ tay vang vọng khắp cả hội trường cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí rất vui vẻ và ấm áp. Mai Lan – hội trưởng hội học sinh đứng lên thay mặt mọi người hỏi thăm sức khỏe của các bác. Nhìn những tấm huân chương sáng lấp lánh trên ngực áo, em thấy một phần công lao của các bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Các bác kể cho chúng em rất nhiều điều về quân đội, về những tháng năm kháng chiến trường kì của dân tộc. Bác Tâm- người có nhiều năm sống và chiến đấu nhất nói cho chúng em rất nhiều điều:
– Các cháu có biết ngày 22/12 ra đời như thế nào không?
Cả hội trường im phăng phắc trong câu hỏi của bác. Tất cả đều chăm chú nghe Bác nói.
– Thế này các cháu ạ! Vào ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ta ra chỉ thị cho các cấp sửa soạn khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Không khí lúc bấy giờ sôi sục trong tất cả các khu căn cứ. Chính bác cũng cảm nhận được bầu không khí bận rộn. Tình hình thời cuộc lúc này rất khẩn trương, vào khoảng tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nêu rõ “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt… Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”. Sau đó, theo chỉ thị của Cụ Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ngày 22- 12-1944 nhằm phát động phong trào đấu tranh cả chính trị và quân sự để thúc đẩy quá trình cách mạng tiến lên mạnh mẽ hơn nữa. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phay Khắt và Nà Ngần. Từ đó ngày 22-12-1944 đã trở thành ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cháu đã rõ chưa nào?
Vừa nói Bác vừa nhìn chúng em cười thật hiền. Hóa ra ngày 22/12 ra đời mang ý nghĩa như thế. Càng hiểu em càng thấy trân trọng và muốn khắc ghi vào tiềm thức để nhớ về một thời kỳ hào hùng với những con người quả cảm của một đất nước bé nhỏ mà kiên cường… Chúng em còn được nghe kể nhiều về những chiến công anh dũng,hào hùng của những người lính cụ Hồ, về những tháng năm bôn ba chinh chiến chống kẻ thù xâm lược, những gian khổ hi sinh không thể diễn tả bằng lời. Đến thời bình, bộ đội đâu đã hết nguy nan: Những đêm tuần tra lạnh run người khi truy bắt tội phạm chống lại những lực lượng thù địch phá hoại từ bên ngoài, những lúc giúp dân chống thiên tai, lũ lụt… Bác Tâm nhìn xa xăm như nhớ lại điều gì đó nói với chúng tôi:
Bác nhớ nhất lần hành quân ở cánh rừng Trường Sơn. Đại đội lúc đầu là chín chục người, hơn ba tháng hành quân, quân số đơn vị còn lại 65 người, phần do hi sinh bị bom, phần bị thương, số còn lại thì bị bệnh sốt rét nằm lại tại các binh trạm, cũng may là mình vẫn là hạt gạo trên sàng. Bác thương nhất là thằng Tâm, nó ít tuổi nhất đội nên vẫn gọi trêu là Út Tâm. Đang hành quân thì nó lên cơn sốt rét ác tính, đơn vị cử người thay nhau khiêng nhưng nó khăng khăng không chịu, nó nói: “Các anh đã hơn ba tháng trời đi bộ, mang vác quân trang, quân dụng quá nặng, nay lại phải khiêng em thì thật không nên tý nào, hãy để em nằm lại cứ mắc võng cho em là được”. Nhưng chính trị viên đại đội không cho phép mà tiếp tục cáng đi không ngờ trên chặng đường hành quân Út Tâm không chống đỡ được, mất luôn khi ngay trên cáng. Đơn vị dừng lại chôn cất làm lễ truy điệu cho nó xong mới hành quân. Vừa mới đi được khoảng một ki lô mét thì phía trước B52 rải thảm, nếu đơn vị không dừng lại chôn cất làm lễ truy điệu Tâm thì cả đơn vị đã bị bom B52 “xơi” trọn gói. Cả trung đội lúc đấy trầm lặng hẳn, rồi chợt có người nói: “Thằng Tâm nó linh thiêng thật, cứu đơn vị mình”. Lúc đó không biết nói gì nữa, vừa thương lại vừa buồn.
