Bạn đang xem bài viết APEC là gì? Hội nghị APEC có bao nhiêu thành viên? tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
APEC là gì? Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương gồm những nước nào? Hoàn cảnh ra đời, quá trình hình thành và phát triển của APEC như thế nào? APEC ra đời có mục tiêu và nhiệm vụ gì? Danh sách các nền kinh tế thành viên của APEC bao gồm những quốc gia nào?
APEC là gì?
APEC là viết tắt của Asia-Pacific Economic Cooperation đó là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Đây là diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu tăng trưởng quan hệ kinh tế và chính trị.
Hiện nay, APEC có 21 thành viên chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50 % thương mại thế giới.
Cơ cấu tổ chức của APEC
1. Cấp chính sách
– Hội nghị không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM)
– Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC
2. Cấp làm việc
– Hội nghị các Quan chức Cao cấp (SOM)
– Uỷ ban Thương mại và Đầu tư (CTI) (1993)
– Uỷ ban Ngân sách và Quản lý (BMC) (1993)
– Uỷ ban Kinh tế (EC) (1994)
– Uỷ ban SOM về Hợp tác Kinh tế-Kỹ thuật (ESC) (1998)
– 11 nhóm công tác về: Kỹ thuật Nông nghiệp, Năng lượng, Nghề cá, Phát triển Nguồn nhân lực, Khoa học và công nghệ, Bảo vệ tài nguyên biển, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thông tin và Viễn thông, Du lịch, Xúc tiến thương mại, Vận tải.
– 3 nhóm đặc trách của SOM về:
- Thương mại điện tử (Electronic Commerce Steering Group) (1999)
- Mạng các điểm liên hệ về giới (Gender Focal-Points Network) (2003)
- Chống khủng bố (Counter-Terrorism Task Force) (2003)
3. Ban Thư ký APEC (trụ sở ở Singapore)
Hoàn cảnh ra đời
Sự gia tăng của quá trình toàn cầu hóa trên tất cả các lĩnh vực khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng tăng tính phụ thuộc vào nhau. Trong khi đó, vòng đàm phán Uruguay trong khuôn khổ GATT có nguy cơ không đạt được kết quả như mong đợi, đã thúc đẩy thêm quá trình khu vực hoá với sự hình thành các khối mậu dịch khu vực lớn trên thế giới như EU, NAFTA, AFTA…
Vào những năm 1980, khu vực các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á nền kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng trung bình là 9 – 10%/năm. Dù vậy nhưng tại thời điểm này vẫn chưa có hình thức hợp tác kinh tế thương mại nào có hiệu quả trong khu vực châu Á Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Vào cuối những năm 80 khi chiến tranh lạnh kết thúc, về mặt chính trị của các quốc gia lớn cũng có sự điều chỉnh chiến lược đặc biệt là sự hội tụ về lợi ích kinh tế cũng như chính trị giữa những nước lớn dẫn đến việc hình thành một cơ cấu kinh tế thương mại trong khu vực.
Trong thời điểm này, các nước ASEAN cũng muốn tăng cường tiếng nói trong khu vực để thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng lại không muốn làm lu mờ những cơ chế hợp tác chính trị sẵn có.
Năm 1989, Thủ tướng Úc Bob Hawke đưa ra lời kêu gọi kiến tạo một sự hợp tác kinh tế hữu hiệu hơn cho toàn vùng châu Á -Thái Bình Dương. Kết quả của lời kêu gọi này là Hội nghị đầu tiên của APEC tổ chức tại Canberra, Úc vào tháng 10, Hội nghị đặt dưới quyền chủ tọa của bộ trưởng ngoại giao Úc, Gareth Evans. Với sự tham dự của các bộ trưởng đến từ 12 quốc gia, Hội nghị kết thúc với lời cam kết sẽ tổ chức Hội nghị hàng năm tại Singapore và Hàn Quốc.
Quá trình hình thành và phát triển
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được 12 thành viên thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sáng lập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế tổ chức ở Can-bê-ra tháng 11/1989 theo sáng kiến của Ôt-xtrây-lia.
