Bạn đang xem bài viết 30 đề luyện thi THPT Quốc Gia 2018 môn Ngữ văn Bộ đề ôn thi THPT môn ngữ văn tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Nhằm đem đến cho các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo luyện thi môn Ngữ văn thi THPT Quốc Gia, Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn xin giới thiệu đến các bạn Tuyển tập 30 đề luyện thi THPT Quốc Gia 2018 môn Ngữ văn được chúng tôi tổng hợp chi tiết, chính xác và đăng tải ngay sau đây. Chúc các bạn ôn tập và đạt được kết quả cao trong kì thi sắp tới.
Đề số 1 ( Thời gian: 120 phút)
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc các văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
“Sáng 9-10-2017, thông tin thầy giáo Văn Như Cương – người truyền lửa học tập, học làm người của nền giáo dục Việt Nam – qua đời đã tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội…
Thầy coi học trò như con cháu trong nhà, những lời thầy nhắn gửi như là lời truyền đạt của thế hệ đi trước, tóc đã bạc nhưng tâm hồn mãi trẻ, mãi nhiệt huyết, mãi đau đáu với sự nghiệp giáo dục.
Thầy từng nói: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế”.
(Nguồn: Báo điện tử Tuoitre.vn, ngày 9/10/2017)
Câu 1.Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?(0.5đ)
Câu 2. Chỉ ra biểu hiện và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp liệt kê trong câu: Thầy từng nói: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế” (0.75đ)
Câu 3. Xác định từ láy và nêu tác dụng từ láy trong câu: “Thầy coi học trò như con cháu trong nhà, những lời thầy nhắn gửi như là lời truyền đạt của thế hệ đi trước, tóc đã bạc nhưng tâm hồn mãi trẻ, mãi nhiệt huyết, mãi đau đáu với sự nghiệp giáo dục”. (0.75đ)
Câu 4. Thông điệp mà anh chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Nêu lí do chọn thông điệp đó.(1.0đ)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ ) bày tỏ suy nghĩ về lời nhắn nhủ “Nhưng trước hết phải là những người tử tế” được trích ở phần Đọc hiểu .
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích hình tượng ông đò trích tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”.Từ đó, liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù) để bình luận ngắn quan niệm về người anh hùng- nghệ sĩ của nhà văn Nguyễn Tuân.
———HẾT———-
Đề số 2 ( Thời gian: 120 phút)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Sự chia sẻ cũng làm giảm bớt đi những nỗi sợ hãi, nhàm chán trong cuộc sống của chúng ta do nó thúc đẩy những mối giao tiếp xã hội và làm tăng cảm giác sống có mục đích, cảm giác an toàn cho mỗi người.
Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, những người xem nhiều tin tức trên truyền hình thường lo sợ thái quá về mối hiểm nguy đối với cuộc sống bình yên, hạnh phúc của họ. Nguyên do là vì phần lớn các chương trình truyền hình đều tập trung đưa thêm những bản tin, những hình ảnh rùng rợn, bất an, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, sợ hãi trong lòng khán giả.
Và đáng ngại hơn, cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều “những cái kén người” tìm cách sống thu mình. Nói cách khác, những người này chỉ muốn tự nhốt mình trong tháp ngà của những mối quan hệ với người thân mà tự đánh mất dàn mối quan hệ với hàng xóm. Chính lối sống ích kỷ này càng làm cho họ dễ bị kẻ xấu tấn công và dễ gặp những chuyện nguy hiểm hơn.
Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là hãy đối mặt với chúng, từ đó bắt đầu một quá trình tạo nên sự khác biệt.Cội nguồn của mọi hiểm nguy đều xuất phát từ hệ quả của những mặt trái xã hội, nhưng thường thì chúng ta không dám nhìn thẳng vào vấn đề này. Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó. Chúng ta cần có thái độ thích hợp để làm giảm thiểu những nguyên nhân gây ra mọi bất ổn trong cuộc sống của mình.
