Bạn đang xem bài viết 10 Đặc sản nổi tiếng nhất tỉnh Bắc Giang tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Vải thiều Lục Ngạn, xôi trứng kiến, chè kho Mỹ Độ,… đều là những thức quà nổi tiếng của miền đất Bắc Giang. Trong bài viết này chúng mình sẽ đưa bạn đến thăm vùng Kinh Bắc xưa cùng những đặc sản thơm ngon, mát lành này.
Khau nhục
Khau nhục là món thịt ba chỉ hầm nhừ cách thủy, mang hương vị đặc trưng Trung Hoa, là món ăn đặc trưng của một số tỉnh vùng núi phía Bắc trong đó có Bắc Giang. Là món ăn được làm từ thịt lợn ba chỉ với những công đoạn chế biến khá phức tạp, hiện nay khau nhục chỉ thường được dùng trong những tiệc, cỗ.
Miếng khau nhục có màu vàng đều, hấp dẫn, mùi hương đặc trưng bởi sự hòa quyện của thịt lợn ngon và các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu… Ai đã từng một lần thưởng thức món khau nhục thì không thể quên hương vị độc đáo của nó, những miếng thịt béo ngậy tan trong miệng sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn.
Khau nhục
Khau nhục
Xôi trứng kiến
Trứng kiến, là một món ăn dân dã của người dân các huyện quanh khu vực Tây Yên Tử. Trứng kiến được coi là trân bảo bởi độ dinh dưỡng và gây nghiện mà nó mang lại. Người dân nơi đây thu hoạch trứng kiến và chế biến ra rất nhiều món, trong đó xôi trứng kiến Bắc Giang phổ biến và hấp dẫn nhất.
Đến với các vùng Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động,… bạn sẽ không chỉ ấn tượng bởi những thức quả thơm ngon, ngọt mát mà còn được thưởng thức hương vị đặc biệt của món xôi trứng kiến dân dã. Xôi trứng kiến là thức ăn ngon, bổ dưỡng, là sự kết hợp độc đáo giữa vị ngọt bùi, béo ngậy của trứng kiến với những hạt gạo nếp dẻo thơm.
Thưởng thức nóng sẽ cảm nhận được vị thơm đậm đà, quyến rũ của lúa nếp nương, vị ngọt, bùi và ngậy của trứng kiến. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai dù một lần được thưởng thức xôi trứng kiến sẽ nhớ mãi.
Xôi trứng kiến
Xôi trứng kiến
Bún Đa Mai
Khi nói về văn hoá làng nghề, cũng như văn hoá ẩm thực của vùng đất Bắc Giang, ta sẽ không thể không nhớ một sản vật khá nổi tiếng – “Bún Đa Mai” một sản vật của xã Đa Mai thuộc thành phố Bắc Giang. Bún Đa Mai có sợi dẻo, ăn mát, bổ để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc.
Bún Đa Mai gồm có 4 loại: bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (còn gọi là bún lá) mỗi loại lại có một cách chế biến đặc trưng riêng. Trong khi bún vẩy ốc và bún con ba chỉ được sử dụng trong những dịp đặc biệt thì bún rối và bún lá lại được người dân dùng như một thức ăn quen thuộc hàng ngày.
Người ta có thể dùng bún Đa Mai để chế biến các món ăn như Bún riêu cua, bún ốc, bún cá, bún ngan, bún măng, bún chân giò, bún thịt chó, bún chả, bún đậu chấm mắm tôm, bún nem, nộm bún… Đến nay, bún Đa Mai không chỉ được tiêu thụ trong vùng mà còn có mặt ở nhiều địa phương khác, trở thành niềm tự hào của tỉnh nhà. Giá thành của món bún này cũng khá hợp lí, chỉ trên 10.000 đồng cho 1 cân bún.
Bún Đa Mai
Bún Đa Mai
Vải thiều
Vải là một loại quả đặc trưng của miền Bắc nước ta, nó được trồng ở rất nhiều tỉnh thành nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến vải thiều ở Lục Ngạn – Bắc Giang. Được trồng ở Lục Ngạn khoảng gần 1 thế kỉ trước bởi những người nông dân quê gốc Hải Dương (Hải Dương vốn nổi tiếng với vải Thanh Hà), cho đến nay vải đã là cây trồng quen thuộc của người dân Lục Ngạn.
