Bạn đang xem bài viết Bài tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5 năm 2023 – 2024 (Cả năm) 35 Phiếu cuối tuần lớp 5 môn Tiếng Việt (Có đáp án) tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phiếu bài tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5 gồm 35 phiếu, tương ứng với 35 tuần học trong cả năm học 2023 – 2024. Qua đó, giúp các em học sinh ôn luyện thật tốt kiến thức trong tuần.
Mỗi cuối tuần thầy cô chỉ cần phát 1 phiếu ôn tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5 này cho học sinh. Với các câu hỏi xoay quanh trong chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 theo tuần, giúp các em trả lời câu hỏi đọc hiểu, luyện từ và câu, tập làm văn thật thành thạo. Bên cạnh đó, có thể tham khảo bộ phiếu bài tập cuối tuần môn Toán lớp 5. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây:
Bài tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5 – Tuần 1
Họ và tên:……………………… Lớp 5……. |
BÀI TẬP CUỐI TUẦN TIẾNG VIỆT Thứ……..ngày …….tháng 9 năm…. |
PHẦN 1: ĐỌC HIỂU
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
MÙA THU
Không phải ngẫu nhiên mà ai đó đã nói rằng “mùa thu là mùa đẹp nhất”. Vì sao ư? Mùa thu với cái nắng ươm vàng, những sợi nắng mỏng manh như tơ trời cứ vương mãi xuống những cánh đồng đang chờ ngày lúa chín. Mùa thu, những con sẻ nâu thong thả tha những cọng rơm vàng về tổ. Những con dế khi đã uống say những giọt sương đêm chợt ngẫu hứng hát ca. Trên cánh đồng, những cánh cò trắng tinh cứ phân vân mãi khi chiều đã buông.
Mùa thu, sương bảng lảng tan và còn đọng long lanh trên lá cỏ mỗi sớm mai. Những giọt mưa thu cũng dịu dàng, se sẽ như tiếng bước chân nhón nhẹ nhàng trên thảm lá khô. Xào xạc, heo may khi cơn gió mùa thu nô đùa với những chiếc lá vàng rơi trong nắng chiều buông từng vạt mỏng.
Mùa thu, những khu vườn đầy lá vàng xao động, trái bưởi bỗng tròn căng đang chờ đêm hội rằm phá cỗ. Tiếng đám sẻ non tíu tít nhảy nhót nhặt những hạt thóc còn vương lại trên mảnh sân vuông. Đêm xuống, mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh trôi bồng bềnh trên nền trời chi chít ánh sao. Rồi trăng không còn khuyết và tròn vành vạnh khi đến giữa mùa thu. Chưa bao giờ mặt trăng tròn và sáng đẹp như thế trong năm. Ánh trăng sáng vàng, ngọt lịm như rót xuống không gian cái không khí trong thanh của đất trời ; cái dịu dàng, thanh tao của tự nhiên ; cái mùi thơm ngai ngái của cỏ, của cây, của những cọng rơm vàng và cả mùi của đất ẩm ướt hơi sương đều hoà quyện trong cảm giác hư ảo giữa mơ và thực, lẫn vào tiếng cười rộn rã mang dáng vẻ cổ tích của ngày hội đón đêm trăng rằm.
Mùa thu, tiết trời trong xanh dịu nhẹ, con đường làng bỗng như quen như lạ. Mỗi sớm đến trường, bước chân chợt ngập ngừng khi đánh thức những bụi cây non vẫn còn đang ngái ngủ, Tia.nắng ban mai nghịch ngợm xuyên qua kẽ lá, soi vào chiếc tổ xinh xắn làm chú chim non bừng tỉnh giấc, bay vút lên trời rồi cất tiếng hót líu lo.
Mùa thu, vạt hoa cúc dại cũng nở bung hai bên đường. Những bông hoa cúc xinh xinh dịu dàng, lung linh như từng tia nắng nhỏ. Thảm cỏ may thì tím biếc đến nôn nao. Hoa cỏ may quấn quýt từng bước chân, theo tận vào lớp học. Tiếng đọc bài ngân nga vang ra ngoài cửa lớp, khiến chú chim sâu đang nghiêng chiếc đầu nhỏ xinh tìm sâu trong kẽ lá cũng lích rích hót theo. Giọt nắng sớm mai như vô tình đậu lên trang vở mới, bừng sáng lung linh những ước mơ.
