Bạn đang xem bài viết Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền – Kết nối tri thức 10 Ngữ văn lớp 10 trang 39 sách Kết nối tri thức 2 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Qua câu chuyện đầy kịch tính với những hình tượng tương phản trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Huy-gô muốn gửi tới bạn đọc thông điệp rằng trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai. Bởi vậy, Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn sẽ cung cấp bài Soạn văn 10: Người cầm quyền khôi phục uy quyền.
Tài liệu dưới đây sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 10 khi tìm hiểu về tác phẩm này, mời tham khảo. Các bạn học sinh có thể tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.
Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Trước khi đọc
Câu 1. Bạn hình dung như thế nào về một con người có uy quyền?
Người có uy quyền sẽ khiến người khác cảm thấy nể phục, sợ hãi.
Câu 2. Bạn đã từng đọc cuốn sách hay xem bộ phim nào mà trong đó có nhân vật thực sự là một người uy quyền? Bạn hãy chia sẻ ấn tượng của mình về nhân vật ấy.
– Ví dụ như: Trong phim Tây Du Kí, Ngọc Hoàng là một người uy quyền…
Đọc văn bản
Câu 1. Hoàn cảnh và tình trạng của Phăng-tin được miêu tả như thế nào?
Hoàn cảnh và tình trạng của Phăng-tin: Đầu óc ốm yếu của chị không hiểu được một cái gì cả, nhưng chị đinh ninh là Gia-ve muốn bắt chị. Chị không chịu đựng được bộ mặt gớm ghiếc của hắn.
Câu 2. Vì sao người kể chuyện lại lưu ý “từ giờ chúng ta cứ cái tên này mà gọi”?
Vì Giăng Van-giăng đã tự thú thân phận thực sự của mình, và ông không còn là thị trưởng Ma-đơ-len.
Câu 3. Tại sao Phăng-tin cảm thấy “cả thế giới đang tan biến”?
Phăng-tin trông thấy Gia-ve tóm cổ ông thị trưởng, và chị thấy ông thị trưởng cúi đầu. Điều đó khiến hy vọng, niềm tin của chị bị dập tắt.
Câu 4. Phăng-tin có phản ứng và cảm xúc như thế nào khi nghe nhắc đến đứa con gái của mình?
Phăng-tin run lên bần bật, muốn đi tìm con gái.
Câu 5. Tại sao Gia-ve lại thấy run sợ?
Gia-ve run sợ trước hành động giật gãy cái thanh giường cùng với ánh nhìn đầy sự tức giận và uy quyền của Giăng Van-giăng.
Trả lời câu hỏi
Câu 1. Có thể chia đoạn trích làm mấy phần? Hãy xác định mối liên hệ giữa các phần ấy.
- Phần 1. Từ đầu đến “Chị rùng mình”: Khi Giăng Van-giăng vẫn còn uy quyền của một thị trưởng.
- Phần 2. Tiếp theo đến “Phăng-tin đã tắt thở”: Thân phận của Giăng Van-giăng bị lộ.
- Phần 3. Còn lại: Giăng Van-giăng khôi phục lại uy quyền.
=> Các phần có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Câu 2. Bạn cảm nhận như thế nào về thái độ và cách ứng xử của Giăng Van-giăng đối với Phăng-tin? Theo bạn, Giăng Van-giăng có thể đã “thì thầm bên tai Phăng-tin” điều gì ngay sau khi chị qua đời?
– Thái độ và cách ứng xử của Giăng-van-giăng đối với Phăng-tin: Nhẹ nhàng, mềm mỏng và cảm thông trước hoàn cảnh của người phụ nữ bất hạnh.
– Giăng Van-giăng có thể đã “thì thầm bên tai Phăng-tin”: Chị hãy yên nghỉ, tôi sẽ tìm được đứa con gái tội nghiệp về cho chị.
Câu 3. Qua lời của người kể chuyện, nhân vật Gia-ve hiện lên như thế nào? Hãy nhận xét về thái độ của người kể chuyện đối với nhân vật này.
a. Nhân vật Gia-ve
– Nghề nghiệp: là một viên cảnh sát – đại diện cho công lý.
– Ngoại hình:
- Khuôn mặt: “bộ mặt gớm ghiếc”, đáng sợ đến mức khiến Phăng-tin chỉ mới nhác trông thấy đã như “chết lịm đi”…
- Giọng nói: lạnh lùng, cộc lốc với tiếng thét “Mau lên!”, “man rợ và điên cuồng, không còn là tiếng người nói mà lá tiếng thú gầm”.