Với điều kiện khí hậu thuận lợi, ôn hòa, đất đỏ pha lẫn sỏi rất phù hợp với cây ăn quả lâu năm và bàn tay chăm bón của người dân nơi đây, vải thiều nhanh chóng đã vượt qua cả vải Hải Dương về độ ngọt thơm. Vải Lục Ngạn quả to, vỏ căng, mỏng, ít gai, khi chín có màu đỏ tươi bắt mắt, cùi dày mọng nước, hạt nhỏ, vị ngọt đậm mà thanh mát cùng với hương thơm đặc trưng đã khiến người ăn không thể cưỡng lại vị hấp dẫn của nó. Chính bởi vậy mà vải không chỉ được người dân Việt Nam yêu thích mà nó còn làm vừa lòng những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu,…
Vải thiều không chỉ là đặc sản của tỉnh nhà mà còn là niềm tự hào của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên giá vải mỗi năm lại không ổn định do bị thương lái ép giá, giá giao động mỗi năm tại huyện là 15.000 đồng đến 30.000 đồng một cân.
Vải thiều
Vải thiều
Bánh đa Kế
Đến với Bắc Giang bạn nhất định phải mua bánh đa về làm quà bởi bánh đa ở đây mang một hương vị rất riêng không nơi nào có được. Bánh đa Kế không giống bánh đa ở bất kì nơi nào khác bởi bánh có kích thước to và màu sắc đặc trưng. Kế hay Dĩnh Kế vốn là một làng nhỏ thuộc thành phố Bắc Giang, nơi lưu giữ một phương thức làm bánh đa riêng mà ngay chính các làng khác trong vùng cũng không có được.
Bánh đa Kế là món bánh đặc biệt thơm ngon bởi vị bùi, thơm giòn của lạc, vừng, khoai lang hòa quyện với thứ gạo ngon của vùng trung du miền núi cùng với bàn tay khéo léo của con người nơi đây đã trở thành thương hiệu của người dân Bắc Giang. Đây cũng là một thức quà không quá đắt, giá một túi bánh đa (người dân ở đây thường đóng 1 túi 5 cái bánh) vào khoảng 60.000 đồng cho loại trung bình và 75.000 đồng đến 100.000 đồng cho loại ngon.
Bánh đa Kế
Bánh đa Kế
Mật ong vải thiều
Vải thiều là sản vật quý của miền đất Lục Ngạn, ngoài việc thu hoạch trái vải ngon ngọt người ta còn đem những thùng ong đặt trong vườn vải vào những ngày cây vải nở rộ hoa để đem về một thứ mật ngọt mát với mùi hương đặc trưng.
Những bông hoa vải trắng nhỏ li ti nhưng lại chứa rất nhiều mật, mỗi độ hoa vải nở rộ đi vào vườn vải người ta lại say đắm trong một mùi hương dịu nhẹ mà ngây ngất lòng người, mật ong từ thứ hoa này cũng mang một sắc vàng và vị ngọt rất riêng.
Mật ong hoa vải thiều chính là thức quà quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Hiện nay, mật ong vải thiều được bày bán ở rất nhiều nơi với giá chỉ khoảng hơn 100.000 đồng 1 lít.
Mật ong vải thiều
Mật ong vải thiều
Mì Chũ
Với những người sành ăn thì thương hiệu mì Chũ có lẽ không còn mấy xa lạ. Là loại mì nổi tiếng được người dân thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn làm ra, đến nay mì Chũ đã trở thành đặc sản nổi tiếng trên khắp cả nước.
Mì ở đây khác biệt bởi độ dai của sợi mì, vị ngọt bùi của gạo loại ngon và hương thơm không lẫn vào đâu được. Những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, đem ngâm 6 – 8 tiếng, sau đó xay ra thành bột cho thật dẻo và sánh, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Từ tờ mờ sáng người dân ở đây đã phải dậy tráng bánh để kịp phơi khô, bánh chỉ được phơi dưới trời nắng, nếu thời tiết không thuận lợi người ta sẽ ngừng sản xuất để đảm bảo chất lượng của mì. Được sản xuất bằng phương pháp gia truyền và loại gạo ngon, mì Chũ hoàn toàn không sử dụng hàn the, chất bảo quản hay chất tẩy trắng, người dân nơi đây muốn giữ cho mì có một hương thơm, vị ngon, ngọt đặc trưng và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Là món ăn bình dân, mì Chũ có thể dùng để chế biến món mì xào, ăn cùng lẩu hay phở,… Hiện nay mì Chũ đã có mặt ở khắp nơi trên cả nước và được rất nhiều người yêu thích với mức giá bình quân chỉ từ 20.000 đồng đến 30.000 nghìn đồng một cân.
