Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh bài thơ Tràng giang của Huy Cận Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh bài thơ Tràng giang của Huy Cận là một chủ đề rất hay để viết bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học.
Thuyết minh Tràng giang mang đến bài văn mẫu hay đạt điểm cao nhất của các bạn học sinh giỏi. Qua đó đem lại nhiều tư liệu học tập hữu ích, giúp học sinh củng cố kiến thức, trau rồi ngôn ngữ để biết cách làm bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học. Bên cạnh bài thuyết minh tác phẩm Tràng giang các bạn xem thêm dàn ý thuyết minh về tác phẩm văn học.
Thuyết minh Tràng giang hay nhất
Huy Cận được biết đến là một nhà chính trị, nhà thơ lớn của dân tộc. Với vai trò “người thư kí của thời đại”, ông đã thể hiện nỗi niềm sầu muộn của mình trước cảnh đất nước, nỗi cô đơn của kiếp người nhỏ bé qua vô số tác phẩm giàu ý nghĩa. Trong đó, không thể không nhắc tới “Tràng giang” – một thi phẩm nổi tiếng vượt thời đại với cấu tứ và hình ảnh thơ độc đáo.
Ngay từ tiêu đề “Tràng giang” – sông dài, người đọc có thể thấy được dòng cảm xúc lan tỏa, tuôn dài ra trong thầm lặng. Dòng chảy của con sông như ẩn dụ cho dòng chảy trong tâm hồn nhà thơ. Lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” cũng đã thể hiện cảm xúc chung của tác giả trong toàn bài. Đó là thương nhớ, là bâng khuâng. Nỗi nhớ bao trùm giữa “trời rộng” và “sông dài”.
Xuyên suốt tác phẩm, các hình ảnh được sắp xếp dựa trên sự đối lập giữa một bên là thiên nhiên bao la, kì vĩ: “trời rộng”, “sông dài”, “mây cao”, “núi bạc”, “bờ xanh”, “bãi vàng”,… Bên còn lại là những sự vật nhỏ bé, trơ trọi, cô đơn: “con thuyền”, “một cành củi khô”, “cánh bèo”,… mang tính chất ngụ ý, tượng trưng. Từ sự đối lập này, tác giả đã gợi sự liên tưởng về những thân phận con người bé nhỏ, bơ vơ giữa cuộc đời rộng lớn. Nhân vật trữ tình mong muốn được giao tiếp với thế giới nhưng bản thân lại không thể làm được. Càng tìm kiếm, ông càng thất vọng khi phát hiện ra xung quanh mình rộng lớn, lạnh lẽo nhường nào. Trong cả bài, các hình ảnh đều được đặt trên “lộ trình” vận động: từ biểu đạt cái hữu tình đến biểu đạt cái vô hình. Cái hữu tình ở đây chính là nỗi buồn, được diễn tả tăng dần. Ở khổ thơ đầu tiên, tác giả chỉ miêu tả những điều gì nhìn thấy trước mặt rồi mới phóng tầm mắt ra xa dần. Càng xa, nỗi buồn càng được phóng đại bởi cảm giác bơ vơ, lẻ loi rồi đến cuối cùng, cảm xúc đó không được gọi tên mà chỉ còn thấy “dợn dợn” một nỗi nhớ nhà trong lòng. Vậy nên, có thể khẳng định rằng tứ thơ của “Tràng giang” dựa vào sự vận động của hệ thống hình ảnh trong từng khổ thơ và toàn bài.
Ngoài ra, trong bài thơ, tác giả còn sử dụng một loạt các biện pháp tu từ độc đáo để thể hiện những hình ảnh mới mẻ, khác biệt. Đảo ngữ “củi một cành khô” nhấn mạnh sự bé nhỏ, lạc lõng của sự vật. Những từ láy kết hợp với từ chỉ cảm xúc như “buồn điệp điệp”, “nước song song”, “gió đìu hiu”, “lớp lớp mây cao”, “lòng quê dợn dợn” giúp tăng sắc thái biểu cảm cho những sự vật lên một tầng cao hơn trong diễn đạt. Tác giả còn có cách kết hợp ngôn ngữ cực kì táo bạo, lấy tính từ chỉ chiều cao để miêu tả chiều sâu, tạo ra từ “sâu chót vót” khiến cho sự rộng lớn của không gian càng tăng lên gấp bội. Thêm nữa, các câu thơ trong bài còn có thể ngắt nhịp khác nhau, cho độc giả thấy được sự đa nghĩa, ẩn ý, nhiều màu sắc trong tứ thơ. Ví dụ như câu thơ “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” khi ngắt nhịp 1/3/3 là một lời phủ định rằng không có tiếng vãn chợ ở xung quanh đây đâu. Khi câu thơ này được đọc theo nhịp 4/3 lại trở thành câu hỏi về âm thanh nào đó không rõ ràng vang vọng trong không gian.
Góp phần không nhỏ cho sự thành công của “Tràng giang” là sự kết hợp của những thi liệu truyền thống, quen thuộc và các điển tích, điển cố nổi tiếng. Về mặt hình ảnh, bài thơ đã miêu tả cảnh rất quen thuộc trong đời sống con người Việt Nam. Đó là sông, thuyền, bèo, nước, làng xa bến sông, núi, mây bạc, cánh chim trong buổi hoàng hôn,… Đây đều là cảnh gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của mỗi con người trong thời đại đó. Từ ngữ trong bài cũng được lấy cảm hứng từ những câu thơ nổi tiếng như từ “đìu hiu” có cảm xúc tương tự câu thơ “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò” hay từ “đùn” cũng giống nghĩa biểu đạt trong câu thơ “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Câu thơ “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” cũng được bắt nguồn từ cảm hứng trong bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Việc sử dụng các thi liệu truyền thống nằm trong ý đồ cấu tứ và chiến lược tổ chức văn bản của nhà thơ. Với sự xuất hiện của các thi liệu này, hướng vận động của hệ thống hình ảnh trong bài sẽ được xác định rõ. Mỗi hình ảnh sẽ ám gợi về một điều gì đó vô hình hơn bên ngoài nó và hướng dẫn người đọc hướng tới những suy ngẫm sâu sắc về tình thế tồn tại của con người, về bản chất cuộc sống.
Mỗi hình ảnh thơ trong “Tràng giang” đều có thể trở thành biểu tượng, hàm chứa nhiều ý nghĩa, gợi nhiều cảm nhận tùy theo trải nghiệm của người đọc. Bài thơ đem đến khung cảnh sông nước quen thuộc, từ đó hướng người đọc tới những suy tưởng về mối quan hệ giữa cá nhân con người với xã hội, về sự tương quan giữa con người nhỏ bé và vũ trụ rộng lớn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh bài thơ Tràng giang của Huy Cận Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.