Mùa thu hiền dịu lắm ! Không xôn xao rực rỡ như mùa xuân, không chói chang ánh nắng như mùa hè nhưng cũng không u buồn lạnh lẽo như mùa đông. Mùa thu là mùa của ba mùa cộng lại. Có phải chăng, chỉ một mùa thu thôi đã là mùa của bốn mùa ?
(Theo Huỳnh Thị Thu Hương)
Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng:
1. Nắng mùa thu được tả trong bài đẹp như thế nào?
a. Nắng ươm vàng, những sợi nắng mỏng manh như tơ trời cứ vương mãi xuống cánh đồng.
b. Nắng vàng óng như mật ong mới rót.
c. Nắng lung linh như những giọt thuỷ tỉnh.
2. Tác giả tả tiết trời mùa thu đẹp như thế nào? :
a. Da trời xanh ngắt.
b. Tiết trời trong xanh dịu nhẹ.
c. Tiết trời ấm áp.
3.Tác giả có cảm nhận gì về những giọt mưa thu?
a. Bảng lảng tan và đọng lại long lanh trên lá cỏ.
b. Long lanh như những giọt pha lê.
c. Dịu dàng, se sẽ như tiếng bước chân nhón nhẹ nhàng trên thảm lá khô.
4. Mặt trăng giữa mùa thu đẹp như thế nào 2
a. Mảnh trăng nhẹ tênh, mỏng manh trôi bồng bềnh trên nền trời chi chít ánh sao.
b. Mặt trăng tròn và sáng đẹp. Ánh trăng sáng vàng, ngọt lịm như rót xuống không gian.
c. Vầng trăng tròn vành vạnh ở trên không và vi vu như sáo điều.
d. Ánh trăng trong tràn ngập con đường trắng xoá.
5. Vì sao tác giả cho rằng “Mùa thu là mùa của ba mùa cộng lại.” ?
a. Vì mùa thu hiền dịu quá.
b. Vì mùa thu là mùa đẹp nhất.
c. Vì mùa thu có tất cả những gì đẹp nhất của các mùa còn lại.
PHẦN II: LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Bài 1. Gạch chân từ đồng nghĩa trong các câu thơ sau:
a) Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
Đất anh hùng của thế kỉ hai mươi. !
b) Việt Nam đất nước ta ơi !
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.
c) Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
d) Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Bài 2. Hãy xếp các từ dưới đây thành từng nhóm đồng nghĩa:
chết, hi sinh, tàu hỏa, xe hoả, máy bay, ăn, xơi, nhỏ, bé, rộng, rộng rãi,
bao la, toi mạng, quy tiên, xe lửa, phi cơ, tàu bay, ngốn, đớp, loắt choắt, bé
bỏng, bát ngát, mênh mông.
Nhóm 1 |
Nhóm 2 |
Nhóm 3 |
Nhóm 4 |
Nhóm 5 |
Nhóm 6 |
…………… ………….. ………….. ………….. …………. |
…………… …………… ………….. ………….. ………….. |
…………… …………… ………….. ………….. ………….. |
…………… …………… ………….. ………….. ………….. |
…………… …………… ………….. ………….. ………….. |
…………… …………… ………….. ………….. ………….. |
Bài 3: Tìm các từ đồng nghĩa với mỗi từ sau :
a. nhỏ :……………………………………………………………………………….
b. Mẹ :…………………………………………… ………………………………….
c. Bố :……… ……………………………………………………………………….
d. Học tập :… ……………………………………………………………………….
e. Xấu xí :……………………………………………………………………………
Bài 4: Chọn từ thích hợp trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống trong các câu sau:
a. Em bé mới …………….. đã cân được ba cân bảy.
b. Anh Kim Đồng …………… ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo khổ.
c. Ngày ông tôi ……….. cả xã đều thương tiếc và tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.
d. Tên giặc trúng đạn …………… ngay không kịp kêu lên một tiếng.
(sinh, chết, ra đời, qua đời)
Bài 5: Nối cụm từ ở ô bên trái với cụm từ ở ô bên phải để tạo thành câu đúng
1. Cánh đồng rộng | a. thênh thang |
2. Bầu trời rộng | b. mênh mông |
3. Con đường rộng | c. thùng thình |
4. Quần áo rộng | d. bao la |
Bài 6: Chọn từ thích hợp trong các từ sau để điền vào chỗ trống : bé bỏng
nhỏ con, bé con, nhỏ nhắn.
a. Còn ………………………….gì nữa mà nũng nịu.
b……………………………. lại đây chú bảo.
c. Thân hình………………………………….
d. Người………………………. nhưng rất khoẻ.