(Cho đi là còn mãi –Azim Jamal & Harvey McKinno)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
2. Theo tác giả, cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là gì?
3. Em hiểu như thế nào là “những cái kén người” trong câu “cuộc sống hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều “những cái kén người”tìm cách sống thu mình”?
4. Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua văn bản là gì?
Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1(2đ)
Viết đoạn văn ( 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu “Bản chất của sự việc diễn ra không quan trọng bằng cách mà chúng ta đón nhận những sự việc đó”được gợi ra ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 điểm)
Không thể sống bằng mọi giá đâu con ơi. Sống đảo điên, hèn hạ, không được là chính mình còn tệ hơn cái chết! (Lời Trương Ba nói với con trai). Hãy làm rõ triết lý sống ấy qua lớp đối thoại giữa Hồn và Xác của Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Từ đó, liên hệ với cái chết của nhân vật Chí Phèo ( Nam Cao ) để bình luận quan niệm sống của các tác giả.
Đề số 3
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
“Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng.
Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta… Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thế giới ảo”.
(Trích thư của PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội – gửi đến các phụ huynh nhân dịp đầu năm học mới 2013, 5/9/2013)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản
Câu 2. Những từ ngữ nào nói lên sự gắn bó giữa con cái với cha mẹ trong lời tâm sự của PGS Văn Như Cương ?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng.
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Vì sao chọn thộng điệp đó?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn ngắn (200 từ) bày tỏ suy nghĩ biện pháp khắc phục hiện tượng quá mê say với thế giới ảo” của một bộ phận giới trẻ hiện nay được gợi ra từ phần đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 điểm)
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc,
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ,
Hướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
( Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập I, tr 155-156, NXBGD 2008)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, liên hệ với đoạn thơ sau trong bài Đây thôn Vĩ Dạ ( Hàn Mặc Tử)
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá, nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?”
để bình luận quan niệm về tình yêu của mỗi nhà thơ .
———–HẾT———-
Đề số 4
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Nước Đức trở thành một đống hoang tàn sau Thế chiến thứ hai. Khi ấy, có hai người Mĩ đến hỏi chuyện một người dân Đức vẫn đang sống dưới hầm trú đạn. Sau khi đi khỏi, hai người đã có cuộc trò chuyện với nhau trên đường.
Một người hỏi:
-Anh nghĩ người Đức có thể tái thiết đất nước hay không?
Người kia trả lời:
-Họ hoàn toàn có thể.
-Sao anh có thể khẳng định như thế?
Thay vì câu trả lời, bạn anh hỏi ngược lại:
-Anh có nhìn thấy họ đặt thứ gì trên bàn dưới tầng hầm u tối đó không?
-Một bình hoa.
Phải, trong hoàn cảnh khốn khó mà vẫn không quên hoa tươi, tôi tin chắc họ có thể xây dựng lại đất nước từ đống hoang tàn.
Còn giữ lấy một bông hoa trong ngục tối tức là còn nuôi dưỡng chút niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp. Ngỡ là hão huyền nhưng trong lúc khó khăn nguy cấp nhất, đó chính là động lực để thúc đẩy con người vượt qua sự nghiệt ngã của đời sống. Chỉ cần không nhụt chí, vẫn giữ được tinh thần lạc quan cởi mở, thì ta có thể trèo lên khỏi vực thẳm. Thái độ tích cực chính là dòng suối mát lành và ánh sáng hi vọng.
(Trích Hạt giống tâm hồn – nghệ thuật sáng tạo cuộc sống, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 136)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Tại sao từ chiếc bình hoa dưới tầng hầm, một trong hai người Mĩ lại tin rằng người Đức có thể tái thiết đất nước sau chiến tranh?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: Thái độ tích cực chính là dòng suối mát lành và ánh sáng hi vọng.