Mì Chũ
Mì Chũ
Rượu làng Vân
Người ta gọi rượu làng Vân là cái thứ nước trong văn vắt và đẹp như nắng hạ được đóng vào chai, chỉ cần lắc nhẹ thôi là thấy sủi tăm. Hàng ngàn tăm rượu xoay vòng tròn như một cột sáng. Được biết, với những người sành rượu thì chỉ cần nhìn vào tăm rượu là đã biết rượu đạt bao nhiêu độ, uống vào có êm hay không. Vào năm Chính Hòa thứ 24 (khoảng năm 1703), vua Lê Hy Tông đã sắc phong cho sản vật lừng danh này 4 mỹ tự: Vân – Hương – Mỹ – Tửu.
Rượu làng Vân được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon, trồng trên cánh đồng của làng Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cộng thêm với men gia truyền bằng các vị thuốc bắc quý hiếm sau hơn 72 giờ ngâm ủ kết hợp với nghệ thuật nấu rượu tài tình của người làng Vân mới có thể cho ra rượu Làng Vân như một thứ tinh túy nhất của trời đất ban tặng cho con người được. Cha truyền con nối, rượu làng Vân là thương hiệu “ông tiên” quen thuộc, nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Đã từ rất lâu rồi, hương vị đặc biệt của rượu làng Vân luôn được du khách ưu tiên chọn mua về làm quà khi qua có dịp đi qua vùng Kinh Bắc.
Rượu làng Vân
Rượu làng Vân
Chè kho Mỹ Độ
Là món ăn không mấy xa lạ trong nền ẩm thực Việt tuy nhiên chè kho ở Mỹ Độ, Xương Giang, Bắc Giang vẫn ghi điểm trong lòng các thực khách bởi vị ngon đặc trưng của nó. Chè kho Mỹ Độ có màu vàng hơi sậm – màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt đĩa chè, nó là sự kết hợp hài hòa giữa vị đậm đà, thơm thảo của đậu xanh, hương vừng, vị ngọt thanh của đường kính và vị béo thoang thoảng của mỡ.
Đến với Mỹ Độ, người ta sẽ được thưởng thức món chè kho cùng với trà sen – một thứ đặc sản khác của vùng đất này, sự kết hợp hoàn hảo của 2 thức quà chính là nét độc đáo riêng chỉ có ở vùng đất Xương Giang.
Chè kho Mỹ Độ
Chè kho Mỹ Độ
Bánh gio Hiệp Hòa
Hiệp Hòa là một tỉnh khá gần thành phố Bắc Giang nơi nổi tiếng với món bánh gio mật mía truyền thống. Bánh gio có mặt trong ngày Tết của rất nhiều nơi trong toàn tỉnh nhưng trở thành đặc sản và thức quà cho du khách ghé thăm thì chỉ có ở Hiệp Hòa.
Được làm từ nước loại gio đặc trưng cùng gạo nếp cái hoa vàng và thứ mật mía ngọt lịm, thanh mát, bánh gio Hiệp Hòa mang đến cho thực khách những ấn tượng khó phai. Bánh chín có màu vàng óng và độ dẻo đến bất ngờ. Ngày tết, ngày hội, đám cưới,… ăn nhiều thứ dễ sinh trướng bụng, đầy hơi, món bánh gio mát lành sẽ làm ta dễ chịu, nhuận tràng, tiêu hóa tốt. Vì thế bánh gio vừa là món ăn ngon, vừa là vị thuốc nam, món ẩm thực đặc sản của cùng quê luôn được mọi người ưa chuộng.
Bánh gio Hiệp Hòa
Bánh gio Hiệp Hòa
Mỗi món ăn, mỗi thức quà trên đều là những niềm tự hào của người dân Bắc Giang. Hãy đến vùng đất này, hãy một lần nếm thử vị ngọt mát của vải thiều, vị ngọt bùi của xôi trứng kiến hay đắm chìm trong men say của rượu làng Vân để yêu thêm mảnh đất Bắc Giang.
Đăng bởi: Huỳnh Văn
Từ khoá: 10 Đặc sản nổi tiếng nhất tỉnh Bắc Giang
Cảm ơn bạn đã xem bài viết 10 Đặc sản nổi tiếng nhất tỉnh Bắc Giang tại Thptlequydontranyenyenbai.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.