Các thành viên sáng lập là Mỹ, Nhật, Ôt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po, Bru-nây, In-đô-nê-xia và Ma-lai-xia.
Tháng 11/1991 kết nạp thêm Trung Quốc, lãnh thổ Hồng Công và Đài Loan;
Tháng 11/1993 thêm Pa-pua Niu Ghi-nê, Mê-hi-cô;
Tháng 11/1994 thêm Chi-lê và tạm ngừng thời hạn xét kết nạp thành viên trong 3 năm;
Đến tháng 11/1998 kết nạp thêm Việt Nam, Nga và Pê-ru, đồng thời APEC quyết định tạm ngừng thời hạn xem xét kết nạp thành viên mới thêm 10 năm nữa để củng cố tổ chức.
Đến nay có thêm 9 nền kinh tế đã xin gia nhập APEC là: Ấn Độ, Pa-kit-xtan, Ma Cao, Mông Cổ, Pa-na-ma, Cô-lôm-bi-a, Xri-lan-ca, Ê-cua-đo, Cốt-xta-ri-ca.
Trong số ba thành viên ASEAN chưa phải là thành viên của APEC, Cam-pu-chia và Lào đã thông qua Việt Nam bày tỏ mong muốn gia nhập APEC. Năm 2007 khi thời hạn ngừng kết nạp thành viên mới hết hiệu lực, APEC sẽ thảo luận vấn đề kết nạp thành viên mới.
Cho đến thời điểm này, APEC có 21 thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới.
Nội dung hoạt động của APEC xoay quanh 3 trụ cột chính là tự do hoá thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên.
Mục tiêu và nhiệm vụ của APEC
Mục tiêu
Mục tiêu hoạt động của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.
Tuyên bố Seoul 1991 đề ra 4 mục tiêu phát triển trong APEC gồm:
1. Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.
2. Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ.
3. Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á -Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.
4. Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và không có hại đối với các nền kinh tế khác.
Tuyên bố Bogor 1994 xác định mục tiêu của APEC là: thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư tại Châu Á- Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển là 2020.
Nhiệm vụ
Đề cao sự phát triển trong bình đẳng, đổi mới, ổn định và sáng tạo.
Đảm bảo sự thông thương xuyên biên giới dễ dàng mọi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và đi lại của mọi người.
Hằng năm, người đứng đầu chính phủ của tất cả thành viên APEC sẽ gặp nhau một lần trong một kỳ họp thượng đỉnh được gọi là “Hội nghị Lãnh đạo APEC”, được tổ chức lần lượt tại mỗi nền kinh tế thành viên APEC. Hội nghị APEC tổ chức tại Việt Nam vào năm 2017.
Nguyên tắc hoạt động
– Hợp tác cùng có lợi: Do tính đa dạng của các nền kinh tế trong APEC về chính trị, văn hoá, kinh tế nên quá trình hợp tác phải bảo đảm được tất cả các nền kinh tế APEC, bất kể sự chênh lệch mức độ phát triển, đều có lợi.
– Nguyên tắc đồng thuận (consensus): Tất cả các cam kết của APEC phải dựa trên sự nhất trí của các thành viên. Đây là nguyên tắc đã được các thành viên ASEAN áp dụng và thu được nhiều kết quả.
– Nguyên tắc tự nguyện: Tất cả các cam kết của các thành viên APEC đều dựa trên cơ sở tự nguyện (Ví dụ như IAP). Cùng với nguyên tắc đồng thuận, đây là nguyên tắc khiến cho APEC trở nên khác với GATT/WTO. Tất cả chương trình tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại của APEC không diễn ra trên bàn đàm phán mà do các nước tự nguyện đưa ra.
– Phù hợp với nguyên tắc của WTO/GATT: APEC cam kết thực hiện chế độ thương mại đa phương của WTO và không phải là một liên minh thuế quan, một Khu vực Tự do thương mại như NAFTA, AFTA.