Câu 4. Qua câu chuyện trên, anh/chị rút ra bài học gì về thái độ ứng xử trước những khó khăn, thử thách?
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ hình ảnh bình hoa trong câu chuyện phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời cho câu hỏi: Cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu tinh thần lạc quan?
Câu 2. (5,0 điểm)
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa.
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy (Tố Hữu) để bình luận về nhận định sau: Hồn thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta chung…(Ngữ văn 12, Tập một, tr.97, NXB Giáo dục – 2009)
———–HẾT———-
Đề số 5
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Đứng trước một xã hội học tập trọn đời, các bạn trẻ hiện nay, dù có những dự định như thế nào trong cuộc mưu sinh sau này, trước tiên nên xây dựng một quan niệm như thế này: dù sau này làm bất kì nghề nghiệp gì, các bạn đều phải dựa vào sức lao động của bản thân để nuôi sống chính mình và gia đình, sau đó là cống hiến cho xã hội. Bởi vì trong xã hội hiện đại, mỗi người tự sắp xếp lên kế hoạch cho chính mình, không biến mình trở thành gánh nặng cho xã hội. Dựa vào sức lao động của mình để có được tất cả những gì mình muốn, gặt hái những thành công trong lao động nghề nghiệp của mình. Đó chính là sự cống hiến của mình cho xã hội. Trên cơ sở đó, nếu bạn có tài năng nhiều hơn, thì cả một chân trời rộng mở để bạn thử sức, trời cao thỏa sức chim bay, biển rộng thỏa sức cá bơi lội. Vô vàn các cơ hội, vô số những ngành nghề xứng đáng để bạn dâng hiến cả đời. Chúng ta đều biết giáo dục trọn đời và giáo dục mở rộng là giấy thông hành để bước vào xã hội học tập, cũng là giấy thông hành để bước vào xã hội kinh tế tri thức. Giáo dục trong xã hội học tập sẽ có những thay đổi mang tính cách mạng, trước tiên là sự thay đổi sứ mệnh của giáo dục. Sứ mệnh mới của giáo dục là:
Giữ gìn tinh thần tự lập và sức sáng tạo của mỗi người mà không từ bỏ những nhu cầu của người ấy trong cuộc sống thực tế.
Truyền bá văn hóa nhân loại chứ không dùng những khuôn mẫu đúc sẵn để đè nén nó.
Khích lệ mỗi người phát huy tài năng, năng lực và phương thức biểu đạt cá nhân nhưng không tiếp tay cho chủ nghĩa cá nhân.
Coi trọng tính độc đáo của mỗi người nhưng không bỏ qua “sáng tạo cũng là một hoạt động tập thể ”.
(Theo Học cách học tập, Chu Nam Chiếu, Tôn Vân Hiển NXB Kim Đồng, 2016, tr. 106 – 107)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Tác giả khuyên bạn trẻ nên xây dựng cho mình quan niệm như thế nào?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu văn: Trời cao thỏa sức chim bay, biển rộng thỏa sức cá bơi lội.
Câu 4. Theo anh/chị, mỗi người cần làm gì để “không biến mình trở thành gánh nặng cho xã hội” hiện nay?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sứ mệnh của giáo dục được nêu trong đoạn trích phần Đọc hiểu: Khích lệ mỗi người phát huy tài năng, năng lực và phương thức biểu đạt cá nhân nhưng không tiếp tay cho chủ nghĩa cá nhân.
Câu 2. (5,0 điểm)
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…
(TỐ HỮU,Thơ,NXB Giáo dục,Hà Nội,2002)
Cảm nhận bài thơ trên. Liên hệ với đoạn trích Việt Bắc ( Ngữ văn 12), bình luận phong cách nghệ thuật thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết,
Cảm ơn bạn đã xem bài viết 30 đề luyện thi THPT Quốc Gia 2018 môn Ngữ văn Bộ đề ôn thi THPT môn ngữ văn tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.