- Ánh mắt giống như “cái móc sắt”, “từng quen kéo giật về phía hắn bao nhiêu kẻ khốn khổ”.
- Nụ cười “ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng”.
=> Ngoại hình giống như một con thú đang đói khát lâu ngày đang chờ để nhảy vào con mồi của mình.
– Thái độ:
- Lạnh lùng, tàn nhẫn trước nỗi khổ của Phăng-tin.
- Không cảm thấy xót thương cho cái chết của người đàn bà tội nghiệp.
=> Gia-ve mang nội tâm của một con quỷ tàn nhẫn.
b. Thái độ của người kể chuyện: Căm ghét, coi thường.
Câu 4. Phân tích sự thay đổi trong ngôn ngữ và thái độ của Giăng Van-giăng đối với Gia-ve theo diễn biến của đoạn trích.
– Trước khi Phăng-tin chết: nhẹ nhàng, nhún nhường, ngôn ngữ nói chuyện tinh tế hòng che giấu sự thật về Cô-dét, về mình để Phăng-tin có cơ hội sống.
– Sau cái chết của Phăng-tin: thay đổi, khôi phục lại uy quyền với ngôn ngữ lạnh lùng và dứt khoát, kết tội Gia-ve “Anh đã giết chết người phụ nữ này rồi đó”, sẵn sàng chiến đấu để có thể từ biệt Phăng-tin bằng phong thái mạnh mẽ, lạnh lùng khiến Gia-ve run sợ.
Câu 5. Quyền năng của người kể chuyện ngôi thứ ba có được thể hiện trong đoạn trích này không? Vì sao?
– Quyền năng của người kể chuyện ngôi thứ ba được thể hiện trong đoạn trích này.
– Người kể chuyện theo ngôi thứ ba đã chứng kiến toàn bộ sự việc, cùng với đó có thể đưa ra những đánh giá, nhận xét đối với nhân vật và sự việc.
Câu 6. Trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, nhân vật nào thật sự có uy quyền? Do đâu bạn khẳng định như vậy?
– Nhân vật thực sự có uy quyền: Giăng Van-giăng.
– Nguyên nhân: Uy quyền của Giăng Van-giăng không thể hiện ở vị thế xã hội (ông đang là một tội phạm) mà được thể hiện qua lời nói, hành động và cử chỉ khiến cho một người có vị thế xã hội (một viên cảnh sát – đại diện cho công lý) như Gia-ve cảm thấy sợ hãi.
Câu 7. Trong đoạn trích này, theo bạn, điều gì mới làm nên uy quyền của một con người?
Uy quyền của con người thể hiện ở phẩm chất lương thiện, giàu lòng yêu thương con người. Cùng với đó, lời nói, cử chỉ và hành động phải thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt khiến người tin tưởng, kính phục.
Kết nối đọc – viết
Bạn có cảm thấy hứng thú khi đọc những tác phẩm tự sự được kể bởi người kể chuyện toàn tri không? Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ trình bày về vấn đề này).
Gợi ý:
Những tác phẩm được kể bằng người kể chuyện toàn tri khá nhiều. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu, người kể chuyện toàn tri là cách gọi khác của người kể chuyện ngôi thứ ba. Người kể chuyện giấu mình nhưng có mặt khắp mọi nơi trong văn bản. Người kể này dường như biết hết mọi hành động, tâm tư, tình cảm của nhân vật. Khi đó, người đọc sẽ có cái nhìn toàn diện nhất về nhân vật, cũng như câu chuyện được kể. Qua đây, người đọc cũng có thể cảm nhận được tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm một cách dễ dàng, sâu sắc hơn. Rõ ràng, mỗi ngôi kể chuyện đều có ưu nhược điểm riêng. Nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi cảm thấy khá hứng thú với việc đọc những tác phẩm tự sự được kể bởi người kể chuyện toàn tri. Bởi tôi sẽ có thể xâm nhập được vào nội tâm của từng nhân vật trong tác phẩm, từ đó hiểu rõ hơn được những điều mà tác giả gửi gắm.
Xem thêm: Đoạn văn trình bày quan điểm: Bạn có hứng thú khi đọc những tác phẩm tự sự được kể bởi người kể chuyện toàn tri?
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền – Kết nối tri thức 10 Ngữ văn lớp 10 trang 39 sách Kết nối tri thức 2 tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.