Các nền kinh tế thành viên của APEC
Nền kinh tế thành viên | Tên được sử dụng trong APEC | Năm gia nhập | GDP(PPP) (Triệu Int$) 2014 |
---|---|---|---|
Úc | Australia | Tháng 11 năm 1989 | 1,099,771 |
Brunei | Brunei Darussalam | Tháng 11 năm 1989 | 32,958 |
Canada | Canada | Tháng 11 năm 1989 | 1,595,975 |
Indonesia | Indonesia | Tháng 11 năm 1989 | 2,685,893 |
Nhật Bản | Japan | Tháng 11 năm 1989 | 4,767,157 |
Hàn Quốc | Republic of Korea | Tháng 11 năm 1989 | 1,783,950 |
Malaysia | Malaysia | Tháng 11 năm 1989 | 769,448 |
New Zealand | New Zealand | Tháng 11 năm 1989 | 160,820 |
Philippines | The Philippines | Tháng 11 năm 1989 | 857,457 |
Singapore | Singapore | Tháng 11 năm 1989 | 454,346 |
Thái Lan | Thailand | Tháng 11 năm 1989 | 1,069,569 |
Hoa Kỳ | The United States | Tháng 11 năm 1989 | 17,348,075 |
Trung Hoa Dân Quốc | Chinese Taipei | Tháng 11 năm 1991 | 1,078,792 |
Hồng Kông | Hong Kong, China | Tháng 11 năm 1991 | 400,362 |
Trung Quốc | People’s Republic of China | Tháng 11 năm 1991 | 18,088,054 |
México | Mexico | Tháng 11 năm 1993 | 2,148,884 |
Papua New Guinea | Papua New Guinea | Tháng 11 năm 1993 | 18,595 |
Chile | Chile | Tháng 11 năm 1994 | 410,853 |
Peru | Peru | Tháng 11 năm 1998 | 372,694 |
Nga | Russia | Tháng 11 năm 1998 | 3,576,841 |
Việt Nam | Vietnam | Tháng 11 năm 1998 | 512,582 |
Cho đến nay, hầu hết các nước nằm bên bờ Thái Bình Dương đều gia nhập tổ chức này, ngoại trừ:
– Colombia thuộc khu vực Nam Mỹ;
– Guatemala, Salvador, Nicaragua, Honduras, Costa Rica và Panama thuộc khu vực Trung Mỹ;
– Campuchia, Bắc Triều Tiên và Timor Leste ở châu Á;
– Các đảo quốc Thái Bình Dương Fiji, Tonga và Samoa.
Thẻ APEC là gì?
Thẻ APEC là thẻ đi lại của các doanh nhân APEC (APEC Business Travel Card viết tắt ABTC). Đây là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước và vùng lãnh thổ tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp cho doanh nhân của mình để tạo thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC tham gia Chương trình.
Người mang thẻ APEC khi xuất/nhập cảnh đến các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần phải có Visa của các nước và lãnh thổ đó. Thế nên khi có thẻ này thì các doanh nhân có thể thoải mái qua lại với các nước nằm trong khối APEC.
Tuy nhiên, để được cấp thẻ APEC thì bạn phải đạt những điều kiện sau:
– Doanh nhân Việt Nam mang hộ chiếu còn giá trị sử dụng (thời hạn sử dụng còn trên 12 tháng).
– Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp có các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư và dịch vụ với các đối tác trong các nền kinh tế thành viên tham gia thẻ ABTC được thể hiện thông qua các hợp đồng kinh tế, thương mại, các dự án đầu tư và các hợp đồng dịch vụ cụ thể.
– Doanh nhân làm việc tại các doanh nghiệp được thể hiện bằng hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm chức vụ và tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ tại doanh nghiệp đang làm việc.
– Doanh nhân phải là người từ 18 tuổi trở lên; người không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không bị mất năng lực hành vi dân sự.
– Không thuộc các trường hợp chưa được phép xuất cảnh quy định tại Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.
– Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp đã có hoạt động từ 06 (sáu) tháng trở lên.
– Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động và bảo hiểm xã hội.
APEC là gì? Là một Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Trên đây là những thông tin về APEC mà chúng tôi vừa gửi đến các bạn để tham khảo. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích và cung cấp thêm những kiến thức cần thiết cho bạn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết APEC là gì? Hội nghị APEC có bao nhiêu thành viên? tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.