Bác còn kể nhiều câu chuyện lắm. Những câu chuyện của các bác tái hiện lại một phần những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt gian khổ. Nguy hiểm trập trùng, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng người lính vẫn giữ cho mình nụ cười, tinh thần lạc quan của người lính trẻ nguyện hết mình cống hiến hết thảy cho độc lập chủ quyền, hạnh phúc của dân tộc. Trong dòng cảm xúc khó tả ấy em lại được vinh dự thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ, tình cảm của mình. Với những xúc động khi được nghe câu chuyện của các bác, tôi được cử thay mặt mọi người nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình:
– Thưa các bác, các chú!. Chúng cháu là thế hệ may mắn được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Tuy nhiên, qua buổi gặp gỡ và trò chuyện hôm nay, chúng cháu đã phần nào biết được sự gian khổ và mất mát hi sinh của những người đi trước. Hiểu được điều ấy, chúng cháu càng khâm phục, ngưỡng mộ và tự hào về thế hệ cha anh. Chúng cháu càng trân trọng những giá trị của cuộc sống tự do mà chúng cháu đang được hưởng. Chúng cháu xin hứa sẽ chăm chỉ học tập rèn luyện, tu dưỡng để trở thành những công dân có ích, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước
Tôi vừa cất lời những tràng pháo tay của các chú bộ đội vang lên giòn giã. Cũng chỉ là những lời tôi đã từng biết, nhưng hôm nay tôi nói với tất cả tấm lòng mình. Chiến tranh đã làm tổn hại bao nhiêu sinh mạng vô tội, họ đã vì mình mà hi sinh tất cả vì Tổ quốc. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với đất nước. Bây giờ đất nước ta đã hoà bình, đã được độc lập, tự do. Vì vậy chúng ta, thế hệ trẻ tương lai của đất nước cần rèn luyện và học tập thật tốt để dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh không phụ sự hi sinh cống hiến mà các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 7
Nhân ngày thành lập quân đội Nhân Dân Việt Nam, học sinh cả trường em được vinh dự chào đón những anh bộ đội cụ Hồ. Đã từ rất lâu, chúng em chỉ được hình dung các anh bộ đội anh dũng bất khuất qua những bài thơ, bài hát, bức tranh, nay được nhìn thấy các anh trong bộ quần áo màu xanh đầy ý nghĩa ấy thật là một dịp hiếm có. Là một liên đội trưởng của trường, em may mắn được các thầy cô cho phát biểu về cảm nghĩ của mình về thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh vì tổ quốc. Buổi lễ diễn ra, trước toàn thể các bạn học sinh, trước các thầy cô giáo yêu quý và những anh bộ đội, em bước lên bục phát biểu rõ ràng và đầy tình cảm.
Kính thưa các thầy cô giáo, kính thưa các anh bộ đội và các bạn học sinh thân mến. Để có cuộc sống hòa bình ngày hôm nay, để trẻ em được đến trường, để con người Việt Nam được sống trong tự do hạnh phúc thì đã có biết bao nhiêu thế hệ cha anh đã ngã xuống, họ không ngần ngại hi sinh tính mạng của mình đổi lấy sự hòa bình và độc lập. Ngày hôm nay em thật vinh dự khi được đứng trên này, nhân dịp ngày thành lập quân đội Nhân Dân Việt Nam để gửi tới thế hệ cha anh – những người anh hùng đất nước lời tri ân sâu sắc nhất.Thế hệ cha anh chúng ta đã phải trải qua biết bao nhiêu gian khổ, họ đã từng bị nô lệ, đã từng bị đàn áp đẫm máu. Họ phải trong cảnh nghèo nàn cơm không có mà ăn, nước chẳng có mà uống. Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã trải biết bao nhiêu bom đạn xuống mảnh đất nhỏ bé của chúng ta và cướp đi biết bao nhiêu tính mạng con người Việt Nam. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con mồ côi cha, những người chiến sĩ mất đồng đội. Họ không những đánh đổi cả hạnh phúc cá nhân mình mà còn quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Có những người chiến sĩ bị giặc bắt họ thà chết chứ không chịu khai, họ phải chịu biết bao cực hình sống không bằng chết. Hẳn trong chúng ta ai cũng biết đến những cái tên như Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi…Họ đều là những người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho tấm lòng yêu đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương trong lòng người vẫn còn mãi. Chất độc màu da cam vẫn để lại di chứng cho biết bao nhiêu con người. Vì đâu mà những thế hệ cha anh lại quyết hi sinh như vậy. Vì đất nước, vì nhân dân. Chúng ta không thể chịu sống hèn sống kém, chúng ta không thể sống mà không tự do. Hồ Chí Minh tiêu biểu cho ý chí sắt đá của thế hệ cha anh. Người đã làm nhiều nghề đi nhiều nước để tìm ra con đường cứu nước.