Bài 7*: Tìm và điền tiếp các từ đồng nghĩa vào mỗi nhóm từ dưới đây và chỉ ra nghĩa chung của từng nhóm:
a. cắt, thái,…………………………………………………………………………..
Nghĩa chung:…… ………………………………………………………………….
b. to, lớn,……………………………………………………………………………………………
Nghĩa chung:…… ………………………………………………………………….
c. chăm, chăm chỉ, ……………………………………………………………………………..
Nghĩa chung:…… ………………………………………………………………….
Bài 8*: Tìm những từ đồng nghĩa với từ in đậm trong từng câu dưới đây:
a. Bóng tre trùm lên âu yếm làng tôi.
b. Đứa bé rất chóng lớn, người tiều phu chăm nom như con đẻ của mình.
c. Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.
Bài 9*. Chọn từ thích hợp trong các từ sau để điền vào chỗ trống: cho, biếu, tặng, truy tặng, cấp, phát, ban, dâng, hiến.
a. Bác gửi…….. các cháu nhiều cái hôn thân ái.
b.…………………chị Võ Thị Sáu danh hiệu anh hùng.
c. Ăn thì no,. …………………. thì tiếc. (Tục ngữ)
d. Lúc bà về, mẹ lại…………… một gói trò mạn ướp nhị sen thơm phưng phức.
e. Đức cha ngậm ngùi đưa tay . ……………… phước.
g. Nhà trường …………… học bổng cho sinh viên xuất sắc.
h. Ngày mai, trường ……………… bằng tốt nghiệp cho sinh viên.
i. Thi đua lập công …………….Đảng.
k. Sau hoà bình, ông Đỗ Đình Thiện đã …………… toàn bộ đồn điền này cho Nhà nước.
Bài 10: Tìm và gạch chân dưới các từ đồng nghĩa có trong các câu văn sau:
a) Mặt biển trải rộng mênh mông, không biết đâu là bờ.
b) Cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay.
c) Bầu trời bao la khoác áo màu xanh mát.
d) Con đường buổi sáng sớm rộng thênh thang.
Bài 11: Khoanh tròn từ thích hợp nhất trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh từng câu sau:
a) Mặt trăng tròn vành vạnh từ từ (nhô, mọc, ngoi) lên sau lũy tre làng
b) Ánh nắng ban mai trải xuống cánh đồng lúa (vàng hoe, vàng óng, vàng ối )
c) Mưa tạnh hẳn, một vài tia nắng hiếm hoi bắt đầu ( chiếu, soi, rọi ) xuống rừng cây
d) Mẹ và tôi say sưa (nhìn, xem, ngắm) cảnh bình minh trên mặt biển
Bài 12: Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ có trong các câu văn sau:
a) Mùa hè, cả gia đình em đi du lịch rất nhiều nơi.
b) Sáng sớm, mặt biển xanh trải rộng mênh mông.
c) Xa xa, từng đoàn thuyền đánh cá hối hả nối đuôi nhau cập bến cảng.
Bài 13: Tìm 3 từ đồng nghĩa với mỗi từ sau:
a) Học sinh:………………………………………………………………………
b) Giáo viên: ………………………………………………………………………
Bài 14: Tìm và ghi lại các từ đồng nghĩa có trong đoạn văn sau:
Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán.
Bài 15: Chọn từ ngữ thích hợp nhất (trong các từ ngữ cho sẵn ở dưới) để điền vào từng vị trí trong đoạn văn miêu tả sau:
Mùa xuân đã đến hẳn rồi, đất trời lại một lần nữa …………………………., tất cả những gì sống trên trái đất lại vươn lên ánh sáng mà……………………….., nảy nở với một sức mạnh khôn cùng. Hình như từng kẽ đá khô cũng ……………………… vì một lá cỏ non vừa ……………………………., hình như mỗi giọt khí trời cũng………………………………, không lúc nào yên vì tiếng chim gáy, tiếng ong bay.
(Theo Nguyễn Đình Thi)
(1): tái sinh, thay da đổi thịt, đổi mới, đổi thay, thay đổi, khởi sắc, hồi sinh.
