Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác Cảm nhận khổ 4 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Viết đoạn văn cảm nhận khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác gồm 3 mẫu hay nhất, mang tới những thông tin bổ ích giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ cảm xúc khắc khoải, khôn nguôi của nhà thơ Viễn Phương khi rời lăng Bác.
Trong khổ 4 bài thơ Viếng lăng Bác, mọi cảm xúc của tác giả dường như đã bị dồn nén bấy lâu chợt vỡ òa trong sự xót thương, nuối tiếc vô hạn. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.
Viết đoạn văn cảm nhận khổ cuối Viếng lăng Bác
Ngay sau khi lăng Bác được khánh thành vào năm 1976, tác giả Viễn Phương đã lần đầu tiên ra thăm lăng Bác và viết nên bài thơ Viếng lăng Bác. Cảm xúc lần đầu thăm lăng Bác, được nhìn thấy Người sau khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất là nỗi xúc động, nghẹn ngào trào dâng. Chính vì lẽ đó mà khi phải quay trở về quê hương miền Nam tác giả đã có sự tiếc nuối, lưu luyến. Trong những khổ thơ 1,2,3 tác giả đã bày tỏ hết niềm tự hào, xúc động và thành kính trang nghiêm. Đến đây – ở khổ thơ cuối, chỉ còn lại sự tiếc nuối vô hạn và niềm mong ước tha thiết. Tác giả không mong ước sẽ được ở lại miền Bắc, được ở thêm vài ngày để vào lăng viếng Bác mà dù cho có thể cũng không thỏa niềm mong ước lớn lao. Bởi thế nên tác giả đã ước mình được hóa thân thành muốn làm con chim cất tiếng hót ngày ngày ca vang bên lăng Bác, rồi là làm bông hoa tỏa hương thơm ngát khắp không gian khuôn viên lăng Bác. Và cuối cùng là muốn làm cây tre trung hiếu, một cây tre đứng cùng những cây tre khác trong hàng tre xanh bát ngát bên cạnh lăng Bác bởi chỉ có bằng cách đó, tấm lòng của nhà thơ mới được gửi gắm trọn vẹn và đầy đủ nhất. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, súc tích và cô đọng, khổ thơ cuối đã lưu đọng toàn bộ niềm xúc động, tình cảm của nhà thơ về chuyến ra thăm lăng Bác và khoảnh khắc phải chia ly, rời xa lăng Bác để trở lại quê hương miền Nam.
Đoạn văn cảm nhận khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác
Bài thơ Viếng lăng Bác được tác giả Viễn Phương sáng tác đúng dịp ông ra Bắc và vào lăng viếng Bác. Cảm xúc bao trùm toàn bài là sự xúc động thiêng liêng, lòng thành kính vô hạn, tuy nhiên cao trào nhất vẫn là khổ thơ cuối với nỗi tiếc nuối đầy xót xa khi tác giả phải quay trở về miền Nam. Từ miền Nam xa xôi, phải đi gần 2000 cây số mới có thể đến thăm lăng Bác, đường xa vất vả đối với tác giả không hề ngần ngại, chỉ có điều thời gian không cho phép tác giả ở lại lâu hơn và đã đến lúc ông phải trở về miền Nam. Nghĩ đến giây phút chia xa, tác giả không thể kìm lòng, những cảm xúc lúc này trào dâng mãnh liệt “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Niềm tiếc nuối xót xa khi không thể ở lại bên Bác khiến tác giả nảy sinh những niềm mong ước thiết tha. Khi sắp phải trở về quê hương miền Nam, Viễn Phương muốn gửi gắm tấm lòng mình tại đây bằng cách hóa thân vào con chim, bông hoa, cây tre. Có thể ở bên cạnh Bác hàng ngày, hàng giờ và luôn thường trực chỉ có thể là cảnh vật xung quanh lăng Bác. Nhà thơ muốn làm con chim được hót quanh lăng Bác, mang lại những thanh âm vui nhộn nhất; Muốn làm bông hoa ngào ngạt hương thơm và muốn làm cây tre trung hiếu để mãi ở bên Bác. Khổ thơ cuối kết thúc bài thơ đã để lại nỗi khắc khoải thật khó nguôi ngoai, bởi vì dường như người đọc ai cũng đều có chung cảm xúc và nỗi lòng với nhà thơ – không muốn về lại nơi xa xôi xa lăng Bác.
Đoạn văn cảm nhận khổ 4 bài thơ Viếng lăng Bác
Viếng lăng Bác là những cảm xúc chân thực nhất của nhà thơ Viễn Phương từ khi đứng bên ngoài lăng đến khi rời khỏi lăng. Mở đầu là cảnh bên ngoài lăng, tiếp đến là hình ảnh dòng người đến viếng, hình ảnh Bác nằm trong lăng và cuối cùng là niềm mong ước tha thiết khi sắp phải trở về miền Nam. Trong khổ thơ cuối, mọi cảm xúc của tác giả dường như đã bị dồn nén bấy lâu chợt vỡ òa trong sự xót thương, nuối tiếc vô hạn. “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”, ấy là khi tác giả biết mình không thể trốn tránh hiện thực, phải trở lại vào Nam chứ không được chọn ở lại bên lăng Bác. Nước mắt trào ra là nỗi lòng biết ơn pha lẫn nỗi đau xót, sự tiếc nuối thời gian có hạn và hoàn cảnh không cho phép. Viễn Phương muốn được mãi ở bên Bác, nhà thơ muốn hóa thân vào những cảnh vật bên lăng để gửi gắm tấm lòng. “Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác”, tác giả muốn làm con chim cất tiếng hót mua vui cho Bác, bầu bạn cùng Bác, hót quanh lăng cho Bác nghe những thanh âm trong trẻo tuyệt vời nhất. “Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây”, nghĩa là muốn được làm bông hoa tỏa hương thơm ngát để xung quanh lăng Bác luôn ngào ngạt hương thơm. “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”, hơn cả là nhà thơ muốn làm “cây tre trung hiếu”, trong đó cây tre tượng trưng cho con người Việt Nam. Nhà thơ muốn làm một người con trung hiếu ngày ngày ở bên canh giữ cho giấc ngủ bình yên của Bác. Có thể nói, khổ thơ cuối tuy ngôn ngữ bình dị nhưng lại vô cùng cô đúc và giàu cảm xúc đã tái hiện sống động tâm trạng lưu luyến khi rời lăng và những ước nguyện chân thành của nhà thơ.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác Cảm nhận khổ 4 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.