Vì thế chúng ta cần “uống nước nhớ nguồn” “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Thế hệ cha anh đã hi sinh cả xương máu của mình để làm nên đất nước thì chúng ta những người sống trong cảnh hòa bình no đủ thì cần phải giữ gìn xây dựng đất nước giàu mạnh hơn nữa. Em xin thay mặt các bạn học sinh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thế hệ cha anh đã làm nên đất nước ngày hôm nay.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 8
Uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ bao đời nay. Trong buổi lễ kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) năm nay, tôi đã được gặp gỡ các chú bộ đội và may mắn là người thay mặt các bạn để phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. Giây phút ấy khiến cho tôi thực sự xúc động.
Buổi gặp gỡ được tổ chức tại hội trường của trường tôi. Từ sáng sớm, chúng tôi đã đến trường để chuẩn bị chu đáo mọi thứ để cuộc gặp gỡ được diễn ra tốt đẹp nhất. Tôi và vài bạn nữa mang khăn trải bàn từ nhà đi, đặt lọ hoa, chuẩn bị cả nước, hoa quả và bánh trái bày biện trên bàn thật đẹp. Buổi lễ được bắt đầu vào lúc 7h30. Các thầy cô giáo đều đã đến đông đủ. Lũ học trò chúng tôi thì háo hức chờ đợi. Cuối cùng thì các chú bộ đội cũng tới trong bộ quân phục màu xanh lá, với quân hàm và huy chương mà các chú có được trong suốt cả cuộc đời.
Sau nghi thức chào cờ, thầy hiệu trưởng đã đọc diễn văn chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Kết thúc bài phát biểu của thầy hiệu trưởng, một chú bộ đội thay mặt cả đoàn lên trò chuyện với chúng tôi. Chú là một người cương nghị với giọng nói sang sảng. Khuôn mặt chú đã hiện rõ dấu vết thời gian với những nếp nhăn. Thế nhưng, tôi ấn tượng nhất với chú là đôi mắt. Đôi mắt chú vẫn còn rất tinh tường và đặc biệt đó là một đôi mắt với ánh nhìn mạnh mẽ, cứng cỏi cũng có sự bình tĩnh. Đôi mắt ấy khiến tôi cảm thấy không có nỗi sợ quá lớn đối với chú ở hiện tại nưa. Có lẽ chú đã trải qua hết thảy những nỗi đau và sự sợ hãi, cũng chứng kiến những điều kinh khủng nhất rồi nên chú mới bình tĩnh, điềm đạm đến vậy. Chú kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến ác liệt mà chú và đồng đội của mình đã phải trải qua, cả những mất mát hi sinh trong mỗi trận đánh mà quân, dân ta cả quân địch cũng thế. Chưa bao giờ tôi thấy thấu hiểu và khâm phục những người lính trong cuộc chiến vệ quốc của ta đến thế. Nhờ có những hi sinh cao cả ấy mà mảnh đất của cha ông ta được giữ lại một cách trọn vẹn. Nếu không có họ, không biết đất nước này sẽ đi về đâu.