(2): sinh sôi, sinh thành, phát triển, sinh năm đẻ bảy .
(3): xốn xang, xao động, xao xuyến, bồi hồi, bâng khâng,chuyển mình, cựa mình, chuyển động.
(4): bật dậy, vươn cao, xoè nở. nảy nở, xuất hiện, hiển hiện .
(5): lay động, rung động, rung lên, lung lay.
Bài 16: Xếp các từ sau thành từng nhóm từ đồng nghĩa và nêu nghĩa chung của các từ đồng nghĩa đó.
Thông minh, nhẹ nhàng, linh hoạt, giỏi giang, hoạt bát, tháo vát, nhanh nhẹn, sáng tạo, dịu dàng, mưu trí, ngọt ngào, thùy mị.
Bài 17: Thay thế từ in đậm trong câu văn bằng một từ láy để câu văn có hình ảnh hơn.
a) Những giọt sương đêm nằm ( ………………………) trên những ngọn cỏ.
b) Đêm rằm, trăng sáng lắm ( ………………………).
c) Dưới ánh trăng, dòng sông trông ( ………………………) như được dát bạc.
PHẦN III: TẬP LÀM VĂN
Bài 1: Em hãy tìm và ghi lại những hình ảnh miêu tả cảnh quang cảnh buổi sáng trong vườn cây (hay công viên, trên đường phố…) trong đó có các từ ngữ chỉ màu sắc khác nhau.
Bài 2: Viết đoạn văn miêu tả cảnh một buổi sáng( hoặc trưa, chiều) trong vườn cây ( hay trong công viên, trên đường phố, trên cánh đồng, nương rẫy) dựa vào dàn ý sau:
– Mở bài: Giới thiệu về đồng lúa quê em
– Thân bài:
– Kết bài: nêu cảm nghĩ, tình cảm của em trước vẻ đẹp của cánh đồng quê hương
Đáp án bài tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5 – Tuần 1
PHẦN 1: ĐỌC HIỂU
1a, 2b, 3c, 4a, 5c
PHẦN II : LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Bài 1.
Từ đồng nghĩa trong các câu thơ: Tổ quốc, giang sơn (câu a) ; đất nước ( câu b)
sơn hà (câu c) ; non sông (câu d).
Bài 2.
– chết, hi sinh, toi mạng, quy tiên.
– tàu hỏa, xe hỏa, xe lửa.
– máy bay, phi cơ, tàu bay.
– ăn, xơi, ngốn, đớp.
– nhỏ, bé, loắt choắt, bé bỏng.
– rộng, rộng rãi, bao la, bát ngát, mênh mông.
Bài 3:
a. nhỏ, nhỏ con, nhỏ bé, nhỏ xíu, bé con, bé dại, bé xíu, nhỏ nhắn, nhỏ xíu, tí xíu,..
b. mẹ, u, bu, má, mế,phụ mẫu,……
c. bố, ba, tía, thầy,thân phụ…..
d. học tập, học hành, học hỏi, học vẹt, học gạo,….
e. xấu xí, xấu xa, xấu, ma chê quỷ hờn,……
Bài 4: a. ra đời b. sinh c. qua đời d. chết
Bài : Cách nối như sau
1 – b ; 2 – d ; 3- a ; 4 -c
Bài 6: a. Bé bỏng b. bé con c. nhỏ nhắn d. nhỏ con
Bài 7: Các nhóm đồng nghĩa:
a) cắt, thái, xắt, xắn, xẻo, pha, chặt, băm, chém, phát, xén, cư, xẻ, bổ,…
Nghĩa chung: Chia cắt đối tượng thành những phần nhỏ (bằng dụng cụ).
b) to, lớn, to lớn, to tát, to tướng, vĩ đại, đồ sộ, khổng lồ,….
Nghĩa chung: Có kích thước, cường độ quá mức bình thường.
e) chăm, chăm chỉ, siêng năng, chịu khó, cần cù, chuyên cần, cần mẫn,…
Nghĩa chung: Làm nhiều và đều đặn một việc gì đó.
Bài 8:
a. làng, làng mạc, làng xóm, xã , thôn, ấp , bản, buôn, quê hương,….
b. Chăm nom: chăm sóc, coi sóc, trông nom, chăm chút, chăm lo, chăm sóc,…
c. nhỏ: nhỏ bé, nhỏ xíu, bé con, bé dại, bé xíu, nhỏ con, nhỏ nhắn, nhỏ xíu, tí xíu,..