Chú cùng chúng tôi trò chuyện rất lâu. Chú cũng giải đáp những thắc mắc của chúng tôi về cuộc sống, chiến đấu của các chú trong quá khứ bằng một thái độ rất thân thiện và nhẫn nại. Không hiểu sao tôi thấy chú thật gần gũi và thân thiết giống như người người mà tôi đã quen biết từ rất lâu chứ không phải chỉ vừa mới gặp cách đây vài tiếng. Phải chăng do câu chuyện mà chú chia sẻ với chúng tôi chân thực quá hoặc cũng bởi vì cách chú lắng nghe chăm chú những câu hỏi ngô nghê của chúng tôi, và trả lời chúng một cách rất chân thành? Tôi cũng không biết nữa, nhưng dù sao thì tôi cũng thấy chú thân thiết hơn rất nhiều. Cuối cùng tôi là người thay mặt tất cả học sinh trong trường lên phát biểu suy nghĩ của mình. Dù rất hồi hộp nhưng tôi thấy ánh mắt khích lệ mà các thầy cô giáo và các bạn dành cho tôi, tôi thấy mình bình tĩnh hơn rất nhiều. Tôi bước lên bục phát biểu, hít một hơi thật sâu và phát biểu bằng cảm xúc thật của mình qua câu chuyện của chú:
– Thưa các bác, các chú, các thầy cô giáo và các bạn học sinh đang có mặt trong hội trường ngày hôm nay, cháu là Ngân, học sinh lớp 9A2. Cháu rất vinh dự khi hôm nay được đại diện cho toàn trường để lên đây, phát biểu cảm nghĩ của mình. Thực sự là lúc này cháu rất run và hồi hộp – Hội trường cười ồ lên, khiến không khí yên lặng và căng thẳng cũng dịu đi không ít. Tôi thấy tự tin hơn rất nhiều – Chúng cháu may mắn được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, thống nhất nên có rất nhiều điều chúng cháu chưa từng trải qua. Đặc biệt là những đau thương, mất mát trong cuộc chiến vệ quốc. Nhưng hôm nay, khi nghe các chú chia sẻ, cháu thực sự xúc động và cháu cũng hiểu hơn về mất mát, hi sinh và khốc liệt mà bất kì cuộc chiến tranh nào mang lại, chứ không riêng gì trên đất nước Việt Nam ta. Cháu cũng càng thêm ngưỡng mộ sự hi sinh và ý chí của lớp lớp thế hệ cha anh đã nối gót nhau vào chiến trường, tham gia cuộc chiến dù biết nó nguy hiểm. Lớp người trẻ tuổi chúng cháu sẽ luôn biết ơn những con người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và trân trọng những gì chúng cháu đang có. Nhân ngày 22/12, cháu thay mặt cho tất cả học sinh, chúc các chú, các bác có một ngày lễ kỉ niệm thật vui vẻ, ý nghĩa. Cháu xin cảm ơn!
Dưới hội trường có tiếng vỗ tay lác đác rồi lớn hơn, vang hơn. Tôi cảm thấy mình vừa làm được điều gì đó thật lớn lao. Buổi gặp gỡ kết thúc thành công trong niềm vui và sự thấu hiểu.
Ánh nắng đã nhạt dần, chúng tôi chia tay các chú, các bác trong lưu luyến. Nhưng buổi gặp gỡ ngày hôm nay đã để lại trong lòng tôi một cảm xúc kì lạ. Đó không chỉ là sự biết ơn mà còn là cả sự tự hào về thế hệ cha anh và cả niềm tin và sự quyết tâm vào tương lai của tôi nữa.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 9
Trong cuộc đời này chúng ta sẽ gặp gỡ rất nhiều người khác nhau. Có người chỉ lướt qua như một cơn gió thoảng, có người lại để lại những dấu ấn sâu đậm, để lại cho ta những bài học mà ta nhớ mãi. Tôi cũng vậy, cứ mỗi lần nghĩ về buổi chiều hôm ấy là tôi lại không thể nào quên được hình ảnh của An.
Chiều hôm đó, như mọi khi mẹ sẽ đến đón tôi từ trường học về, nhưng vì hôm nay có việc đột xuất nên tôi tự đi bộ về nhà. Trên đường tôi nhởn nhơ đi, vừa đi vừa hát và ngắm nhìn mọi vật xung quanh. Bỗng tôi nhìn thấy An – hàng xóm nhà tôi, em nhỏ hơn tôi hai tuổi, bị khuyết tật mất một cánh tay, An đang bán hàng rong, mời gọi những người đi đường. Bố mẹ An đều là công nhân làm việc tại công trường, một lần do không may xảy ra tai nạn, bố của em qua đời, hiện tại chỉ có hai mẹ con dựa vào nhau để sống, ngoài giờ đến lớp An phụ mẹ bán hàng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chú bé đen nhẻm, người gầy gò, ánh mắt em như cầu xin những người đi đường mua hàng, nhưng không ai giúp đỡ em cả. Tôi tiến lại gần, như có một lực hút nào đó khiến tôi không rời mắt khỏi An. Sau những lời mời mọc, cuối cùng cũng có một anh thanh niên trắng trẻo, cao ráo mua giúp em. Anh không chọn món đồ nào cả, anh đưa cho An một tờ tiền 50.000 và nói:
– Em bé à, em hãy dùng số tiền này để mua gì đó ăn nhé. Anh có đủ mọi thứ rồi, nên anh sẽ không lấy đồ gì của em nữa đâu.