Bài 9. Chọn từ a. tặng ; b. truy lặng ; c. cho ; d. biếu ; e. ban ; g. cấp ; h. phát
i. dâng ; k. hiến.
Bài 10: Tìm và gạch chân dưới các từ đồng nghĩa có trong các câu văn sau:
a. Mặt biển trải rộng mênh mông, không biết đâu là bờ.
b. Cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay.
c. Bầu trời bao la khoác áo màu xanh mát.
d. Con đường buổi sáng sớm rộng thênh thang.
Bài 11: Khoanh tròn từ thích hợp nhất trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh từng câu sau :
a) nhô
b) vàng óng
c) rọi
d) ngắm
Bài 12: Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ có trong các câu văn sau:
a. Mùa hè, cả gia đình em/ đi du lịch rất nhiều nơi.
TN CN VN
b. Sáng sớm, mặt biển xanh/ trải rộng mênh mông.
TN CN VN
c. Xa xa, từng đoàn thuyền đánh cá/ hối hả nối đuôi nhau cập bến cảng.
TN CN VN
Bài 13: Tìm 3 từ đồng nghĩa với mỗi từ sau:
a) Học sinh: học trò, sinh viên, học viên, trò.
b) Giáo viên: thầy giáo, cô giáo, thầy đồ, giảng viên.
Bài 14:
Xanh – ngọc bích – lục
Trông – nhìn
Bài 15: Chọn từ ngữ thích hợp nhất (trong các từ ngữ cho sẵn ở dưới) để điền vào từng vị trí trong đoạn văn miêu tả sau:
Mùa xuân đã đến hẳn rồi, đất trời lại một lần nữa hồi sinh, tất cả những gì sống trên trái đất lại vươn lên ánh sáng mà sinh sôi, nảy nở với một sức mạnh khôn cùng. Hình như từng kẽ đá khô cũng cựa mình vì một lá cỏ non vừa xoè nở, hình như mỗi giọt khí trời cũng rung động, không lúc nào yên vì tiếng chim gáy, tiếng ong bay.
Bài 16:
Nhóm 1: Thông minh, giỏi giang, sáng tạo, mưu trí ( chỉ người giỏi)
Nhóm 2: nhẹ nhàng, dịu dàng, ngọt ngào, thùy mị. (lời nói, cử chỉ êm dịu, dễ nghe)
Nhóm 3: linh hoạt, hoạt bát, tháo vát, nhanh nhẹn ( hành động nhanh, thuần thục)
Bài 17: Thay thế từ in đậm trong câu văn bằng một từ láy để câu văn có hình ảnh hơn.
a. Những giọt sương đêm nằm( long lanh) trên những ngọn cỏ.
b. Đêm rằm, trăng sáng lắm ( vằng vặc).
c. Dưới ánh trăng, dòng sông trông( lấp lánh) như được dát bạc.
PHẦN III: TẬP LÀM VĂN
Bài 1:
VD: Trong vườn cây
- Vòm trời nhuộm màu xanh dịu mát, mây trắng xốp bồng bềnh trôi.
- Những giọt sương trong veo như viên ngọc.
- Vòm lá xanh mươn mướt rung rinh.
- Những bé hoa khoe váy áo rực rỡ.
- Những tia nắng sớm lấp lánh trên cây lá.
Bài 2:VD: Trong vườn cây
Khu vườn nhà em vào mỗi buổi sáng thật đẹp. Vòm trời cao và xanh mát như hòa cùng màu xanh biếc của cây lá. Những bé sương trong veo, long lanh như viên ngọc đậu trên thảm cỏ xanh mươn mướt. Những chị hoa hồng, lay ơn xúng xính khoe váy áo sặc sỡ đủ màu sắc. Ông mặt trời mỉm cười rải những tia nắng ban mai lấp lánh nô đùa khắp vườn cây. Không khí thơm thơm mùi cỏ hoa, thật trong lành, dễ chịu.
…
>> Tải file để tham khảo trọn bộ Bài tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5 (Cả năm)
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bài tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 5 năm 2023 – 2024 (Cả năm) 35 Phiếu cuối tuần lớp 5 môn Tiếng Việt (Có đáp án) tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.