Rồi anh nở nụ cười thật tươi và đưa cho em ấy tờ tiền. An ngập ngừng, đưa hai tay đón lấy từ tay anh. Anh định quay gót đi thì An níu tay anh lại và đưa cho anh năm gói kẹo cao su, em nói:
– Anh ơi, anh hãy cầm lấy những gói kẹo này. Em đi bán hàng, chứ em không dám ăn xin anh đâu. Em vẫn còn khỏe mạnh nên em sẽ đi bán hàng để tự nuôi sống bản thân. Em cảm ơn anh vì lòng tốt, nhưng nếu anh không lấy số kẹo này em xin trả lại anh tiền.
Người anh kia thoáng trên mặt hiện lên sự ngạc nhiên, rồi anh quay người lại chỗ chú bé nhẹ nhàng xoa đầu, nở nụ cười trìu mến. Anh nhận từ cậu bé năm gói kẹo, cậu bé nở nụ cười rạng rỡ và cúi đầu lễ phép cảm ơn anh.
Đứng chứng kiến toàn bộ câu chuyện, tôi vô cùng cảm động trước sự thành thật của em. An đã cho tôi những bài học mà không có trường lớp hay sách vở nào dạy tôi. Cậu bé đã cho tôi thấy rằng dù bị khuyết tật về thân thể nhưng cũng không được què quặt về tinh thần, phải có ý chí vượt lên những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Tình yêu thương luôn bên cạnh ta, khi san sẻ tình yêu thương với những người xung quanh bản thân cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Tôi chợt thấy ân hận vì những lúc mải chơi, không chịu học hành. Đôi khi còn nói dối, không nghe lời bố mẹ. Tôi được sống trong gia đình hạnh phúc, luôn được bố mẹ quan tâm, yêu thương nhưng nhiều khi tôi lại không biết trân trọng những điều đó. Cậu bé đã thức tỉnh cho tôi phải biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc bố mẹ, giúp đỡ bố mẹ những việc vừa sức với mình.
Từ sau lần gặp hôm đó, tôi cảm thấy quý mến và khâm phục em hơn. Em không chỉ khiến tôi ngưỡng mộ, yêu quý mà còn hơn thế nữa em đã cho tôi sự thay đổi về nhận thức. Khiến tôi biết trân trọng, yêu thương gia đình và những gì mình đang có. Giúp tôi có động lực phấn đấu, vươn lên không ngừng.
Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất – Mẫu 10
Để chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, nhà trường tổ chức cuộc gặp gỡ, nói chuyện giữa các chú cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ với học sinh chúng tôi. Đó là một buổi nói chuyện đầy xúc động. Với tôi, cuộc gặp gỡ này càng đặc biệt hơn, bởi vì tôi được vinh dự đại diện cho các bạn học sinh phát biểu những suy nghĩ về tình cảm và trách nhiệm của thế hệ sau với thế hệ cha anh đi trước.
Tôi đã có mặt tại trường từ sáng sớm. Sao tôi thấy hồi hộp quá! Sân trường hôm nay được trang hoàng thật rực rỡ. Phía khán đài, tấm phông xanh nổi bật lên hàng chữ trắng: “Chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1944 – 22/12/2009”. Bên dưới là dòng chữ in nghiêng: “Gặp gỡ với những chứng nhân lịch sử”. Dường như một bầu không khí thiêng liêng và vô cùng trang trọng đang bao trùm cả sân trường.
Đúng 7 giờ 30 phút, buổi lễ chính thức được bắt đầu. Tất cả các học sinh đều mặc đồng phục, xếp hàng ngay ngắn. Trên khán đài, thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô giáo đã có mặt đông đủ. Cả trường bỗng vang lên tiếng vỗ tay giòn giã. Toàn thể học sinh đứng dậy để chào đón một đoàn khách đặc biệt. Đó là các chú bộ đội, những người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau nghi thức lễ chào cờ, thấy hiệu trưởng đọc bài diễn văn chào mừng ngày 22/12. Cả sân trường im lặng lắng nghe. Thỉnh thoảng, từng tràng vỗ tay nồng nhiệt vang lên, góp phần làm cho buổi lễ thêm phần sôi nổi. Giây phút chờ đợi rồi cũng tới. Một sĩ quan quân đội trong bộ quân phục màu xanh lá cây bước lên trò chuyện với toàn trường. Gương mặt chú đôn hậu. Giọng nói của chú ấm áp và thân tình. Chú ôn lại những kí ức hào hùng của thế hệ các chú trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Có lẽ phần thú vị nhất mà chúng tôi được nghe là những kỉ niệm có thật và xúc động vô cùng giữa thời chiến.
– Với chú, kỉ niệm sâu sắc nhất là trong lúc tham gia chiến dịch ở Nam Lào. Đó là một đêm mưa tầm tã. Đơn vị chú trên đường hành quân qua cánh đồng thì bị địch phát hiện và bắn phá dữ dội. Chú bị thương và lạc đơn vị. Do mất máu quá nhiều nên chú ngất đi. Tỉnh dậy, chú thấy mình nằm trên chiếc chõng tre. Bên cạnh là một bà má với nét mặt lo lắng, đang ngồi chườm khăn lên trán chú. Má đã tận tình chăm sóc chú cho đến khi chú hồi phục trở lại.
Chú im lặng một lúc rồi xúc động nói tiếp:
– Sau này chú mới biết má cũng có con tham gia quân giải phóng và đã hi sinh. Má xem các chú bộ đội như con của mình, luôn chăm sóc các chú rất tận tình. Mấy năm sau, trở lại ngôi làng xưa, chú không còn được gặp má nữa. Má đã mất cách đó không lâu do tuổi già sức yếu.
Mắt chú như nhòa đi. Giọng chú nghẹn ngào, xúc động. Cả trường cũng im lặng hồi lâu.
Sau đó, chúng tôi đã hỏi các chú rất nhiều điều chúng tôi băn khoăn về thời chiến. Các bạn trong lớp tôi rất sôi nổi và hào hứng khi được đối thoại với các chú. Qua đó, chúng tôi đã hiểu hơn rất nhiều về những con người của thế hệ trước, về cuộc kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc, về những mất mát đau thương mà cả dân tộc ta đã phải trải qua.
Cuối cùng, tôi thay mặt cho các bạn học sinh đứng lên phát biểu suy nghĩ của mình. Dù rất xúc động và hồi hộp, tôi vẫn nhận thấy ánh mắt khích lệ mà các thầy cô giáo và các bạn cùng lớp dành cho tôi. Điều đó đã giúp tôi thêm tự tin để bước lên, phát biểu bằng chính cảm xúc đang dâng trào trong tôi.
– Thưa các bác, các chú!
Chúng cháu là thế hệ may mắn được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Tuy nhiên, qua buổi gặp gỡ và trò chuyện hôm nay, chúng cháu đã phần nào biết được sự gian khổ và mất mát hi sinh của những người đi trước. Hiểu được điều ấy, chúng cháu càng khâm phục, ngưỡng mộ và tự hào về thế hệ cha anh. Chúng cháu càng trân trọng những giá trị của cuộc sống tự do mà chúng cháu đang được hưởng. Chúng cháu xin hứa sẽ chăm chỉ học tập để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Cuối cùng, cháu xin thay mặt các bạn học sinh, kính chúc các bác, các chú và gia quyến luôn khỏe mạnh và hạnh phúc. Chúc các bác, các chú có một ngày 22/12 thật vui vẻ và ý nghĩa.
Tôi kết thúc bài phát biểu của mình trong tiếng vỗ tay ủng hộ của các bạn trong trường. Trong tôi dâng lên một niềm tự hào về dân tộc mình, về thế hệ cha anh đi trước của mình. Tôi tự hứa với lòng mình phải sống sao cho thật xứng đáng là con cháu của đất nước Việt Nam anh hùng.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bài viết số 3 lớp 6 đề 4: Kể về một cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất Dàn ý & 10 bài viết số 3 lớp 6 đề 4 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.